Thứ Tư, 24/04/2013, 10:58 (GMT+7)
.

Nỗi đau chồng chất của bà mẹ có 6 người con khuyết tật

Có một người con khuyết tật đã là nỗi đau tột cùng của bậc làm cha làm mẹ, nhưng với bà Nguyễn Thị Bảy (Mỹ An, Nhị Mỹ, Cai Lậy) nỗi đau ấy càng chồng chất khi trong 7 người con bà sinh ra đã có 6 người bị khiếm thính, khiếm thị, không thể phát âm như bình thường.

CĂN NHÀ CÂM LẶNG

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Bảy trong một buổi chiều chập choạng tối, khi bà đang chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho mấy mẹ con trong gian bếp chật hẹp. Nhìn cảnh chị Võ Thị Tiến (sinh năm 1959) con gái thứ ba của bà đi lại phải ngồi và đôi tay sờ soạng tìm vật dụng trong nhà, mọi người không khỏi xót xa.

Không riêng chị Tiến, cả 4 người con đang sống cùng bà là Võ Thị Việt (sinh năm 1957), Võ Thị Quân (sinh năm 1961), Võ Văn Quai (sinh năm 1968) và Võ Thị Bảnh (sinh năm 1974) cũng không lành lặn, khỏe mạnh như người bình thường.

Bà Nguyễn Thị Bảy bên những người con tật nguyền.
Bà Nguyễn Thị Bảy bên những người con tật nguyền.

Rứt ruột sinh con, đến khi con bập bẹ chỉ những âm thanh ú ớ, vợ chồng bà Bảy xé lòng, cố chạy chữa khắp nơi nhưng vô vọng. Nỗi đau tiếp diễn khi ở tuổi đôi mươi, đôi mắt của 3 người con gái Võ Thị Việt, Võ Thị Tiến và Võ Thị Quân mờ dần.

Suốt mấy năm điều trị không hiệu quả, các chị đành bước qua tuổi xuân trong cảnh tật nguyền, tăm tối. Bất hạnh hơn với người con thứ ba Võ Thị Tiến, hơn chục năm nay chị không còn có thể đứng vững trên đôi chân yếu ớt, run rẩy. Chị phải tập di chuyển bằng tư thế ngồi, mọi sinh hoạt đều lệ thuộc vào người thân.

Trong số những người con của bà, chị Võ Thị Hường (sinh năm 1970) tuy bẩm sinh không nói được nhưng may mắn tìm được hạnh phúc riêng. Con gái út Võ Thị Nhanh là người duy nhất lành lặn, khỏe mạnh trong số các anh chị em đã lập gia đình về xã Long Tiên.

Riêng anh Võ Văn Quai, hạnh phúc dở dang khi con trai Võ Tấn Vinh vừa thôi nôi, anh sống nương nhờ người mẹ già yếu. Bản thân anh một bên mắt đã không còn nhìn thấy, mắt còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ mờ dần.

Lần lượt từng người con sinh ra khiếm khuyết, nỗi đau của vợ chồng bà Nguyễn Thị Bảy tưởng không gì bù đắp được, lại còn phải lo cho gánh nặng cơm áo. Năm 2005, chồng bà lâm bệnh nặng và qua đời. Trong căn nhà từ lâu đã thiếu vắng tiếng cười, giọng nói, giờ lại càng câm lặng khi chỉ còn người mẹ già oằn gánh lo tương lai cho các con.

LÁ VÀNG CHƯA THỂ LÌA CÀNH

Từ khi chồng qua đời, cuộc sống của bà và các con chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp tàn tật và trợ cấp dành cho đối tượng người có công của bà. Ngoài ra, bà còn nhận đan các sản phẩm thủ công bằng dây mây, lục bình nhưng thu nhập chỉ 15.000 - 20.000 đồng mỗi ngày. Số tiền ấy chẳng thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt gia đình khi 4 người con không thể lao động và còn cưu mang thêm cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn.

Để phụ giúp gia đình, hàng ngày anh Võ Văn Quai mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp nhưng sức khỏe hạn chế nên thu nhập không ổn định và thấp. Gánh lo cơm áo vẫn đè nặng trên đôi vai người mẹ già lam lũ.

Giờ đây sức khỏe ngày một yếu, bà mang nặng nỗi lo những đứa con không còn nơi nương tựa. Bà xót xa: “Người ta nói con cái là của để dành của bậc làm cha mẹ, khổ trước sướng sau; còn tôi đã khổ cả đời. Tôi mong mỗi ngày thức dậy mình còn khỏe mạnh để chăm sóc các con. Chỉ sợ tuổi già như ngọn đèn trước gió, lúc mình chết đi các con không biết nương tựa vào ai!?”.

Chứng kiến hoàn cảnh thương tâm và lắng nghe ước nguyện của bà Bảy ai mà không xót thương và mong mỏi tình tương thân, tương ái của mọi người cứu giúp.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.