Thứ Tư, 09/08/2017, 20:37 (GMT+7)
.

Một bản án còn nhiều nội dung chưa được xem xét, làm rõ

Ngày 11-7-2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa vụ kiện: “Quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai” của bà Trần Ngọc Kết (ngụ số 921, đường Trần Hưng Đạo, phường 5, TP. Mỹ Tho) kiện Quyết định của UBND TP. Mỹ Tho và UBND tỉnh giải quyết chưa thỏa đáng vụ tranh chấp 130 m2 đất giữa bà với ông Nguyễn Quan Đằng ra xét xử hành chính sơ thẩm.

Căn nhà bà Kết bị hư hỏng, dột nát nhưng không được phép sửa chữa,  mà buộc phải dọn đi để trả lại đất cho ông Đằng.
Căn nhà bà Kết bị hư hỏng, dột nát nhưng không được phép sửa chữa, mà buộc phải dọn đi để trả lại đất cho ông Đằng.

Tuy nhiên, cả 2 “bị đơn” là UBND tỉnh và UBND TP. Mỹ Tho đều vắng mặt. Tại Bản án số 10/2017/HC-ST, Hội đồng xét xử Quyết định: “Không chấp nhận khởi kiện của bà Trần Ngọc Kết yêu cầu hủy Quyết định 6907/QĐ-UBND ngày 3-9-2014 của Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho và Quyết định 2651/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang”,  mà chưa xem xét đến các yếu tố gia đình bà Kết yêu cầu làm rõ.

QUÁ TRÌNH TRANH CHẤP

…Năm 1995, bà Lê Thị Hoằng (mẹ ông Nguyễn Quan Đằng) bị bệnh bán thân bất toại, nằm một chỗ, các con ở xa không ai nuôi dưỡng, nên bà Hoằng cùng chồng là ông Nguyễn Quan Quản có nhờ bà Trần Ngọc Kết (cháu gọi bà Hoằng là dì ruột) đến chăm sóc. Thấy hoàn cảnh bà Kết đang ở đậu trên đất người khác, việc đi lại xa xôi, bất tiện, nên vợ chồng ông Quản và bà Hoằng làm giấy cho bà Kết 300 m2 đất cất nhà ở để thuận tiện việc chăm sóc bà Hoằng (gốc đất của ông bà để lại).

Tại “Tờ cho đứt đất vườn”, ký ngày 20-7-1996, của vợ chồng ông Quản và bà Hoằng ghi rõ:
“...Nguyên tôi có một khu vườn trồng cây tạp diện tích 1.800 m2, thuộc đất nông nghiệp ở phường 5. Nay tôi trích ra 300 m2 giao đứt cho cháu kêu tôi bằng dì ruột là Trần Ngọc Kết nhận lãnh số đất diện tích ngang 5 m x dài 60 m (300 m2) để cất nhà ở, trồng tỉa sinh sống nhưng không được chuyển nhượng cho ai cả. Bắt đầu từ ngày làm giấy tờ này, bà Trần Ngọc Kết được tùy nghi sử dụng phần đất này và từ đây về sau con cháu trong gia đình tôi không ai được tranh chấp với bà Trần Ngọc Kết”. Giấy cho đất còn ghi thêm: “Người viết tờ Nguyễn Quan Quản. Người cho đất Lê Thị Hoằng” đã được bà Phan Thị Liên, Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản số 10 (nay là Tổ nhân dân tự quản số 20, khu phố 3, phường 5, TP. Mỹ Tho) xác nhận.

Năm 1998, bà Kết làm hồ sơ xin tách chủ quyền. Cán bộ phụ trách địa chính phường 5 đi thẩm tra, xác minh để làm hồ sơ cấp đất, thì ông Nguyễn Quan Đằng (con bà Hoằng) ở TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp và đã được các ngành, các cấp nhiều lần giải quyết.

Tại Quyết định 622/QĐ-UB, ngày 14-8-2000, UBND TP. Mỹ Tho giải quyết: Chia đôi 300 m2 đất vườn và thổ cư đang tranh chấp cho mỗi bên sử dụng ½ diện tích. Ông Đằng không đồng ý, khiếu nại tiếp. Ngày 24-5-2001, UBND TP. Mỹ Tho ban hành Quyết định 417/QĐ-UB: “Giao tiếp 20 m2 đất sau nhà bà Kết cho bà Hoằng sử dụng và tạm giữ cho bà Kết tạm sử dụng nền nhà đến khi con út bà Kết 18 tuổi (năm 1999 con út bà Kết 6 tuổi) phải giao trả 130 m2 đất còn lại cho bà Hoằng”, mà không nêu rõ nguyên nhân Quyết định kết luận từ đâu. Bức xúc, bà Kết gửi đơn khiếu nại yêu cầu làm rõ.

Ngày 3-9-2014, UBND TP. Mỹ Tho ban hành Quyết định 6907/QĐ-UBND, nội dung: Bác đơn khiếu nại của bà Trần Ngọc Kết, tiếp tục thực hiện Quyết định  4633/QĐ-UBND ngày 24-6-2014 của UBND TP. Mỹ Tho.

Ngày 19-9-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2651/QĐ-UBND: Giữ nguyên Quyết định 6907/QĐ-UBND ngày 3-9-2014 của UBND TP. Mỹ Tho về việc giải quyết khiếu nại của bà Trần Ngọc Kết. Về tài sản gắn liền trên đất, nếu 2 bên không thương lượng được thì khởi kiện ra tòa án xem xét, giải quyết…

NHIỀU NỘI DUNG NGUYÊN ĐƠN YÊU CẦU CHƯA ĐƯỢC TÒA ÁN LÀM RÕ

Trong đơn khởi kiện, bà Trần Ngọc Kết yêu cầu làm rõ và giải quyết thỏa đáng các nội dung:
1.Về nguồn gốc đất: Của ông Lê Văn Chẩn và bà Trần Thị Đại, cha mẹ ruột của 11 người con, trong đó có bà Lê Thị Do (mẹ bà Kết) và bà Lê Thị Hoằng (mẹ ông Đằng). Khi qua đời, ông bà để lại khá nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai nhưng không có di chúc.

