Thứ Ba, 21/08/2018, 21:17 (GMT+7)
.

Người dân kêu cứu vì lối đi bị chặn

(ABO) Hằng ngày, một số hộ dân sống trong rạch Vinh (thuộc tổ 6, ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) phải lội qua 1 đoạn đường sạt lở sâu khoảng 1 mét, dài gần 6 mét để đi ra đường công cộng. Tình trạng này diễn ra suốt một thời gian dài, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

LỘI “SÔNG” RA ĐƯỜNG CHÍNH

Theo một số hộ dân sống trong rạch Vinh, trước kia, lối đi của họ bắc qua rạch Vinh đã được hình thành từ nhiều đời và sử dụng ổn định. Để đi ra đường nhựa công cộng, họ phải đi qua phần đất của ông Cao Văn Sơn (ngụ ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè).

Học sinh đi học phải lội qua đoạn đường sạt lở nước ngập gần tới thắt lưng.
Học sinh đi học phải lội qua đoạn đường sạt lở nước ngập gần tới thắt lưng.

Tuy nhiên, từ năm 2017, ông Sơn nhiều lần ngăn cản không cho các hộ dân có nhà phía trong phần đất của gia đình đi trên lối đi này, gây khó khăn cho các hộ dân trong sinh hoạt hằng ngày.

Cũng theo một số hộ dân sống trong rạch Vinh, lối đi ngang phần đất của ông Sơn dài khoảng 50 mét, rộng gần 2 mét. Hiện nay, qua ghi nhận của phóng viên, lối đi này đã bị rào, chắn thu hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại.

Bên cạnh đó, đoạn đường qua phần đất của ông Sơn xuất hiện điểm sạt lở với chiều dài khoảng 6 mét, rộng gần 1 mét nên việc đi lại càng khó khăn. Lúc thủy triều lên, người dân nơi đây phải lội nước đến gần thắt lưng mới có thể đi ra đường công cộng.

Bà Trương Thị Kiệp (ngụ ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) cho biết: “Gia đình tôi đã sinh sống nhiều đời tại đây. Hằng ngày, trái cây được vận chuyển bằng xuồng, còn đi lại chỉ có duy nhất con đường này dẫn ra đường chính.

Trước đây, ông nội của ông Sơn đã bán phần đất này cho ông Lê Ngọc Điện, lối đi vẫn sử dụng bình thường. Sau đó, ông Điện bán lại cho ông Hà Thanh Hùng, ông Hùng cùng con là ông Sơn mới không cho chúng tôi đi qua phần đất nói trên. Cháu nội tôi hằng ngày đi học phải vác xe đạp qua đoạn sạt lở, riết chán nản đòi nghỉ học hoài”.

Chị Trương Thị Ánh Sương (ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) bày tỏ: “Khi đi qua đoạn đường sạt lở, những lúc nước lớn phải săn quần gần tới thắt lưng để lội qua. Tôi bị đau khớp mỗi lần lội qua đoạn đường này rất khó khăn”.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Nguyễn Tấn Cường, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để việc đi lại của người dân được thuận lợi. Xã đã xuống nhà để vận động, hòa giải nhưng gia đình bà Bảy (mẹ ông Sơn) không đồng ý và cũng không chịu hợp tác.

TÒA ÁN KHÔNG CHẤP NHẬN YÊU CẦU MỞ LỐI ĐI

Sau nhiều lần vận động, hòa giải không thành, trước việc đi lại gặp nhiều khó khăn, một số hộ dân trong rạch Vinh đã khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Cái Bè yêu cầu ông Sơn và các thành viên trong gia đình mở cho họ 1 lối đi trên phần đất của ông Sơn.

 Người dân lội qua đoạn đường sạt lở.
Người dân lội qua đoạn đường sạt lở.

Các hộ dân đồng ý bồi thường lại giá trị đất và cây trồng trên đất, công trình trên phần lối đi và được Tòa án cho mở theo giá do Hội đồng định giá xác định.

Căn cứ vào lời khai và tài liệu thu thập được, Tòa án nhân dân huyện Cái Bè đã không chấp nhận yêu cầu về việc xin mở lối đi qua thửa đất của ông Sơn đang đứng tên quyền sử dụng đất. Bản án được tuyên vào ngày 15-8, thời hạn kháng cáo là 15 ngày.

Tuy nhiên, với quyết định của Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, một số hộ dân sống trong rạch Vinh đã không đồng ý. Người dân cho rằng, hiện họ chỉ có lối đi duy nhất là qua phần đất của nhà ông Sơn chứ không có lối đi qua nhà ông Trương Tấn Trong hay bất kỳ đâu.

Cũng theo xác nhận của Trưởng ấp 2, xã Tân Thanh Bùi Minh Ngân, 7 hộ dân với tổng cộng 29 nhân khẩu sống trong rạch Vinh chỉ có 1 lối đi duy nhất qua phần đất của ông Sơn.

Cũng theo một số người dân, việc mở lối đi khác ra đường công cộng phải qua nhiều phần đất thuộc nhiều chủ sở hữu khác nhau nên sẽ càng khó khăn hơn; đồng thời, quãng đường từ nhà họ ra đường chính sẽ xa hơn nhiều lần so với lối đi cũ.

Do vậy, các hộ dân không đồng ý với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cái Bè và sẽ tiếp tục gửi đơn xét xử phúc thẩm lên Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang.

M. THÀNH

.
.
.