Thứ Năm, 30/01/2020, 08:32 (GMT+7)
.

Tai nạn giảm sâu cả 3 tiêu chí sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã giảm cả 3 tiêu chí về số người chết, số vụ và người bị thương.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: TTXVN
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: TTXVN

Hơn 130 người tử vong

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn quốc xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người.

“So với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí khi giảm 24 vụ (giảm 10,8%), giảm 7 người chết (giảm 5%), giảm 38 người bị thương (giảm 17,9%),” ông Hùng cho hay.

Đáng chú ý, các địa phương không xảy ra tai nạn giao thông gồm Bắc Ninh, Hà Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Một số địa phương có số người chết giảm nhiều như Sóc Trăng (giảm 6 người chết), Kiên Giang (giảm 5 người chết), Bắc Giang (giảm 4 người chết), Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau mỗi nơi giảm 3 người chết.

Phân tích về tình hình tai nạn giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chỉ ra nguyên nhân tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn 4 vụ (chiếm 2%); vi phạm phần đường là 18,4%; vi phạm tốc độ chiếm 6,8%; còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân.

Ngoài ra, tuyến đường xảy ra tai nạn tại Quốc lộ chiếm 50,7% trong tổng số vụ; tỉnh lộ chiếm 18,8% trong tổng số vụ, huyện lộ chiếm 10,2% trong tổng số vụ; các tuyến khác chiếm 20,3%. Thời gian xảy ra tai nạn trong khung giờ buổi sáng (từ 6-12 giờ) chiếm 18,2%; buổi chiều (từ 12-18 giờ) chiếm 35,1%; buổi tối đến sáng hôm sau (từ 18-6 giờ) chiếm 46,7%.

Liên quan đến công tác xử lý vi phạm, thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý xử lý 19.933 trường hợp vi phạm, phạt tiền 19,3 tỷ đồng, tạm giữ 179 ôtô, 2.651 môtô, tước 2.688 giấy phép lái xe. So với cùng kỳ Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số vi phạm xử lý giảm 1.947 trường hợp, tiền phạt tăng 6,6 tỷ đồng (tăng 52%).

Trong ngày cuối cùng nghỉ Tết (ngày mùng 5 Âm lịch), mặc dù là ngày người dân trở về nơi làm việc, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, song Trung tướng Dũng cho biết nhờ lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên tổ chức tuần lưu, kiểm soát xử lý nghiêm nên tình hình an toàn giao thông ổn định. Tai nạn giao thông giảm sâu (giảm 13 người chết) so với cùng kỳ năm trước, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết.

“Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn phức tạp, lưu lượng người tham gia giao thông cao, nhất là tại các địa phương diễn ra các lễ hội đầu Xuân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông,” vị Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho hay.

Xử lý gần 3.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Số liệu từ Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho thấy số vụ nhập viện do tai nạn giao thông đã giảm trên 17% so với cùng kỳ; tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu.

Dẫn chứng, số liệu thống kê tại các bệnh viện tuyến trên cho thấy các vụ tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới nồng độ cồn tại Bệnh việt Việt Đức, Chợ Rẫy chỉ ở khoảng 7-8%, giảm trên 60% so với số liệu dịp Tết Kỷ Hợi (khoảng 18-20%). Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông nặng vẫn liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô xe máy.

Về kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra tổng số 35.822 trường hợp, đã phát hiện xử lý 3.194 trường hợp (chiếm 8,9%). Một số địa phương kết quả xử lý vi phạm cao như Đắk Lắk 297 trường hợp, Thanh Hóa là 238 trường hợp, Cà Mau 201 trường hợp, Bắc Giang 189 trường hợp…

Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra đo nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra đo nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, số lượt phản ánh đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm đáng kể so với Tết những năm trước, với tổng số hơn 120 lượt gọi/7ngày; chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 22 - 23-1-2020 (tức ngày 28-29 Tết) và ngày 27 - 28-1-2020 (tức ngày 4-5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc).

Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, “nhồi nhét” và “chèn ép” hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người đi định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.

"Những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe...; cảnh sát giao thông các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách," ông Hùng khẳng định.

Trong thời gian tới, theo ông Hùng, lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng thường xuyên có mặt trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến quốc lộ, cao tốc và những điểm phức tạp về an toàn giao thông. Các lực lượng chức năng cũng tập trung tuần lưu phát hiện vi phạm và kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn; tốc độ; chở quá số người quy định; dừng đỗ không đúng nơi quy định; không đội mũ bảo hiểm; xử lý dứt điểm các trường hợp không chấp hành, cản trở giao thông và phạt tình tiết tăng nặng, không để xảy ra ùn tắc giao thông và phức tạp tình hình…

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tai-nan-giam-sau-ca-3-tieu-chi-sau-7-ngay-nghi-tet-nguyen-dan/620400.vnp)

.
.
.