.

Chuyển động trong ngành Y tế

Cập nhật: 09:59, 19/08/2022 (GMT+7)

Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang triển khai áp dụng thu viện phí không dùng tiền mặt. 	Ảnh: THỦY HÀ
Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang triển khai áp dụng thu viện phí không dùng tiền mặt. Ảnh: THỦY HÀ

Ngành Y tế Tiền Giang cũng đang từng bước chuyển động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

1. Theo đánh giá của Sở Y tế, căn cứ các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách tại Nghị quyết 52, ngày 17-4-2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết 50 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định 749 ngày 3-6-2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo làm cơ sở cho chuyển đổi số ngành Y tế.

Trên địa bàn tỉnh, thực hiện chủ trương chung về chuyển đổi số, ngày 6-10-2021, Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Nghị quyết 08 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Một trong những nội dung quan trọng là ngành Y tế cần đẩy mạnh việc ứng dụng nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, giúp bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao ở tuyến trên hỗ trợ những ca bệnh khó ở tuyến dưới, hạn chế chuyển tuyến, quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên, xây dựng nền tảng quản lý y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu về y tế…

Dựa trên cơ sở pháp lý đã được ban hành, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, Sở đã chủ động, tích cực thực hiện; bởi chuyển đổi số được xem là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài.

Trên cơ sở định hướng chung về chuyển đổi số, trong thời gian qua ngành Y tế trong nước đã triển khai thực hiện chuyển đổi số cụ thể như: Hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (Telehealth) đã hoàn thành và đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã ban hành Đề án “KCB từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 với thông điệp chủ đạo là “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”.

Theo thông tin của Bộ Y tế, hiện đã có hơn 1.000 điểm cầu là các bệnh viện tuyến dưới kết nối trực tuyến với gần 30 bệnh viện tuyến trên để thực hiện các hoạt động tư vấn, KCB toàn bộ 63 tỉnh, thành đã có bệnh viện đăng ký tham gia. Các bệnh viện tuyến trên đã hỗ trợ xử lý kịp thời các ca bệnh khó cho bệnh viện tuyến dưới; đồng thời, các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới đã học hỏi thêm để xử trí các ca bệnh tương tự.

2. Đi cùng với xu hướng chung, ngành Y tế Tiền Giang cũng đã chuyển động mạnh mẽ và có bước phát triển trong ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử và tiến tới chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Tham luận tại hội nghị gần đây về chuyển đổi số, đại diện Sở Y tế cho biết, các hoạt động chính thực hiện của ngành Y tế Tiền Giang trong thời gian qua là duy trì cổng thông tin/trang thông tin điện tử, nâng cấp, cập nhật thông tin kịp thời, đặc biệt trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thống kê gần đây cho thấy đã có hơn 26,5 triệu lượt truy cập; Văn phòng điện tử được thực hiện số hóa 100% văn bản đi và đến, tất cả văn bản đều được tiếp nhận và xử lý trên Văn phòng điện tử (ngoại trừ các văn bản mật).

Song song đó, ngành Y tế cũng đã tập trung ứng dụng phần mềm Dịch vụ công trực tuyến, hiện đã công bố trên Cổng thông tin hành chính công của tỉnh 168 thủ tục, trong đó có 34 thủ tục mức độ 2, 134 thủ tục mức độ 4 (không có thủ tục mức 3).

Bên cạnh đó, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, các cơ sở KCB đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, triển khai các phần mềm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Hệ thống thông tin quản lý bệnh viện cho phép lãnh đạo bệnh viện kịp thời nắm bắt các thông tin hoạt động tại cơ sở KCB; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim tại một số đơn vị; phối hợp Bảo hiểm xã hội đã triển khai thành công 100% kết nối liên thông giữa các cơ sở KCB với hệ thống giám định của cơ quan Bảo hiểm xã hội; triển khai Hệ thống Cơ sở dữ liệu dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc đối với các cơ sở kinh doanh dược; trong lĩnh vực xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời… Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT theo Quyết định 3532 ngày 12-8-2020 của Bộ trưởng Y tế được đẩy mạnh, hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20.

Nhìn nhận về việc ứng dụng CNTT hướng đến mục tiêu chuyển đổi số của ngành trong thời gian qua, dù đã có bước chuyển quan trọng, tuy nhiên phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang gần đây, Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thảo cho biết, thời gian qua cán bộ, công chức, viên chức trong ngành cũng chỉ đơn thuần biết ứng dụng CNTT cơ bản, nên chưa đảm bảo về công tác an toàn thông tin.

Chính vì vậy, Sở Y tế đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm hơn trong công tác tập huấn, đào tạo thêm nguồn nhân lực về quản trị mạng, an toàn thông tin mạng. Đồng thời, trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay ngành Y tế cũng đang gặp vấn đề khó khăn là tất cả các dịch vụ y tế bắt buộc phải nâng lên mức độ 4; nhưng trong đó, dịch vụ KCB không thể nào nâng lên mức độ 4, bởi trong trường hợp cấp cứu, người dân chỉ có thể đến trực tiếp bác sĩ, đơn vị y tế, bệnh viện để thực hiện thao tác cấp cứu, không thể khám bệnh, cấp cứu từ xa được.

Thực hiện chủ trương chung về chuyển đổi số và các chỉ tiêu cụ thể của ngành, ngành Y tế Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử làm cơ sở cho việc chuyển đổi số, một số nhiệm vụ cụ thể như: Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ công việc của công chức trên môi trường Văn phòng điện tử, giảm số hồ sơ công việc lập và lưu hồ sơ giấy, giảm chi phí lưu trữ, thuận tiện trong việc tra cứu; hoàn chỉnh quy định và tiến tới triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, trước mắt tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, sau đó triển khai đủ các tuyến; hoàn chỉnh quy định và triển khai hóa đơn điện tử, chấp nhận thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại tất cả các cơ sở y tế; tiếp tục triển khai mô hình KCB từ xa theo quy định tại các cơ sở y tế, thu hút nhiều hơn người dân tham gia, giảm việc đi đến cơ sở y tế khi không cần thiết. Mục tiêu trước mắt là 50% các trạm y tế xã triển khai nền tảng tư vấn KCB từ xa và đăng ký KCB từ xa; tiếp tục triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế hiện đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam (yte.gov.vn), hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký KCB trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia… hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế. Trên cơ sở này, ngành Y tế Tiền Giang căn cứ quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung chuyển đổi số trong thời gian tới.

A.P - LÊ MINH

.
.
.