Thứ Tư, 19/12/2012, 14:58 (GMT+7)
.

Từ chuyện xin tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo

Đầu năm học 2012-2013, bằng danh nghĩa nhà trường và tình thầy trò, một giáo viên bình thường ở trường trung học phổ thông L. trong tỉnh đã liên hệ với các học sinh cũ của trường hiện là doanh nhân khá thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh từng có nhiều đóng góp cho nhà trường để xin hỗ trợ tiền học phí cho học sinh nghèo theo danh sách mà giáo viên này tự lập.

Đến khi các học sinh cũ đã quyên góp tiền và gọi điện thoại thông báo thì hiệu trưởng mới biết việc làm tốt đẹp nêu trên. Theo các học sinh này cho biết: Căn cứ vào danh sách mà giáo viên nói trên gửi đến qua e-mail và cũng theo yêu cầu, các em đã gửi vào tài khoản của giáo viên này toàn bộ số tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo.

Các học sinh cũ đề nghị hiệu trưởng gửi lại danh sách những học sinh được nhận để họ đối chiếu và lưu vào hồ sơ. Tuy bất ngờ nhưng hiệu trưởng cũng gọi giáo viên nọ yêu cầu báo cáo sự việc và nộp bản danh sách học sinh đã nhận tiền hỗ trợ coi như chuyện đã rồi.

Nhưng cho đến thời điểm cuối học kỳ I (2012-2013) giáo viên này vẫn không báo cáo chi tiết và nộp danh sách những học sinh được hỗ trợ.

Vậy nên có dư luận cho rằng giáo viên này lợi dụng danh nghĩa nhà trường và nhất là lợi dụng danh nghĩa của những học sinh nghèo để trục lợi cá nhân. Mặt khác, nó còn thể hiện hành vi tiêu cực có dấu hiệu lừa đảo, tham ô gây mất uy tín nhà trường, uy tín nhà giáo, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, thậm chí là có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đồng thời đề nghị lãnh đạo nhà trường phải xem xét, làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, có một số ý kiến lại cho rằng đây là chuyện nhỏ, chuyện riêng không cần phải xử lý (?!)

Trong quá trình thực hiện xã hội hóa giáo dục, sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân bên ngoài cho nhà trường dù bằng hình thức nào, giá trị lớn hay nhỏ đều đáng trân trọng và ghi nhận. Ai vận động được một người hay nhiều người có lòng tốt, mang đến ít nhiều lợi ích cho nhà trường, giúp đỡ cho dù chỉ một học sinh vượt qua được khó khăn để tiếp tục học tập đều đáng biểu dương.

Tuy nhiên, nếu lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục, lợi dụng danh nghĩa nhà trường và nhất là lợi dụng danh nghĩa “học sinh nghèo” để trục lợi cá nhân, tư túi, tham ô… thì thật sự là một kẻ ác. Hành vi đó không chỉ vi phạm về phẩm chất đạo đức của con người bình thường chứ chưa nói đến phẩm chất đạo đức nhà giáo mà nó còn là sự vi phạm pháp luật cần phải xử lý thích đáng.

Đối với trường hợp của giáo viên ở trường L nói trên thì việc xử lý không có gì khó. Lãnh đạo nhà trường buộc anh ta phải báo cáo đầy đủ danh sách người hỗ trợ, số tiền được hỗ trợ, danh sách học sinh được nhận tiền và định mức… sau đó tiến hành đối chiếu. Ngay cả khi xác định là anh ta có phát tiền cho học sinh thì cách làm đó cũng không đúng, không minh bạch, vượt quá chức trách.

Hiện nay, ở tất cả các trường đều có Chi hội Khuyến học hoạt động. Tất cả mọi sự đóng góp của tổ chức hoặc cá nhân cho nhà trường đều có chung một mục đích duy nhất là khuyến học. Vì vậy, theo lẽ thông thường thì Chi hội Khuyến học là đầu mối duy nhất trong nhà trường đứng ra tiếp nhận, quản lý và phân phối đúng đối tượng tiền hoặc hiện vật mà các nhà hảo tâm đóng góp.

Xây dựng một xã hội học tập và xã hội hóa giáo dục là một xu thế tất yếu, vì vậy từng trường học nói riêng rất cần sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Do vậy, nhà trường cần phải tạo ở những nhà hảo tâm lòng tin xác đáng rằng nhà trường luôn sử dụng tiền của mà họ đóng góp một cách đúng mục đích, có hiệu quả và nhất là rất minh bạch.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.