Thứ Hai, 07/09/2020, 14:09 (GMT+7)
.
DỰ ÁN NÂNG CẤP, MỞ RỘNG QUỐC LỘ 1A (GIAI ĐOẠN 2), TỈNH TIỀN GIANG:

Khiếu nại đã được giải quyết đúng quy định

Thời gian qua, nhiều hộ dân có nhà ở, kinh doanh và đất sản xuất dọc 2 bên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn của huyện Cai Lậy (cũ), tỉnh Tiền Giang khiếu nại kéo dài, yêu cầu Nhà nước bồi thường việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ năm 2005. Vụ việc đã được các cấp bộ, ngành Trung ương nhiều lần thẩm tra, rà soát và Chính phủ kết luận giải quyết đúng quy định của pháp luật. Việc 41 hộ dân khiếu nại là không có cơ sở xem xét, giải quyết tiếp.

Báo Ấp Bắc xin tóm tắt nội dung kết luận của các cấp bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình để người dân hiểu rõ và chấm dứt khiếu nại.

QUÁ TRÌNH KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ kết luận: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 1994), được sự đồng thuận của người dân, không khiếu nại. Giai đoạn 2 (năm 2005), phát sinh khiếu nại của một số hộ dân. Nội dung chủ yếu là yêu cầu xác định toàn bộ diện tích đất sân, mái che, thảo bạt (kể cả phần vượt định mức đất ở và đất nằm trong hành lang lộ giới) là đất ở để bồi thường…, là không đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cùng các ngành có liên quan tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải quyết việc 41 hộ dân khiếu nại giải tỏa, đền bù Quốc lộ 1A.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cùng các ngành có liên quan tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải quyết việc 41 hộ dân khiếu nại giải tỏa, đền bù Quốc lộ 1A.

Bởi vì: Quốc lộ 1A là dự án suốt chiều dài Bắc - Nam (trong đó có tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận) được thực hiện từ nguồn vốn của Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, bồi thường giải tỏa. Đoạn qua địa bàn huyện Cai Lậy (thời điểm trước khi chia tách địa giới hành chính huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có diện tích bị ảnh hưởng: 211.618,9 m2, với tổng kinh phí bồi thường được phê duyệt trên 53,514 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Phương án giải quyết 126 ngày 23-11-2007 đã được Chính phủ phê duyệt. Nội dung phương án giải quyết: Đất sân, mái che, thảo bạt (nằm cùng một thửa), trước đây xác định là đất nông nghiệp nay được điều chỉnh lại thành đất ở nhưng phải xác định thời điểm hình thành và hạn mức đất ở theo quy định.

Phần vượt hạn mức đất ở được bồi thường giá đất nông nghiệp và có hỗ trợ thêm đất xen kẽ khu dân cư nên mức bồi thường khá cao. Phương thức bồi thường này có lợi cho người bị giải tỏa vì họ không phải làm nghĩa vụ tài chính do chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Đồng thời, trong Phương án 126 đã khẳng định đất taluy, mương lộ thì không bồi thường.

Sau khi thực hiện Phương án 126, các hộ có đất sân, mái che, thảo bạt nằm ngoài định mức đất ở và trong hành lang Quốc lộ 1A vẫn tiếp tục khiếu nại. Thanh tra Chính phủ đã rà soát, kết luận tại Báo cáo 1261 ngày 21-5-2010: "...Các hộ đề nghị bồi thường phần đất mương, taluy lộ và sân nằm trong hành lang lộ giới là đất ở là không phù hợp pháp luật”.

Tuy Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhưng số hộ này vẫn không đồng ý, khiếu kiện kéo dài, nên UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát. Và năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 41 quyết định điều chỉnh, hủy bỏ quyết định giải quyết trước đây, chấp nhận nội dung khiếu nại của 41 hộ dân (TX. Cai Lậy: 34 hộ, huyện Cai Lậy: 7 hộ), chấp nhận yêu cầu bồi thường đất nông nghiệp theo giá đất ở, bồi thường diện tích taluy, mương lộ với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ thêm cho 41 hộ trên 22,838 tỷ đồng (TX. Cai Lậy có 34 hộ: 17,875 tỷ đồng).

Trong quá trình triển khai thực hiện các quyết định (tháng 7-2015) thì phát sinh nhiều vấn đề bất cập và không đúng theo Phương án 126 nên UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát; đồng thời, đã báo cáo các cơ quan cấp trên xin chủ trương giải quyết.

Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn công tác rà soát lại việc giải quyết khiếu nại của 41 hộ dân và đã ban hành Công văn 3582 ngày 24-8-2016. Qua đó, Bộ kiến nghị bồi thường theo giá đất ở cho 4 hộ dân thuộc TX. Cai Lậy với tổng diện tích đất bị thu hồi là 531,62 m2, các trường hợp còn lại bác đơn khiếu nại, giữ nguyên kết quả bồi thường mà UBND huyện Cai Lậy (trước đây) đã giải quyết. Nội dung này đã được HĐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát 41 quyết định và đã có báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội.

KẾT LUẬN VÀ CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 18-5-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5088 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại của 41 hộ dân liên quan đến Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (tỉnh Tiền Giang), với nội dung: UBND tỉnh Tiền Giang căn cứ Văn bản 3582 ngày 24-8-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết khiếu nại của 41 hộ dân theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với 41 hộ dân; sau đó, ban hành và triển khai 41 quyết định giải quyết lại khiếu nại.

Trong đó, có 4 trường hợp bồi thường bổ sung với số tiền trên 1,297 tỷ đồng và đã chi trả xong; đồng thời, ban hành quyết định hủy bỏ các quyết định ban hành năm 2015 và bác yêu cầu bồi thường đất taluy, mương lộ hiện hữu (được hình thành cùng thời điểm chế độ cũ xây dựng Quốc lộ 1A trước năm 1975).

Do vậy, Nhà nước không thu hồi và các hộ dân cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất này nên không có căn cứ giải quyết bồi thường. Việc khiếu nại của các hộ dân liên quan việc bồi thường, hỗ trợ Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đầy đủ, đúng quy định.

Ngày 6-11-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn 11819, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Đối với Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường vận động, thuyết phục người dân chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận qua địa bàn huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, chấm dứt khiếu nại”.

Như vậy, việc khiếu nại của các hộ dân, cơ quan hành chính từ địa phương đến Trung ương đều đã xem xét, giải quyết, kết luận việc bồi thường là đúng với Phương án 126; việc xem xét giải quyết lại khiếu nại cũng như ban hành quyết định hủy bỏ các quyết định giải quyết (năm 2015) của UBND tỉnh Tiền Giang là đúng quy trình.

Các hộ dân có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực. Các cơ quan hành chính không còn trách nhiệm phải giải quyết khiếu nại của các hộ dân; thẩm quyền giải quyết hiện tại thuộc Tòa án. Nếu các hộ dân không đồng ý quyết định giải quyết của UBND tỉnh thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. 

   Tổ CTBĐ     



 

.
.
.