.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Cập nhật: 14:31, 09/02/2023 (GMT+7)

(ABO) Đó là ý kiến chỉ đạo của  Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2022, nhiệm vụ 2023.

Quang cảnh điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Theo Bộ GTVT, năm 2022 toàn quốc xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, số vụ TNGT giảm 38 vụ (-0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (-2,67%).

Nếu so sánh với năm 2019, số vụ TNGT giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%). Có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết doTNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 11 địa phương giảm trên 10% số người chết. Tuy nhiên, có 31 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó có 10 tỉnh, thành phố có số người chết tăng trên 30%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, khiến cho hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Đặc biệt, vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra. 

Song song đó, mặc dù tình trạng ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm lễ tết trên các tuyến cao tốc, các cửa ngõ ra, vào các tỉnh, thành phố lớn đã được cải thiện đáng kể sau khi triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc, nhưng tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kế hoạch xây dựng Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2023 chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” với 3 mục tiêu: Một là, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Hai là, tiếp tục giảm TNGT từ 5% - 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ba là, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh. 

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và biểu dương lực lượng Cảnh sát giao thông, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đóng góp quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và các địa phương giảm cả 3 tiêu chí, địa phương có số vụ TNGT giảm, đề nghị khen thưởng. Bộ trưởng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp thu ý kiến các bộ ngành, địa phương… để làm rõ vấn đề, xây dựng kế hoạch cụ thể kéo giảm TNGT trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan có thành viên là lãnh đạo hoặc ủy viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chú trọng trách nhiệm nêu gương “Thượng tôn pháp luật” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đặc biệt là cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông để tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bám sát chủ đề Năm an toàn giao thông 2023, phối hợp với các cơ quan thành viên thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình phối hợp đã ký kết; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng Internet... 

Bộ GTVT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về an toàn giao thông; trong đó, chú trọng vào một số nhiệm vụ như: Nghiên cứu, xây dựng các dự án sửa đổi, bổ sung các văn bản luật trong các lĩnh vực đường bộ, hàng không dân dụng, đường thủy nội địa, đường sắt theo đúng trình tự quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng theo kế hoạch các thông tư, nghị định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo kế hoạch; rà soát quy định về xếp hàng hóa trên xe theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới phương thức giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hình thành văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện chương trình giáo dục an toàn giao thông chính khóa cho các cấp học theo yêu cầu, số hóa và triển khai bộ tài liệu “Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn” dành cho học sinh tiểu học đến các cơ sở giáo dục tiểu học.

Đặc biệt, các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương sử dụng linh hoạt các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, trên không gian mạng xã hội và hạ tầng số để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

TUẤN LÂM

.
.
.