Thứ Tư, 17/08/2022, 15:24 (GMT+7)
.

Mai này có còn cá để ăn không?

(ABO) Buổi sáng đi bộ thể dục dọc bờ kè sông Tiền, tôi thấy nhiều ghe có giàn treo lưới phía sau, đậu sát bờ. Tôi không rõ những chiếc ghe đó có dùng xung điện để đánh bắt cá hay không, khi thỉnh thoảng tôi được mời mua cá với lời cam đoan cá sông thiệt mới được xuyệt lên.

Câu, chài, lưới, đặt vó, cắm chà, tát đìa… là những cách truyền thống ông bà từ xưa bắt cá. Thời đó khi dỡ chà, tát đìa bắt cá, người ta thả lại tự nhiên những con cá nhỏ. Mấy ông già, bà lão la mấy cậu thanh niên không được dùng vịt con câu rê để bắt cá lóc mẹ, vì bắt xong thì bầy ròng ròng sẽ chết. Thời đó đã xa rồi! Bây giờ cái bình xuyệt có thể giải quyết xong chuyện tát đìa bắt cá, không cần nhiều người. Đánh bắt kiểu tận diệt đó, cả cá bột, cả vi sinh vật… đều chết, nên cá đồng, cá sông thành đặc sản quý hiếm.

Sông, rạch hiện nay không còn nhiều cá, tôm như ngày xưa. Một mặt đất đai được khai phá để trồng trọt, mặt khác do đầu nguồn sông Mê Kông bị đắp đập ngăn nước để làm thủy điện. Nguồn nước phù sa không còn dồi dào như xưa nên tôm, cá cũng không còn phong phú. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực thành công như cho cá đẻ trứng nhân tạo để có thể nuôi những loài cá như cá tra, cá lóc, cá rô, kể cả cá hô… hay người ta thả cá con về với dòng sông, nhưng làm sao có thể bù đắp được khi hàng đêm hàng chục, hàng trăm chiếc ghe với hệ thống xung điện đang chà xát khắp mặt sông để đánh bắt cá, tôm kiểu tận diệt như vậy.

Trên trái đất này cũng có nhiều dân tộc không ăn cá. Đất nước họ không có sông, suối, biển, hồ… Nhưng,  ông bà tổ tiên chúng ta khi ăn cá đã nghĩ đến giữ nguồn cá cho đời sau, chúng ta sẽ trả lời thế nào cho cháu con khi đã tiêu diệt sạch cá lớn, cá nhỏ như vậy. Thiết nghĩ cần phải mạnh tay đấu tranh không khoan nhượng với lối đánh bắt thủy hải sản theo kiểu tận diệt của một số người như hiện nay.   

       NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

 

.
.
.