Chủ Nhật, 07/01/2024, 16:56 (GMT+7)
.

UBND tỉnh Tiền Giang trả lời kiến nghị cử tri về lĩnh vực y tế - bảo hiểm xã hội

(ABO) Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang tại Công văn 220/HĐND-TTDN ngày 1-12-2023 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh trả lời các nội dung sau:

- Cử tri huyện Cái Bè, xã Mỹ Hạnh Đông, xã Tân Hội (TX. Cai Lậy), xã Long Hưng (huyện Châu Thành) và phường 2, phường Tân Long (TP. Mỹ Tho), xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) tiếp tục phản ánh việc gián đoạn vắc xin tiêm ngừa (5 trong 1) cho trẻ em ở các bệnh viện (đã hết trong tháng 8-2023 đến nay) đã ảnh hưởng đến việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi tiêm ngừa vắc xin này, trong khi đó dịch vụ tư nhân bên ngoài đảm bảo phục vụ đủ 100% vắc xin.

Cử tri kiến nghị ngành Y tế khẩn trương phân bổ vắc xin về các cơ sở y tế nhằm đảm bảo tiêm ngừa cho trẻ trong độ tuổi theo quy định.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như cả nước đã sử dụng 10 loại vắc xin, gồm: BCG (lao), viêm gan B sơ sinh, DPT-VGB-Hib (5 trong 1: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib), bOPV (bại liệt uống), IPV (bại liệt tiêm), viêm não Nhật Bản B, sởi, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), MR (sởi, Rubella), uốn ván. Các loại vắc xin này được Bộ Y tế phân bổ cho địa phương thông qua các Viện khu vực.

Năm 2022, Bộ Y tế thực hiện các thủ tục đấu thầu mua vắc xin nhập khẩu DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1) theo quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ thời điểm cuối năm 2022, dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin trên thị trường và không có nhà thầu tham gia cung ứng làm thiếu hụt loại vắc xin này tại các địa phương, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Năm 2023, khi chuyển đổi Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số thành nhiệm vụ chi thường xuyên cho các địa phương, trong đó, các địa phương phải bố trí ngân sách để mua vắc xin trong CTTCMR. Trên thực tế, việc chuyển nguồn ngân sách từ Trung ương sang địa phương để mua vắc xin trong CTTCMR đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định về giá cả cũng như công tác đấu thầu. Từ đó, dẫn đến nguồn cung ứng của một số loại vắc xin trong CTTCMR bị gián đoạn.

Từ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua vắc xin trong CTTCMR nêu trên tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, ngày 10-7-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin trong CTTCMR.

Theo đó, trong năm 2023 và 6 tháng gối đầu năm 2024 Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua vắc xin trong CTTCMR và phân bổ đến các địa phương trên toàn quốc từ nguồn ngân sách dự phòng của Trung ương. Thực hiện chủ trương này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp nhu cầu vắc xin từ các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tham mưu Sở Y tế đăng ký nhu cầu vắc xin phục vụ CTTCMR mở rộng trong 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 gửi Bộ Y tế.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã và đang thiếu 05 loại vắc xin trong CTTCMR và chờ nguồn phân bổ từ Bộ Y tế, cụ thể như sau:

- Vắc xin DPT-VGB-Hib phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib: thiếu từ tháng 11-2022 đến tháng 7-2023; trong tháng 8-2023, Bộ Y tế phân bổ 3.600 liều DPT-VGB-Hib để tiêm cho trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên chưa được tiêm đủ mũi, đáp ứng được 23,4% so với nhu cầu 6 tháng cuối năm 2023. Hiện chưa nhận được thông báo phân bổ tiếp theo.

- Vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván: thiếu từ tháng 5-2023, đến nay chưa nhận được thông báo phân bổ.

- Vắc xin bOPV phòng bệnh bại liệt dạng uống: thiếu từ tháng 10-2023, đến nay chưa nhận được thông báo phân bổ.

- Vắc xin IPV phòng bệnh bại liệt dạng tiêm: thiếu từ tháng 10-2023, đến nay chưa nhận được thông báo phân bổ.

- Vắc xin BCG phòng bệnh lao: thiếu từ tháng 11-2023, đến nay chưa nhận được thông báo phân bổ.

* Giải pháp khắc phục trong thời gian tới:

Mặc dù tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vắc xin trong CTTCMR như hiện nay là bất khả kháng, Sở Y tế vẫn tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

- Theo dõi nguồn cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế cung cấp theo chỉ đạo của Chính phủ để kịp thời có văn bản kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vắc xin.

- Chỉ đạo các cơ sở thực hiện CTTCMR trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định vào ngày 25-26 hàng tháng để tiêm chủng các loại vắc xin hiện còn; thường xuyên rà soát nhóm đối tượng là trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 18 tháng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tổ chức tiêm chủng cho trẻ trong thời gian sớm nhất ngay khi nhận được vắc xin; tổ chức đánh giá tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi tại các địa phương trên địa bàn quản lý.

- Cử tri huyện Cái Bè, xã Mỹ Phong, xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) xã Long Chánh (TX. Gò Công) và huyện Gò Công Đông tiếp tục phán ánh hiện nay tình trạng thiếu thuốc trong khám, chữa bệnh BHYT chưa được khắc phục.

