Thứ Ba, 27/03/2018, 11:16 (GMT+7)
.
THỰC HIỆN DỰ ÁN NÂNG CẤP, MỞ RỘNG QL1A:

Khiếu nại của 41 hộ dân liên quan không có cơ sở giải quyết

Ngày 22-3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, đại diện Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân nguyện Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi làm việc, tiếp xúc, giải trình, làm rõ đối với 41 hộ dân khiếu nại kéo dài liên quan đến Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A (năm 2005).

Đồng chí Vũ Xuân Lợi báo cáo kết luận chỉ đạo giải quyết của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Đồng chí Vũ Xuân Lợi báo cáo kết luận chỉ đạo giải quyết của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

QUÁ TRÌNH KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục III - Thanh tra Chính phủ Vũ Huy Tác nêu rõ: Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 1994), việc giải tỏa, bồi thường được sự đồng thuận của nhân dân, không có khiếu nại.

Giai đoạn 2 (năm 2005), phát sinh khiếu nại của một số hộ dân, nội dung khiếu nại chủ yếu là yêu cầu xác định lại toàn bộ diện tích đất sân, mái che, thảo bạt (kể cả phần vượt định mức đất ở và đất nằm trong hành lang lộ giới) là đất ở để bồi thường…, là không đúng quy định. Bởi toàn dự án suốt chiều dài Bắc - Nam (trong đó có tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận) được thực hiện từ nguồn vốn của trung ương, địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, bồi thường, giải tỏa.

Đoạn qua địa bàn huyện Cai Lậy (thời điểm trước khi chia tách địa giới hành chính huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy) có diện tích bị ảnh hưởng là 211.618,9 m2. Tổng số hồ sơ được bồi thường là 2.545, thuộc các xã: Mỹ Thành Nam, Phú An, Bình Phú, Nhị Mỹ, Phú Nhuận, Tân Hội, Thanh Hòa, Nhị Quý, thị trấn Cai Lậy…, với tổng kinh phí bồi thường được phê duyệt là 53.514.722.456 đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Phương án 126, ký ngày 23-11-2007, đã được Chính phủ phê duyệt. Nội dung Phương án giải quyết: Đất sân, mái che, thảo bạt (nằm cùng một thửa), trước đây xác định là đất nông nghiệp, nay được điều chỉnh lại thành đất ở, nhưng phải xác định thời điểm hình thành và hạn mức đất ở theo quy định.

Phần vượt hạn mức đất ở được bồi thường giá đất nông nghiệp và có hỗ trợ thêm đất xen kẽ khu dân cư, nên mức bồi thường khá cao. Phương thức bồi thường này có lợi cho người bị giải tỏa, vì họ không phải làm nghĩa vụ tài chính do chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở; đồng thời, trong Phương án 126 đã khẳng định đất taluy, mương lộ thì không bồi thường.

Sau khi thực hiện Phương án 126, các hộ có đất sân, mái che, thảo bạt nằm ngoài định mức đất ở và trong hành lang QL1A vẫn tiếp tục khiếu nại. Thanh tra Chính phủ đã rà soát, kết luận tại Báo cáo 1261, ký ngày 21-5-2010: “... Các hộ đề nghị bồi thường phần đất mương, taluy lộ và sân nằm trong hành lang lộ giới là đất ở là không phù hợp pháp luật”. Tuy Thanh tra Chính phủ đã kết luận, nhưng số hộ này vẫn chưa đồng ý, khiếu kiện kéo dài, nên UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát.

Năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 41 quyết định điều chỉnh, hủy bỏ quyết định giải quyết trước đây, chấp nhận nội dung khiếu nại của 41 hộ dân (TX. Cai Lậy: 34 hộ và huyện Cai Lậy: 7 hộ) và chấp nhận yêu cầu bồi thường đất nông nghiệp theo giá đất ở, bồi thường diện tích taluy, mương lộ với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ thêm cho 41 hộ là 22.838.177.550 đồng (TX. Cai Lậy có 34 hộ được bồi thường 17.875.000.000 đồng).

Trong quá trình triển khai thực hiện các quyết định (tháng 7-2015), đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập và không đúng theo Phương án 126, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và báo cáo các cơ quan cấp trên xin chủ trương giải quyết.

Phó Chánh Thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Đỗ trình bày: Tháng 2-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn công tác rà soát lại việc giải quyết khiếu nại của 41 hộ dân và đã ban hành Công văn 3582, ký ngày 24-8-2016. Qua đó, kiến nghị bồi thường theo giá đất ở cho 4 hộ dân thuộc TX. Cai Lậy với tổng diện tích đất bị thu hồi là 531,62 m2, các trường hợp còn lại bác đơn khiếu nại, giữ nguyên kết quả bồi thường mà UBND huyện Cai Lậy (trước đây) đã giải quyết. Nội dung này đã được HĐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát 41 quyết định và đã có báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội.

