Thứ Hai, 08/02/2021, 11:11 (GMT+7)
.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG:

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu HĐND tỉnh (tiếp theo kỳ trước)

1.12. Về văn hóa, thể thao và du lịch

1.12.1. Đại biểu đề nghị ngành chức năng xem lại việc xét các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, vì hiện nay chất lượng không đảm bảo, đặc biệt là tình hình đạo đức, quan hệ giữa người với người ngày càng xuống cấp, nhưng tỷ lệ các danh hiệu văn hóa ngày càng cao. Đề nghị các ngành chức năng có giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với quy trình xét danh hiệu văn hóa cơ sở để phù hợp với hương ước, quy ước hiện nay.

Giải trình:

Trong những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã định kỳ, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc công nhận, công nhận lại các danh hiệu văn hóa và chịu trách nhiệm về chất lượng các danh hiệu văn hóa tại địa phương.

Để từng bước đảm bảo chất lượng, từ năm 2015 đến nay, Ban Chỉ đạo tỉnh đã hạ chỉ tiêu về đăng ký và bình xét Gia đình văn hóa: Từ 100% xuống còn 90% trở lên đối với số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; hạ từ 95% xuống còn 80% trở lên đối với số hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập 10 đoàn kiểm tra, giám sát kết quả tổ chức triển khai thực hiện và nâng chất, thẩm định, tái thẩm định các danh hiệu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả tổ chức triển khai, thực hiện và nâng chất, thẩm định, tái thẩm định các danh hiệu trong phong trào của ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn, 15 liên hoan, hội thi để nâng cao chất lượng phong trào.

Tuy nhiên, sự quan tâm của một số địa phương còn thiếu sâu sát; việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi thiếu chặt chẽ, mang nặng tính hình thức, có biểu hiện chạy theo thành tích, số lượng, chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của Trung ương và của tỉnh. Một số đơn vị văn hóa sau khi được công nhận đã có biểu hiện buông lỏng, thỏa mãn, dẫn đến một số tiêu chí giảm chất lượng so với lúc mới công nhận. Đây cũng là thực trạng chung của cả nước theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Để khắc phục những hạn chế vừa nêu trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo ban chỉ đạo các cấp thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

- Tiếp tục đưa mục tiêu thực hiện phong trào vào nghị quyết của các cấp ủy, kế hoạch của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của ban chỉ đạo các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện phong trào.

- Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng, phổ biến và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa; lấy kết quả thực hiện phong trào là một trong các tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể hằng năm.

- Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, cổ vũ phong trào phù hợp với các quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng. Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của ban chỉ đạo phong trào các cấp. Tập trung kiện toàn về tổ chức, hoạt động và bảo đảm điều kiện cho ban chỉ đạo phong trào các cấp hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện phong trào cho ban chỉ đạo phong trào ở cấp huyện và cơ sở; khắc phục triệt để bệnh hình thức, chạy đua thành tích trong quá trình tổ chức thực hiện và đánh giá phong trào ở các địa phương.

1.12.2. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch; tuy nhiên, du lịch các huyện phía Đông chưa được quan tâm đầu tư như: Du lịch biển, các di tích lịch sử. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư trùng tu các di tích lịch sử, di tích văn hóa và kết nối tour, tuyến du lịch toàn tỉnh để khai thác, phát huy tiềm năng và lợi thế các huyện phía Đông. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm phát triển du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho, đặc biệt là cù lao Thới Sơn.

Giải trình:

Thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 118, ký ngày 5-5-2017 thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhất là từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, nhiều công trình, dự án du lịch đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Việc đầu tư ở các địa phương là đồng bộ, nhất là các huyện, thị xã phía Đông và TP. Mỹ Tho, cụ thể như sau:

- Đầu tư du lịch các huyện phía Đông, gắn với các di tích lịch sử - văn hóa:

+ Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành được quy hoạch với quy mô 80,3 ha. Trong đó, Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang đang khai thác với quy mô diện tích 4 ha; Công ty TNHH Vạn Bình An đầu tư khai thác với các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ mát... với quy mô diện tích 11,7ha, còn lại 64 ha đang mời gọi đầu tư.
+ Đã hoàn thành việc xây đoạn kè chống sạt lở Khu du lịch biển Tân Thành, với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang đang tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phuc vụ khách du lịch.

+ Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã trùng tu, nâng cấp nhiều di tích lịch sử - văn hóa ở khu vực phía Đông như: Công trình trùng tu Đền thờ Võ Tánh, TX. Gò Công; công trình Khu di tích Lăng Hoàng Gia (giai đoạn 1); công trình trùng tu tôn tạo đình Tân Đông; đang tiến hành triển khai công trình tu bổ di tích lịch sử - văn hóa hạng mục lũy Pháo Đài; công trình mở rộng lăng mộ Trương Định tại phường 1, TX. Gò Công; triển khai Dự án mở rộng Đền thờ Trương Định (khu vực 2 - giai đoạn 2), nhằm xây dựng nơi đây thành trung tâm lễ hội khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành và các di tích lịch sử - văn hóa ở khu vực, làm cơ sở để kết nối tour, tuyến du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đến phía Đông tỉnh Tiền Giang.

- Phát triển du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho và cù lao Thới Sơn:

+ Đầu tư cơ sở hạ tầng, nạo vét rạch đò chèo, nâng cấp mở rộng cầu, đường liên kết các khu điểm du lịch; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa ven đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật... trên cù lao Thới Sơn.

