Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:38 (GMT+7)
.

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị của cử tri

* Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang sau Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội Khóa XIII, cử tri xã Hậu Thành, huyện Cái Bè kiến nghị: Chính phủ sớm có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy, nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực hiện.

Bộ Tư pháp có Công văn 3222/BTP-VP trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội Khóa XIII như sau:

Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát các quy định pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đặc biệt là đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngày
31-8-2015, Bộ Tư pháp có Công văn 3172/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác cai nghiện; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện.

Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện, có hiệu lực từ ngày 23-8-2015, góp phần tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (vấn đề xác định tình trạng nghiện).

Bộ Tư pháp đã có Báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét và đề nghị Quốc hội có ý kiến chính thức về hiệu lực cũng như việc tiếp tục áp dụng hay không tiếp tục áp dụng các quy định liên quan đến việc cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy và các nghị định quy định chi tiết thi hành luật này, do các văn bản này chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính  được ban hành và có hiệu lực.

* Cử tri xã An Thái Trung, huyện Cái Bè kiến nghị: Quốc hội xem xét, bổ sung quy định hành vi và xử lý hành vi đối với người mua dâm (hiện chỉ quy định xử lý đối tượng bán dâm) vào Bộ luật Hình sự, nhằm góp phần xử lý triệt để tệ nạn mại dâm hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, trá hình dưới nhiều hình thức.

Bộ Tư pháp có Công văn  3222/BTP-VP trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII như sau:

Điều 256 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua dâm người chưa thành niên, mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, mức hình phạt khá nghiêm khắc.

Đối với hành vi của người đã thành niên mua dâm người đã thành niên, qua rà soát Bộ luật Hình sự, Bộ Tư pháp nhận thấy hành vi này chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự, nên chưa bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, hành vi mua dâm người đã thành niên đang được xử lý bằng các chế tài khác như: Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; pháp luật về Cán bộ, công chức và Điều lệ Đảng…

Trên thực tế, các chế tài này đã góp phần xử lý một cách hiệu quả và phù hợp với tính chất, quan hệ của hành vi vi phạm trong trường hợp này. Do vậy, việc đề nghị Quốc hội bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi mua dâm người đã thành niên cần tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc trong thời gian tới.

.
.
.