Ngày 18-5-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5088 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại của 41 hộ dân liên quan đến Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A (tỉnh Tiền Giang), với nội dung: UBND tỉnh Tiền Giang căn cứ Văn bản 3582 ngày 24-8-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết khiếu nại của 41 hộ dân theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với 41 hộ dân; sau đó, ban hành và triển khai 41 quyết định giải quyết lại khiếu nại. Trong đó, có 4 trường hợp bồi thường bổ sung với số tiền 1.297.368.000 đồng và đã chi trả xong; đồng thời, ban hành quyết định hủy các quyết định ban hành năm 2015 và bác yêu cầu bồi thường đất taluy, mương lộ…

Đối với diện tích đất bị thu hồi, hầu hết được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), mục đích sử dụng đất là đất nông nghiệp, nên cơ quan chức năng giải quyết bồi thường theo giá đất nông nghiệp là đúng theo quy định tại khoản 2, Điều 42, Luật Đất đai 2003 và điểm b, khoản 1, Điều 6, Nghị định 181 của Chính phủ. Ngoài ra, căn cứ Phương án 126, UBND huyện Cai Lậy (trước đây) cũng đã thực hiện hỗ trợ thêm cho các hộ dân có đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư, với mức hỗ trợ khá cao (từ 20% đến 50% giá đất ở).

Đối với diện tích taluy, mương lộ, khi Nhà nước thu hồi đất để mở rộng QL1A (năm 2005) thì phần đất này đã là taluy, mương lộ hiện hữu (được hình thành cùng thời điểm chế độ cũ xây dựng QL1A trước năm 1975). Do vậy, Nhà nước không thu hồi và các hộ dân cũng không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần đất này, nên không có căn cứ giải quyết bồi thường. Việc khiếu nại của các hộ dân liên quan việc bồi thường, hỗ trợ Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đầy đủ, đúng quy định.

KẾT LUẬN VÀ CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ

Phó Văn phòng Giải quyết khiếu nại - tố cáo Văn phòng Chính phủ Vũ Xuân Lợi cho biết: Ngày 6-11-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn 11819, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình như sau:“ Đối với Dự án Nâng cấp mở rộng QL1A, UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường vận động, thuyết phục người dân chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A, đoạn Trung Lương -
Mỹ Thuận qua địa bàn huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, chấm dứt khiếu nại”.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, ngày 16-11-2017, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tiếp công dân Trung ương tổ chức tiếp xúc hộ dân khiếu nại liên quan đến bồi thường giải tỏa Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1A, có 38 người đến dự.

Trong cuộc tiếp xúc này, đã triển khai nội dung kết luận, chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình và vận động các hộ chấp hành quyết định giải quyết của UBND tỉnh ban hành năm 2017, chấm dứt khiếu nại. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không chấp hành và tụ tập đông người đi khiếu nại tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; kéo đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo trung ương gây áp lực đòi giải quyết theo yêu cầu của những hộ này, cụ thể là mong muốn thực hiện quyết định giải quyết năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh trước đây.

Tóm lại, việc ban hành 41 quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh (năm 2015) là vi phạm pháp luật, bởi các lẽ sau:

1. Theo nguyên tắc của Phương án 126 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ giải quyết những vấn đề phát sinh thực tế do tỉnh báo cáo đề xuất và được Chính phủ chấp thuận; trong quá trình thực hiện có những vấn đề mới phát sinh phải kịp thời báo cáo cụ thể để xem xét quyết định. (Quyết định giải quyết năm 2015 không có báo cáo Chính phủ).

2. Tại khoản 2, Điều 2, Nghị định 75 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khiếu nại: Khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung việc khiếu nại thì Tổng Thanh tra Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Quyết định năm 2015 không có trung ương kiến nghị hoặc báo cáo Thủ tướng).

3. Việc thu hồi đất là đất nông nghiệp nên cơ quan Nhà nước bồi thường giá trị theo đất nông nghiệp. Còn đất taluy, mương lộ là bộ phận cấu thành của QL1A, Nhà nước không thu hồi và các hộ dân cũng không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nên Nhà nước không phải bồi thường.

Như vậy, việc khiếu nại của các hộ dân, cơ quan hành chính từ địa phương đến trung ương đều đã xem xét, giải quyết, kết luận việc bồi thường là đúng với Phương án 126; việc xem xét, giải quyết lại khiếu nại cũng như ban hành quyết định hủy bỏ các quyết định giải quyết (năm 2015) của UBND tỉnh Tiền Giang là đúng quy trình.

Các hộ dân có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực. Các cơ quan hành chính không còn trách nhiệm giải quyết khiếu nại của các hộ dân; thẩm quyền giải quyết hiện tại thuộc tòa án. Nếu các hộ dân không đồng ý quyết định giải quyết của UBND tỉnh Tiền Giang thì có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết.

Cũng tại buổi làm việc, qua các báo cáo và quá trình giải quyết (nêu trên) của các bộ, ngành đã được đại diện Ban Dân nguyện Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng chí Trần Hồng Cẩn và Phan Văn Vượng) thống nhất cao, rất mong người dân suy nghĩ lại và đồng thuận với cách giải quyết của các ngành, các cấp, không nên khiếu nại kéo dài làm mất thời gian, tiền của, công sức và không đúng với pháp luật quy định.

TỔ CTBĐ

.
.
Liên kết hữu ích
.