Thứ Sáu, 22/10/2021, 10:14 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Khôi phục hoạt động vận tải thận trọng, an toàn

Các hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chính thức hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm dừng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các doanh nghiệp vận tải vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đưa xe hoạt động trở lại.

THẬN TRỌNG

Hiện tại, ngành Giao thông vận tải Tiền Giang đang triển khai khôi phục lại hoàn toàn các hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn còn khá thận trọng trong hoạt động trở lại. Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Tiền Giang Đỗ Văn Chung cho biết, công ty có trên 50 xe buýt nội tỉnh và các tuyến cố định đi TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ… hoạt động trở lại từ ngày 25-10.

Các hoạt động vận tải tại Tiền Giang trở lại hoạt động bình thường.
Các hoạt động vận tải tại Tiền Giang trở lại hoạt động bình thường.

Sau thời gian dừng hoạt động, nhiều chủ xe cũng chưa thực sự sẵn sàng để hoạt động trở lại do cần bảo trì, sửa chữa vì xe nằm bến quá lâu. Mặt khác, các chủ xe cũng lo ngại vắng khách do người dân hạn chế di chuyển để phòng lây nhiễm bệnh Covid-19. Bà Nguyễn Thị Chi, chủ xe Sơn Chi chạy tuyến Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) - TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện tại, xe của tôi đã hết đăng kiểm và bảo hiểm nên phải bảo trì, đăng ký đăng kiểm mới đủ điều kiện hoạt động trở lại. Cùng với đó, giá xăng dầu tăng và lượng khách chắc chắn sẽ vắng do dịch bệnh, rất khó đảm bảo nguồn thu”.

ĐẢM BẢO AN TOÀN DỊCH BỆNH

Ông Đỗ Văn Chung cũng cho biết, quan điểm của công ty khi hoạt động trở lại là đặt an toàn sức khỏe và phòng, chống dịch lên hàng đầu. Theo đó, công ty buộc tài xế sau mỗi ngày phải nộp danh sách hành khách trên xe mới tiếp tục cho xe hoạt động, lưu trữ bản chính danh sách hành khách đi xe tối thiểu 21 ngày, kể từ ngày kết thúc chuyến đi để phục vụ công tác truy vết phòng, chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền; bảo mật thông tin hành khách theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chuẩn bị, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch như: Trang bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, vệ sinh, khử khuẩn phương tiện...; kiểm tra lại các yếu tố kỹ thuật, thiết bị để sẵn sàng hoạt động trở lại.

Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh cho biết, các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với danh sách lái xe, nhân viên phục vụ trên xe nếu không đủ điều kiện; công bố công khai các yêu cầu vận chuyển đối với hành khách và kiên quyết không chở khách khi không đảm bảo các yêu cầu về quy định phòng, chống dịch; bố trí lái xe, nhân viên phục vụ xe đáp ứng các yêu cầu theo Quy định tạm thời của Bộ GTVT.

Để phục vụ hoạt động vận tải khách được an toàn, chu đáo và đảm bảo công tác phòng dịch, hiện nay các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết.

Đơn cử, Bến xe tỉnh Tiền Giang đang xây dựng phương án để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi hoạt động trở lại. Giám đốc Bến xe tỉnh Tiền Giang Lê Chánh Trung cho biết: “Dù UBND tỉnh đã cho phép hoạt động trở lại nhưng các bến xe đối tác vẫn chưa có văn bản về việc mở tuyến trở lại nên bến xe vẫn chưa hoạt động. Theo khảo sát, các chủ xe hoạt động tại bến có phần “ngại” do khó đảm bảo nguồn thu trong điều kiện đảm bảo phòng dịch. Dù vậy, bến xe vẫn đang xây dựng phương án hoạt động an toàn để chủ động phòng, chống dịch bệnh khi các tỉnh bắt đầu mở lại tuyến vận chuyển hành khách”.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Thanh cho biết, tỉnh sẽ tổ chức hoạt động vận tải theo kiểu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hoạt động hành khách dựa theo phân loại cấp độ dịch (xanh, vàng, cam, đỏ), phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã và khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định về phòng, chống dịch Covid-19; nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, cấp dịch do địa phương công bố. Trường hợp có hành khách đi từ địa bàn có dịch ở cấp 4 thì lập danh sách hành khách đi xe; giao cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe hướng dẫn hành khách tự kê khai và sao gửi danh sách hành khách đi xe về Sở GTVT nơi đi, nơi đến.

Đồng thời, Sở GTVT cũng đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, phối hợp chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quản lý. Thanh tra Sở GTVT và Cảng vụ Đường thủy nội địa độc lập, phối hợp với các lực lượng chức năng cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động vận tải và phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị kinh doanh vận tải; bến xe, trạm dừng nghỉ; cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến khách ngang sông; chủ phương tiện... và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

TUẤN LÂM - CAO THẮNG

.
.
.