Thứ Hai, 28/09/2015, 13:19 (GMT+7)
.
GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI X CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH:

Tiền Giang cần phát huy lợi thế về vị trí địa lý

Hơn 330 năm trước, Mỹ Tho cùng với Hà Tiên và Cù lao Phố (thuộc Biên Hòa ngày nay) là 3 địa danh được hình thành đầu tiên ở Nam bộ. Khoảng 20 năm sau, Sài Gòn - Gia Định tiếp tục được hình thành... Một trong những lý do chính giúp Mỹ Tho được hình thành sớm là nhờ có vị trí địa lý thuận lợi về đường biển và đường sông Mekong.

Sau này, cũng nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi nên tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được hình thành từ rất sớm, là tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam. Kinh đào Chợ Gạo là con kinh chiến lược giúp thông thương đường thủy giữa Sài Gòn - Mỹ Tho và thông ra sông Mekong để tỏa khắp Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), sang tận Campuchia nên rất hiệu quả cho đến ngày nay. Hiện dòng kinh này bị quá tải về lượng tàu thuyền tham gia giao thông, nên đã có chủ trương và dự án nạo vét, mở rộng mặt kinh…

Cầu Mỹ Lợi. 					       Ảnh: Nguyễn Sự
Cầu Mỹ Lợi. Ảnh: Nguyễn Sự

Đường bộ cao tốc đầu tiên của Việt Nam được xây dựng chính là tuyến Chợ Đệm (cửa ngõ phía Nam TP. Hồ Chí Minh) - Trung Lương (cửa ngõ TP. Mỹ Tho và miền Tây Nam bộ). Con đường Thiên lý
Bắc - Nam ngày xưa, nay là Quốc lộ 1 trải dài qua tỉnh Tiền Giang với hơn 70 km.

Mặt khác, cùng với Mỹ Tho, Gò Công là đô thị cổ có vị trí chiến lược, nằm cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ hơn 1 giờ đi xe qua cầu Mỹ Lợi vừa được khánh thành. Cửa Tiểu của sông Mekong thuộc huyện Gò Công Đông nằm cách TP. Vũng Tàu (đã được quy hoạch là trung tâm du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) chỉ khoảng 40 km bằng đường biển.

Nhìn chung, Tiền Giang được xem là tỉnh có vị trí trung chuyển rất thuận lợi giữa ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ. Ngoài ra, nhờ thiên nhiên ưu đãi nên Tiền Giang còn được mệnh danh là “kinh đô miệt vườn”. Tiền Giang cùng với Long An là 2 tỉnh của ĐBSCL thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cùng với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh).
Dựa vào vị trí đắc địa như đã phân tích trên, tỉnh Tiền Giang cần được định hướng tập trung mời gọi đầu tư đột phá vào một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao, xin được đề xuất 3 lĩnh vực mũi nhọn sau:

Một là, xây dựng khu công nghiệp sinh thái kết hợp cảng trung chuyển tại vị trí thích hợp bên sông Tiền với các trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy - hải sản hiện đại hàng đầu ở ĐBSCL nhằm thu hút và chế biến nguồn nguyên liệu nông - thủy - hải sản sạch dồi dào tại Tiền Giang và các tỉnh lân cận ở vùng ĐBSCL.

Từ đây hàng hóa qua chế biến đạt chất lượng cao được chuyển đến thị trường TP. Hồ Chí Minh và khắp cả nước hoặc được xuất khẩu trực tiếp bằng đường thủy theo sông Mekong qua Cửa Tiểu đến cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỏa đi khắp thế giới…

Hai là, phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng xanh ở những nơi có điều kiện thích hợp, như các cù lao với các vườn trái cây đặc sản trên sông Tiền, huyện Tân Phú Đông và lân cận, các xã xung quanh Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ở huyện Tân Phước, vùng trồng cây thanh long ở huyện Chợ Gạo… (xin xem thêm bài Cần định vị ĐBSCL thành trung tâm nghỉ dưỡng xanh và bài Nghỉ dưỡng “7 sạch” trên Báo Ấp Bắc số ra các ngày 13-7 và 22-7-2015), đặc biệt là khu vực ngoại ô TP. Mỹ Tho và vùng phụ cận, vì hàng ngày hiện có hàng ngàn du khách quốc tế đến tham quan miền Tây Nam bộ nhưng thống kê cho thấy tỷ lệ du khách ở lại nghỉ dưỡng rất thấp.

Ba là, mở tuyến đường thủy quốc tế Mekong - Biển Đông thông qua Cửa Tiểu. Với vị trí địa lý thuận lợi đã được khẳng định trong lịch sử cũng như hiện nay, Tiền Giang hoàn toàn có thể mở cửa để đẩy mạnh giao thương trực tiếp với quốc tế thông qua đường thủy dựa vào sông Mekong chảy ra Biển Đông qua địa phận tỉnh Tiền Giang.

Mặt khác, cộng đồng chung ASEAN sẽ được chính thức thành lập vào cuối năm 2015 nên sông Mekong ở khu vực trung và hạ lưu qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sẽ trở thành dòng sông chính của cộng đồng chung này. Từ đó qua các cửa sông Mekong và tiếp tục theo đường biển, tàu thuyền chuyên dụng sẽ đến được các nước ASEAN ở bờ bên kia Biển Đông như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippin, Brunei…

Hầu hết các cửa sông Mekong có chung đặc điểm là thường bị bồi lấp tự nhiên bởi phù sa nên gây trở ngại cho tàu thuyền lớn lưu thông qua khu vực cửa sông. Tuy nhiên, Cửa Tiểu là cửa sông ít bị bồi lấp nhất của Mekong. Điều này được lý giải ở góc nhìn khoa học như sau: Do đối lưu nước biển giữa vùng xích đạo và 2 cực trái đất đã tạo nên nhiều hải lưu trên thế giới, trong đó có 1 hải lưu lạnh từ Bắc cực chảy ngầm dọc theo bờ biển Việt Nam theo hướng Bắc - Nam và đã đẩy lượng phù sa chảy ra từ các cửa sông Mekong về phía Nam để bồi đắp dần nên Mũi Cà Mau…

Như vậy, theo lý lẽ trên, do tác động chính của hải lưu này nên càng về phía Nam thì các cửa sông Mekong càng bị phù sa bồi lấp nhiều hơn.

Vì vậy tỉnh Tiền Giang cần tận dụng các lợi thế này để xin phép Trung ương đầu tư mở tuyến đường thủy quốc tế Mekong - Biển Đông qua Cửa Tiểu. Làm được điều này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho tỉnh nhà trong việc đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư quốc tế, xuất khẩu hàng hóa trực tiếp bằng đường thủy, thu hút du khách trong cộng đồng chung ASEAN nói riêng và quốc tế nói chung.

TS. NGUYỄN VIẾT THỊNH

(Trường Đại học Tiền Giang)

.
.
.