Từ đó gây khó khăn trong việc vận động người dân tham gia BHYT. Đề nghị ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc theo danh mục thuốc BHYT tại các cơ sở y tế, tạo thuận lợi cho người dân trong khám chữa bệnh có sử dụng BHYT trong thời gian tới.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Ngày 20-11-2023, Sở Y tế có Công văn 4847/SYT-NVYD yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giải trình phản ánh của cử tri việc thiếu thuốc. Qua xem xét, tổng hợp ý kiến từ các bệnh viện và trung tâm y tế, Sở Y tế báo cáo như sau:

Hiện nay các cơ sở y tế thực hiện công tác cung ứng thuốc phục vụ khám và điều trị dựa trên Thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 31-12-2022 của Bộ Y tế Ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Theo Thông tư, Danh mục thuốc thanh toán phân theo hạng bệnh viện (gồm 4 hạng), trong đó, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa sử dụng thuốc theo hạng III, còn trạm y tế sử dụng thuốc theo hạng IV. Trên cơ sở phân hạng này, chủng loại thuốc được sử dụng tại trạm y tế ít hơn rất nhiều so với tại trung tâm y tế (tuyến huyện). Một số loại thuốc trung tâm y tế được sử dụng nhưng trạm y tế không được sử dụng.

a) Một số nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc cục bộ:

- Tỷ lệ thuốc trúng thầu của các đơn vị là rất thấp. Chẳng hạn như đấu thầu tập trung cấp địa phương 211 mặt hàng, giá kế hoạch là 116.640.636.002 đồng, nhưng chỉ trúng thầu 119 mặt hàng (chiếm 56,4%), với tổng giá trị đề nghị trúng thầu: 75.694.637.804 đồng (chiếm 64,9%); tại Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho, gói Generic trúng thầu 65%, gói thuốc Dược liệu YHCT trúng thầu 78%.

- Do tình hình đứt gãy trong chuỗi cung ứng thuốc, một số nguyên liệu chưa nhập khẩu được nên một số thuốc khi đấu thầu không có nhà thầu tham dự hoặc do giá nguyên liệu tăng nên nhà thầu không tham gia đấu thầu.

- Tình hình công nợ các công ty (bệnh viện/trung tâm y tế nợ tiền thuốc của công ty) dẫn đến tình trạng một số công ty không đồng ý cung ứng thuốc cho bệnh viện/trung tâm y tế, đã ảnh hưởng đến công tác cung ứng thuốc của các đơn vị trực thuộc.

- Số lượng bệnh tăng hơn so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Do giai đoạn đầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang di dời về xã Phước Thạnh bệnh nhân lớn tuổi, bệnh mạn tính tập trung về khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho, kể cả số ca bệnh cấp cứu cũng tăng, bệnh nhân hậu Covid-19 đến khám bệnh tăng. Ngoài ra, còn có một số bệnh nhân ở những huyện lân cận đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho dẫn đến tình hình thuốc không đủ đáp ứng phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.

- Các thuốc thuộc danh mục thầu tập trung cấp địa phương chưa có kết quả. Đến ngày 30-11-2023, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung địa phương đã có kết quả trúng thầu, nhưng tỷ lệ trúng thầu rất thấp đạt 56,4%.

b) Giải pháp khắc phục của Sở Y tế trong thời gian tới:

- Đến ngày 30-11-2023, Sở Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc tập trung cấp địa phương sử dụng năm 2023 đến năm 2025. Sở Y tế phối hợp Trung tâm Mua sắm tập trung của tỉnh thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các đơn vị ký hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận khung của Trung tâm; thông báo các mặt hàng thuốc chưa lựa chọn được nhà thầu cho các đơn vị biết để có kế hoạch mua sắm sử dụng trong thời gian chờ đấu thầu lại lần 2.

- Tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 5239/UBND-VHXH ngày 22-9-2022 về việc phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc.

- Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện các kế hoạch mua thuốc bổ sung bằng các hình thức khác để giải quyết khẩn vấn đề thiếu thuốc.

- Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung tỉnh khẩn trương tổ chức đấu thầu lại lần 2 các mặt hàng chưa lựa chọn được nhà thầu thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương.

- Bổ sung danh mục thuốc vào Danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương để thuận lợi cho việc điều tiết thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế.

- Cử tri phường 1, phường 7, xã Mỹ Phong và Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) phản ánh thái độ phục vụ bệnh nhân của một số ít nhân viên y tế tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chưa đúng chuẩn mực, khu vực nhà vệ sinh chưa đảm bảo. Đề nghị ngành y tế quan tâm tiếp tục chấn chỉnh để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

- Về thái độ phục vụ bệnh nhân của một số nhân viên y tế tại Khoa Cấp cứu chưa đúng chuẩn mực: Do đặc thù của Khoa Cấp cứu là làm việc khẩn trương, căng thẳng, với cường độ cao, số lượng bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu trung bình mỗi ngày từ 150 - 200 bệnh nhân nên việc tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân với trạng bệnh nặng, nguy kịch… luôn làm cho nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu phải tập trung cao độ trong việc cứu chữa bệnh nhân nên đôi khi có một số lời nói chưa được đúng chuẩn mực đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ chỉ đạo toàn thể nhân viên Khoa Cấp cứu sớm khắc phục tình trạng này.

- Về khu vực nhà vệ sinh tại Khoa Cấp cứu chưa đảm bảo: Hiện tại, toàn bộ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện có 5 nhà vệ sinh phục vụ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân (khu vực chờ phía ngoài: 2 nhà vệ sinh, khu vực giữa dành cho bệnh nhân không trong tình trạng nguy kịch: 1 nhà vệ sinh và khu vực bệnh nặng: 2 nhà vệ sinh).

Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu như đề cập ở trên (chưa tính người nhà bệnh nhân), đặc biệt là vào những giờ cao điểm thì đôi lúc không đáp ứng kịp thời nhu cầu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

(còn tiếp)

 

.
.
.