Thứ Tư, 02/05/2018, 15:11 (GMT+7)
.
Ùn tắc giao thông trước cổng trường giờ cao điểm:

Cần có giải pháp khả thi hơn

Lâu nay, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trước các cổng trường thường xuyên xảy ra trong giờ cao điểm (trước khi vào học và khi tan trường), do phụ huynh học sinh đậu đỗ xe không đúng quy định khi đưa rước con. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này đã và đang là vấn đề đặt ra đối với các ngành chức năng.

 Ùn tắc giao thông trước cổng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.
Ùn tắc giao thông trước cổng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

CAO ĐIỂM TAN TRƯỜNG

Hầu hết các trường học dọc theo các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến đường chính trong các đô thị đều xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ trong thời gian trước khi vào học và khi tan trường. Đặc biệt là, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên một số tuyến đường trong nội ô TP. Mỹ Tho trước các cổng trường đã kéo dài từ lâu, nhưng vẫn chưa có giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng này, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Ghi nhận của phóng viên Báo Ấp Bắc vào giờ tan trường tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (đường Tết Mậu Thân, TP. Mỹ Tho), mặc dù trước cổng trường có lực lượng chức năng điều tiết giao thông nhưng tình trạng ùn tắc do nhiều phụ huynh đậu đỗ xe dưới lòng đường và do lòng đường hẹp nhưng số lượng học sinh và phụ huynh trong giờ tan học quá đông.

Không riêng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, trong giờ cao điểm tan trường ở Trường Trung học cơ sở (THCS) Xuân Diệu (đường Hùng Vương, TP. Mỹ Tho) cũng diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, vì phụ huynh đậu đỗ xe chờ rước con chiếm gần hết 2 làn đường.

Trong thời gian qua, nhà trường đã phối hợp với các ngành chức năng của thành phố phát loa yêu cầu khi rước con tan học phải đậu đỗ xe trên vỉa hè, nhưng vỉa hè không thể giải quyết hết lượng xe chờ rước con, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm tan trường vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết, các trường học thường được xây dựng gần các trục giao thông chính, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến đường chính trong các đô thị, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của học sinh và phụ huynh.

Trong khi đó, quy mô của nhiều trường quá lớn, tổng số học sinh một số trường rất đông như: Trường THCS Xuân Diệu: 3.343 học sinh, Trường THCS Lê Ngọc Hân: 3.241 học sinh và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu: 1.890 học sinh. 3 trường này gần nhau, nên ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm thường xuyên xảy ra.

Hiện nay, hầu hết học sinh đến trường đều được phụ huynh đưa đón. Tại các đô thị lớn, ngoài phương tiện xe gắn máy, phụ huynh còn đưa đón con đi học bằng ô tô, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, nên trước cổng một số trường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm là điều khó tránh khỏi.

GIẢI PHÁP CHƯA TRIỆT ĐỂ

Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu Võ Thị Thúy Lan cho biết, trong thời gian qua, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trước cổng trường trong giờ cao điểm, nhà trường đã có hình thức phát loa 4 lần/ngày vào các giờ phụ huynh đưa, đón con, với nội dung hướng dẫn phụ huynh đậu đỗ xe đúng nơi quy định, hướng dẫn nơi đứng cho học sinh khi chờ phụ huynh rước…  Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với chính quyền và Công an phường thường xuyên bố trí lực lượng trước cổng trường trong giờ cao điểm để hướng dẫn phụ huynh đậu đỗ xe đúng nơi quy định. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ mở thêm một cổng phụ cho phụ huynh vào trong sân trường chờ đưa đón con, nhằm tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường trong giờ cao điểm.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết, hiện nay, giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông đang được thực hiện thí điểm ở một số trường, đó là: Bố trí giờ vào học và tan trường lệch nhau giữa các trường có vị trí gần nhau. Một số trường tổ chức xe đưa đón học sinh đến trường bằng phương tiện công cộng như: Trường THPT Chuyên Tiền Giang và Trường THPT Phước Thạnh.

Trong quy hoạch trường học giai đoạn hiện nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, địa điểm xây dựng các trường học được bố trí cách xa các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến đường chính trong nội ô đô thị, nhằm từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh và phụ huynh học sinh; đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục ký kết quy chế phối hợp với Công an cơ sở trong việc hỗ trợ, tư vấn tìm ra giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông trước cổng trường phù hợp với quy mô, vị trí, cơ sở vật chất của từng cơ sở giáo dục.

Đề nghị lực lượng Công an và Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức chương trình “Phát thanh học đường”, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục yêu cầu phụ huynh học sinh ký cam kết không giao xe gắn máy cho con đi học khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, một số trường thực hiện giải pháp mở cổng trường cho phụ huynh chạy xe vào sân trường trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, do nhiều trường có sân chật hẹp, nhất là các trường ở các đô thị, vì vậy không thể mở cổng trường trong giờ cao điểm để phụ huynh vào bên trong đưa rước con được. Giải pháp khả thi nào nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm tại các điểm trường? Câu hỏi này đang đặt ra cho các ngành chức năng.

HÀ NAM

.
.
.