Bên cạnh đó, TP. Mỹ Tho đang triển khai Đề án đưa nhà Bạch công tử vào khai thác du lịch nhằm đa dạng hóa các tour, tuyến du lịch TP. Mỹ Tho; xây dựng Đề án Nghiên cứu phát triển du lịch rạch Bà Ngọt và rạch Gò Cát để phát triển tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với khu Quảng trường tỉnh - Điền lan thôn trang - chùa Vĩnh Tràng - làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho - cù lao Thới Sơn...

Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng xem xét Tờ trình của UBND TP. Mỹ Tho xin chủ trương đầu tư các hạng mục để phát triển du lịch như: Vườn hoa (2 - 3 ha, để tạo điểm nhấn trên cù lao), kè chống sạt lở, các cầu tàu du lịch. Các khu, điểm du lịch từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

+ Các dự án mời gọi đầu tư tại cù lao Thới Sơn: Dự án khách sạn Moon River Hotel, diện tích đất sử dụng 0,8 ha, vốn đầu tư 210 tỷ đồng, chủ đầu tư đang tiến hành thẩm định bản vẽ thiết kế thi công; Dự án Khu đón tiếp đường bộ cù lao Thới Sơn, do nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện, với diện tích 0,8 ha. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành chỉnh sửa giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho phù hợp với quy hoạch thực tế. Đang chuẩn bị khởi công. 

1.12.3. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư các dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) cho các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã để góp phần tăng tỷ lệ người dân tập luyện TDTT.

Giải trình:

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa số người luyện tập TDTT thường xuyên, UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt Đề án “Phát triển TDTT quần chúng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Sau khi Đề án được phê duyệt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai thực hiện, sẽ tiếp tục sửa chữa, nâng cấp và xây mới các công trình TDTT cấp xã theo lộ trình; quan tâm ưu tiên vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn; quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu tập luyện, sinh hoạt của nhân dân và tổ chức các hoạt động TDTT trên địa bàn.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TDTT công cộng như: Các trung tâm, khu tập đa năng, các điểm tập luyện vui chơi với các thiết bị đơn giản tại các xã, phường, thị trấn, khu dân cư…, tạo mạng lưới hạ tầng TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện hằng ngày của nhân dân. Lắp đặt các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại các trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn; tại các khu dân cư, công viên, bờ kè sông, kinh, rạch nhằm đa dạng hóa việc tập luyện của người dân được rộng khắp từ thành, thị đến cơ sở để chỉ số số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh được nâng lên theo chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025.

1.12.4. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà truyền thống cấp huyện, vì hiện nay việc sưu tầm hiện vật rất khó khăn.

Giải trình:

Hiện nay, các địa phương Cái Bè, TX. xã Cai Lậy, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công có nhà truyền thống, nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, không có kinh phí sưu tầm, bổ sung hiện vật; có nơi thiếu cán bộ chuyên môn quản lý nên hoạt động của các nhà truyền thống không hiệu quả. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương nâng cấp, sửa chữa các nhà truyền thống hiện có; tiến hành sưu tầm, bổ sung hiện vật; chỉnh lý việc trưng bày theo các chuyên đề vừa mang tính khoa học và mang tính thẩm mỹ để thu hút người xem.

1.12.5. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp thay đổi hình thức hoạt động của các thư viện nhằm hình thành văn hóa đọc và thu hút nhiều độc giả; đồng thời, bổ sung nguồn ngân sách đầu tư sách mới để nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện trên địa bàn tỉnh.

Giải trình:

Nhằm hình thành văn hóa đọc và thu hút nhiều độc giả đối với các loại hình thư viện nói chung, đặc biệt là hệ thống thư viện công cộng, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp như sau:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thư viện năm 2019 trên địa bàn tỉnh; áp dụng linh hoạt các quy định phù hợp với tình hình của tỉnh và khu vực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thư viện; chú trọng thiết kế xây dựng thư viện không chỉ có không gian phục vụ bạn đọc đến nghiên cứu, đọc sách mà còn là điểm đến văn hóa thu hút nhân dân vào những ngày nghỉ, ngày lễ, tết; bố trí kinh phí để bổ sung sách, báo cho thư viện từ tỉnh đến xã, đồng thời kêu gọi xã hội hóa.

- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thư viện từ tỉnh đến cơ sở, chú trong ứng dụng, cải cách trong quản lý, điều hành, phục vụ bạn đọc theo hướng số hóa tài liệu điện tử để đa dạng loại hình phục vụ theo truyền thống (sách giấy) và hiện đại (tài liệu số).  

- Thí điểm đưa mô hình “Tiết học thư viện” hoặc “Giờ đọc sách” trong các tiết học ngoại khóa ở các cấp tiểu học, trung học để các em làm quen với thư viện và khơi gợi niềm đam mê, yêu thích đọc sách của các em ngay từ nhỏ. Nghiên cứu cơ chế, chính sách để tăng biên chế cho thư viện, nhất là cấp cơ sở; đồng thời có chính sách thu hút người làm công tác thư viện, đặc biệt là nhân lực về công nghệ thông tin. Tạo điều kiện về phương tiện, nhân lực và chỉ đạo thư viện tỉnh tăng cường luân chuyển sách, báo về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, xa và khó khăn.

(còn tiếp)

.
.
.