Thứ Năm, 09/04/2015, 08:36 (GMT+7)
.

Đất cho đi nhờ, nay thành đường đi riêng…

Vợ chồng ông Lê Văn Lùng và bà Phạm Thị Hết ngụ ấp Long Hòa B, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho phản ánh: Căn nhà và mảnh vườn của gia đình ông bà có hình dạng giống chữ “L”, với phần đuôi phía sau mở rộng.

Tiếp giáp sau nhà ông là đất vườn và nhà của bà Nguyễn Thị Tiểu (SN 1954) không chồng con, nuôi mẹ già, nay cụ bà đã mất; vợ chồng người cháu là anh Nguyễn Văn Dễ (SN 1983, gọi bà Tiểu bằng cô) về sống chung.

Phần đất vườn bà Tiểu có chiều ngang tiếp giáp mặt tiền đường bê-tông công cộng khoảng 20 mét, trước đây gia đình bà đi lại trên con đường này, nhưng do căn nhà của bà cất ở “mặt hậu” của khu vườn nên hướng ra đường đi công cộng hơi xa. Do vậy, lâu nay vợ chồng ông Lùng cho gia đình bà Tiểu đi nhờ cặp hông nhà mình để ra đường lớn cho tiện.

Khoảng giữa năm 2009, anh Dễ tự ý bắc cầu bê-tông qua mương và lót đan trên lối đi nhờ sát hông nhà ông Lùng mà không xin phép nên ông đã ngăn cản. Do không mở được đường, anh Dễ thường hay gây sự hâm dọa, chửi bới nên vợ chồng ông Lùng rào bít lối đi tắt này lại. Gia đình bà Tiểu, anh Dễ phải trở về lối đi cũ trong đất vườn nhà để ra lộ lớn.

Không còn lối đi tiện ích qua đất nhà ông Lùng, gia đình anh Dễ đâm đơn kiện ra tòa đòi được mở lối đi này lại (mặc dù tòa thừa nhận đây là lối đi nhờ qua đất nhà ông Lùng - bà Hết) nhưng yêu cầu của anh Dễ, bà Tiểu lại được 2 cấp tòa chấp nhận.

Theo đó, cơ quan chức năng đã buộc vợ chồng ông Lùng phải giao phần đất ngang 1 m - dài 36,7 m (mặt tiền đường nhựa) cho gia đình bà Tiểu, anh Dễ làm đường đi ra lộ lớn với giá 250.000 đồng/m2. Quyết định trên đồng nghĩa với việc chia đôi khu vườn của gia đình ông Lùng thành 2 mảnh biệt lập.

“Kể từ ngày bị cưỡng chế cắt đôi khu vườn để làm đường đi cho hộ bà Nguyễn Thị Tiểu và anh Nguyễn Văn Dễ, gia đình tôi chỉ được ở phía bên phần đất có căn nhà hiện hữu. Phần còn lại của mảnh vườn rộng 300 m2 đành phải bỏ hoang, vì đã bị hộ anh Dễ kéo rào chắn bằng cột bê-tông và hàng rào lưới B40 cặp sát vách hông nhà tôi chạy từ trước ra sau, không còn cách nào để qua chăm sóc mảnh vườn này.

Có lần vợ chồng tôi đi trên đoạn đường của tôi “đang tranh chấp” để vào mảnh vườn phía sau của mình, lập tức bị anh Dễ cầm dao đòi chém, không cho đi, tôi có báo với công an. Để tránh “đụng chạm” nên vợ chồng tôi không dám qua thăm vườn nữa” - vợ chồng ông Lùng bức xúc.

Qua xác minh, được biết, nguyên nhân bà Tiểu được đi trên phần đất này là do bà Nguyễn Thị Trọng (chủ cũ) là người thân trong gia đình, cho bà Tiểu đi nhờ trước khi bán lại cho ông Lùng.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Trưởng ấp Long Hòa B (trước đây thuộc xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) xác nhận: Năm 2006 xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo thuê Đoàn đo đạc 301 về đo lại đất ấp Long Hòa B. UBND xã chỉ đạo Ban Quản lý ấp hướng dẫn Đoàn đo đạc 301 phải trừ ra đường đi công cộng và đường nước công cộng, tránh sau này nhân dân tranh chấp.

Vì vậy, từ cầu ông Ngọt đi qua vườn ông Trần Ngọc Minh, Trần Văn Vàng, Nguyễn Hữu Tâm, Trần Thị Thời, Nguyễn Thị Tiểu, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Văn Tấn, Trần Ngọc Ẩn và Trần Văn Bé Tư đụng tới đường bê-tông Ba Tưng xuống hộ ông Trần Văn Mười (Tư Tức) là đúng theo sơ đồ hiện trạng đã vẽ. Nghĩa là, tất cả các hộ này đều được hưởng “trên lộ, dưới kinh” để phát triển sản xuất - kinh doanh và thuận tiện việc đi lại của người dân lúc bấy giờ (Xem sơ đồ minh họa).

Ông Đỗ Văn Năm, Trưởng ấp Long Hòa B thì cho biết, nguồn gốc phần đất tranh chấp thuộc quyền quản lý và sử dụng của bà Nguyễn Thị Trọng (nay chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Lê Văn Lùng và bà Phạm Thị Hết). Do chỗ bà con thân thuộc nên trước đây bà Trọng có cho hộ bà Tiểu đi nhờ để tiện đường ra lộ lớn vì đường đi công cộng (phía dưới) lúc bấy giờ chưa hoàn chỉnh.

Tòa án đã dựa vào một bản thẩm định và cho rằng phía sau nhà bà Tiểu “có một lối đi nhỏ sát chân hàng rào của bà Tiểu, đến mé mương nước công cộng 0,8 m (có độ dốc và ngập nước). Lối đi này ngoằn ngoèo nhiều đoạn... không thể đi thông suốt”... “Lối đi sau nhà bà Tiểu hiện chật hẹp, hoang hóa là lối đi thăm vườn, thăm đồng của các hộ có vườn ruộng phía sau.

Lối đi này do Đoàn 301 vẽ, không phải là lối đi công cộng…”, để đi đến quyết định giao đất của gia đình ông Lùng - bà Hết cho gia đình bà Tiểu sử dụng là chưa bảo đảm tính pháp lý. Tòa không thể cho rằng, đường ngập nước, chật hẹp, hoang hóa… rồi quyết định lấy đất người khác để tạo lối đi mới cho hộ bà Tiểu.

Lẽ ra, việc này để 2 bên tự thương lượng, nếu hộ bà Tiểu có nhu cầu. Mặt khác, không chỉ vì xa hơn một đoạn mà hộ bà Tiểu và gia đình anh Dễ lại đòi xẻ đôi vườn nhà hàng xóm để mở lối đi riêng.

TỔ CTBĐ

.
.
.