Thứ Ba, 02/05/2017, 06:41 (GMT+7)
.

Câu chuyện đau lòng của "tỷ phú" Ba Sơn

Ông Huỳnh Ngọc Sơn (sinh năm  1952, ngụ khu phố 5, phường 2, TP. Mỹ Tho) nổi tiếng một thời với tên gọi “tỷ phú tàu đánh cá Ba Sơn”, nhưng câu chuyện đau lòng lại bắt đầu từ cơn bão số 5 kinh hoàng năm 1997, đến nay vẫn chưa được giải quyết xong.  

Tỷ phú tàu cá Ba Sơn ngày nào, nay đi bán từng tờ vé số mưu sinh.
Tỷ phú tàu cá Ba Sơn  đi bán từng tờ vé số mưu sinh.

Khi đó, chiếc tàu lưới vây của cha con ông Sơn bị bão đánh tan ở khu vực đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau), may mắn ông và các con đều toàn mạng trở về. Sau bão, tháng 5-1998, ông Sơn được vay 1,3 tỷ đồng - vốn khắc phục cơn bão số 5 từ Ngân hàng Công thương - Chi nhánh Tiền Giang (gọi tắt là ngân hàng) đóng mới tàu đánh cá để  tiếp tục ra khơi bám biển, với lãi suất trong hạn 0,6%/tháng, lãi suất quá hạn 0,9%/tháng. Tài sản thế chấp là chiếc tàu đánh cá TG 91269TS mang tên Nhân Nghĩa, trị giá 1,5 tỷ đồng được đóng từ nguồn vốn vay và vốn ông Sơn mượn thêm bên ngoài.

Từ năm 1998 đến tháng 8-2002, ông Sơn đã trả gần 81 triệu đồng tiền lãi cho ngân hàng, sau đó trả thêm 776 triệu đồng vốn gốc, còn nợ 474 triệu đồng. Đến tháng 7-2011, ngân hàng khởi kiện ông Sơn ra tòa, yêu cầu ông phải trả hơn 1,6 tỷ đồng cả vốn lẫn lãi, trong đó trả 524 triệu đồng vốn gốc và trả lãi quá hạn hơn 1,1 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Sơn cho rằng khoản lãi quá hạn là không hợp lý, vì năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản chấp thuận cho các chủ tàu vay vốn khắc phục cơn bão số 5 được trả nợ gốc không tính lãi, nhưng Tòa án nhân dân (TAND) TP. Mỹ Tho vẫn tuyên buộc ông Sơn phải trả cho ngân hàng hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó có 1,193 tỷ đồng tiền lãi quá hạn. Ông Sơn kháng cáo, xin tòa xem xét lại chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc khoanh nợ khắc phục bão số 5, chấp thuận cho ông trả 474 triệu đồng vốn gốc và một phần tiền lãi, nhưng TAND tỉnh Tiền Giang tuyên y án sơ thẩm. Ngoài việc phải trả nợ ngân hàng, ông Sơn còn phải nộp hơn 30 triệu đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

“Ngay sau khi thông tin tui bị tòa án buộc phải trả hơn 1,6 tỷ đồng nợ ngân hàng, các chủ nợ bên ngoài đến xiết căn nhà của vợ chồng, con cái tui đang ở tại khu phố 5, phường 2 để trừ nợ. Sau đó, Cơ quan Thi hành án ra Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp. Chiếc tàu đánh cá của gia đình đang hoạt động ở vùng biển Côn Sơn buộc phải kéo về TP. Mỹ Tho để Cơ quan Thi hành án phát mãi trừ nợ với giá 650 triệu đồng. Ngày 16-6-2013 vợ tui bị đột quỵ, rồi vĩnh viễn ra đi! Mấy năm nay, tui bị đau nhức vì bệnh thấp khớp nhưng vẫn phải đi bán từng tờ vé số để kiếm cơm” - ông Sơn kể trong nước mắt.

Hơn 5 năm tần tảo bán vé số mưu sinh, ông Sơn vẫn miệt mài đi tìm công lý và đã được Chánh án TAND Tối cao ra Quyết định Kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang vào tháng 11-2014. Đến tháng 4-2015, TAND Tối cao ra Quyết định Giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ 2 Bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP. Mỹ Tho và dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang, giao hồ sơ vụ án về cho TAND TP. Mỹ Tho xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Lý do TAND Tối cao hủy 2 bản án nêu trên vì tòa án 2 cấp đã không làm rõ việc ông Sơn vay vốn ngân hàng có thuộc diện được hưởng ưu đãi về lãi suất theo Quyết định 144/2002 của Thủ tướng Chính phủ hay không. Khi chưa làm rõ vấn đề, TAND TP. Mỹ Tho và TAND tỉnh Tiền Giang đã buộc ông Sơn trả lãi cho ngân hàng theo mức lãi suất được ghi trong hợp đồng tín dụng ban đầu là chưa đủ cơ sở tuyên án.

Cầm quyết định Giám đốc thẩm trong tay, ông Sơn chạy ngược chạy xuôi đến TAND TP. Mỹ Tho, TAND tỉnh Tiền Giang yêu cầu xét xử lại và phải có trách nhiệm bồi thường việc ông mất tàu, mất nhà sau “phán quyết” của 2 cơ quan này. Thế nhưng, đi đến đâu, ông Sơn cũng bị từ chối, viện lý do: Ngân hàng đã rút hồ sơ, không còn nhu cầu khởi kiện, TAND TP. Mỹ Tho đã có Quyết định đình chỉ vụ án vào tháng 8-2015 và Chi cục THA dân sự TP. Mỹ Tho đã hoàn trả cho ông hơn 30 triệu đồng tiền án phí.

Tháng 4-2016, TAND tỉnh Tiền Giang có Văn bản yêu cầu ông Sơn phải cung cấp văn bản: “… Xác định hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng; Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của chánh án xác định người đã tiến hành tố tụng có hành vi ra văn bản mà biết rõ là trái pháp luật; Quyết định xử lý cán bộ, công chức đối với người đã tiến hành tố tụng có hành vi ra văn bản mà biết rõ là trái pháp luật…” thì mới có cơ sở xem xét, giải quyết.

Đưa văn bản của TAND tỉnh cho chúng tôi xem, ông Sơn nghẹn ngào: “Làm sao tui có được các văn bản này để nộp theo yêu cầu của TAND tỉnh. Chẳng lẽ, Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Tối cao hủy toàn bộ án sơ thẩm, phúc thẩm không đủ để TAND TP. Mỹ Tho và TAND tỉnh Tiền Giang xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật”.  

TỔ CTBĐ

.
.
.