Ngày 10-5-1962, 7 người con gái đã đồng ý lập “Tờ nhượng quyền” các thửa đất có Bằng khoán số: 51, 22 và 47, với tổng diện tích 10,07 ha tại xã Điều Hòa (Định Tường), do ông Lê Văn Chẩn (cha chúng tôi) đứng bộ cho ông Lê Văn Hứa làm bằng để sử dụng. Lúc này, bà Lê Thị Hoằng có chồng, về sống ở tỉnh Bến Tre, nhưng sau đó do chiến tranh, gia đình bà về lại Mỹ Tho tá túc trong nhà kho (có sẵn) trên phần đất đã tương phân cho ông Lê Văn Hứa quản lý. Đến năm 1984, bà Hoằng tự đăng ký, kê khai phần diện tích 1.800 m2 đất vào Sổ bộ 299. Ông Hứa biết được, đứng ra tranh chấp, cho đến năm 1998 (ông mất) chưa giải quyết xong. Do vậy, cho đến nay, bà Hoằng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không có cơ sở xác định chủ quyền hợp pháp để buộc bà Kết trả lại 130 m2 đất cho ông Đằng trọn quyền sử dụng diện tích 1.800 m2 đất của ông Chẩn (là ngoại của 2 người).

2. Tính pháp lý của “Tờ cho đứt đất vườn” và “Giấy ủy quyền”: Trước năm 1995, bà Hoằng bị bệnh bán thân bất toại, nằm một chỗ, thì cơ sở nào xác định tờ “Giấy ủy quyền” của bà viết cho ông Nguyễn Quan Đằng đi kiện đòi bà Kết phải trả lại 130 m2 đất (của ông ngoại) là có giá trị pháp lý? Trong các lần giải quyết, bà Kết yêu cầu ông Đằng và cấp thẩm quyền trưng giấy ủy quyền ra nhưng không được ai cung cấp. Trong khi đó, “Tờ cho đứt đất vườn” được lập ngày 20-7-1996, của vợ chồng ông Quản và bà Hoằng cho bà Kết (có xác nhận của cơ sở) là vô giá trị?

3. Xét về thừa kế: Ông Nguyễn Quan Quản (chồng bà Hoằng) là hàng thừa kế thứ nhất trong 1.800 m2 đất này, nếu cho là đất bà Hoằng đứng tên trong Sổ bộ 299 thì ông Quản được quyền cho (tặng) phần đất thừa kế của ông cho bà Kết sử dụng là phù hợp theo pháp luật quy định. Hơn nữa, bà Kết cũng đã giao trả lại 170/300 m2 đất theo các Quyết định của UBND TP. Mỹ Tho từ năm 2000, nay chỉ còn lại nền nhà 130 m2/1.800 m2 đất thừa kế của ông ngoại, thì không thể “gỡ tay” buộc giao trả hết cho ông Đằng (chưa phải là người quản lý hợp pháp phần đất này), trong khi gia đình bà Kết không còn đất hay chỗ ở nào khác.

BẢN ÁN CHƯA “TÂM PHỤC, KHẨU PHỤC”

Tại Bản án số 10/2017/HC-ST ngày 11-7-2017 của TAND tỉnh xác định: Nguồn gốc đất từ ông bà để lại (không phải bà Hoằng tự tạo) nhưng chưa xem xét và làm rõ việc những ai được thừa hưởng mỗi người diện tích là bao nhiêu (theo di chúc hay luật định), mà cho rằng bà Hoằng là người “có quyền sử dụng đất” để Quyết định: “Không chấp nhận khởi kiện của bà Trần Ngọc Kết, yêu cầu hủy Quyết định giải quyết của UBND TP. Mỹ Tho và của UBND tỉnh Tiền Giang” là chưa đảm bảo tính pháp lý. Bởi vì, Hồ sơ 299, Nhà nước ban hành là nhằm thống nhất việc quản lý đất đai lúc bấy giờ, mà người sử dụng đất phải có trách nhiệm đăng ký, kê khai và thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước... Do đó, việc bà Hoằng đăng ký Sổ bộ 299 năm 1984 nhưng đã bị ông Lê Văn Hứa phát hiện, tranh chấp (bà Hoằng mất năm 2005) và cho đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm sao có cơ sở buộc bà Kết giao trả 130 m2 đất cho ông Đằng (con bà) quản lý, sử dụng; trong khi cả 2 đều là cháu ngoại của chủ đất gốc là ông Lê Văn Chẩn. Hơn nữa, phần đất này đã được 7 chị em gái (có bà Hoằng) ký tên lập “Tờ nhượng quyền” giao lại ông Lê Văn Hứa làm bằng để sử dụng từ năm 1962 (có xác nhận của chính quyền chế độ cũ).

Xét thấy, việc bà Kết yêu cầu xin được thừa hưởng 130 m2/1.800 m2 đất của ông ngoại (ông Chẩn) để lại là điều không quá đáng cả tình và lý. Trong khi bà Hoằng và ông Đằng chưa được Nhà nước thừa nhận “chủ quyền” nhưng lại đang thừa hưởng 1.800 m2 đất của ông Chẩn là chưa thỏa đáng. Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần cân nhắc, xem xét để có cách giải quyết đạt tình, thấu lý.

TỔ CTBĐ

.
.
.