Thứ Tư, 16/02/2022, 06:51 (GMT+7)
.

Ngành Giao thông vận tải Tiền Giang năm 2022: Nỗ lực vượt khó để vươn lên

Ngành Giao thông vận tải (GTVT) nói chung và các doanh nghiệp vận tải nói riêng đang nỗ lực khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, thực hiện các giải pháp dài hơi để vươn lên mạnh mẽ trong năm 2022.

VẪN CÒN KHÓ KHĂN

Nhìn lại năm 2021, ngành GTVT gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hầu hết các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa đều bị đình trệ, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng khiến nhiều hoạt động liên quan đến vận tải của các doanh nghiệp lao đao.

Ngành GTVT nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng cần thực hiện các giải pháp dài hơi để vươn lên.
Ngành GTVT nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng cần thực hiện các giải pháp dài hơi để vươn lên.

Cụ thể, 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán và nghỉ hè (từ ngày 30-4-2021), hoạt động vận chuyển hành khách, vận tải sụt giảm mạnh: Vận chuyển hành khách giảm trên 45% và luân chuyển giảm hơn 48% so với năm 2020; vận tải hàng hóa giảm trên 28%, luân chuyển giảm trên 27,5%. Còn ghi nhận mới đây nhất, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng tuy có tăng nhưng chỉ bằng 50% đến 60% so với cùng kỳ.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Tiền Giang Đỗ Văn Chung, công ty có trên 50 xe buýt nội tỉnh và các tuyến cố định đi TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ… đã hoạt động trở lại nhưng vẫn chưa hoạt động hết tần suất do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Đơn vị đang nỗ lực đưa các phương tiện vận tải hoạt động trở lại bình thường cho người dân thích nghi dần với nhịp sống mới.

Dù các đơn vị vận tải đã xây dựng Phương án tổ chức vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 để hoạt động từ ngày 1-11-2021, nhưng một số tuyến vận tải hành khách cố định, xe buýt phải tiếp tục tạm ngừng do không có khách. Trong khi nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải trả lãi suất ngân hàng do vay vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện vận tải (do các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải ngừng hoạt động thời gian dài vì dịch Covid-19).

Tương tự, hoạt động vận tải hàng hóa thu không đủ bù chi phí do giá xăng dầu tăng mạnh. Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi, xe buýt công cộng gần như tê liệt, xe nằm một chỗ phải trả phí bến bãi; chi phí bảo trì, bảo dưỡng…

Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hồng Thanh cho biết,  thời gian qua, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên bị gián đoạn, có thời điểm bị dừng hoạt động. Thậm chí, nếu phương tiện vận tải được phép hoạt động cũng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa để thực hiện phòng, chống dịch.

Mặc dù đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh cơ bản đã kiểm soát nhưng số lượng hành khách vận chuyển chưa nhiều, các đơn vị vận tải hoạt động với tần suất thấp. Dự báo tình hình vận tải hành khách vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

CÙNG NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Thời gian qua, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã tích cực chỉ đạo, điều hành hoạt động vận tải cơ bản đảm bảo cho phương tiện lưu thông hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh và liên vận quốc tế nhanh chóng, thuận tiện; nỗ lực để các phương tiện lưu thông thông thoáng, không xảy ra ùn tắc cục bộ góp phần cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân, cũng như nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Thanh cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch Covid -19 và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới gắn với yêu cầu phục hồi thị trường vận tải trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục xem xét tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị vận tải tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất vay và chậm trả lãi ngân hàng, chậm nộp thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; đặc biệt là đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục xem xét giảm phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện vận tải trong năm 2022 như giảm 30% phí đường bộ cho xe chở người, xe buýt kinh doanh vận tải; 10% đối với xe tải, xe chuyên dùng, xe đầu kéo…

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn.

Mặt khác, đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, xe chở hàng quá tải trọng, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ… khi điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa; bố trí vị trí đón trả khách cho 3 doanh nghiệp Hùng Hiếu, Duy Quý, Tân Lập Thành ở vị trí phía trước bến xe; thỏa thuận vị trí tập kết hàng hóa, gửi hàng…, khai thác tốt nhất tuyến Bến xe Tiền Giang - Bến xe Miền Tây theo lộ trình đường cao tốc.

Để trụ vững trước tác động của dịch Covid-19, cùng với giải pháp hỗ trợ thiết thực các cấp, các ngành, các doanh nghiệp vận tải cũng phải nỗ lực và có những bước “chuyển mình” về chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển trong tình hình mới.

TUẤN LÂM

.
.
.