.

Tiền Giang: Tạo bước chuyển mới trong cải cách hành chính

Cập nhật: 10:05, 12/08/2022 (GMT+7)

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang trong những tháng đầu năm 2022 tương đối thuận lợi.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Tiền Giang được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần tạo bước chuyển mới hiệu quả hơn.

TỒN ĐỌNG, KHÓ KHĂN

Theo đánh giá chung, xuất phát từ tình hình chung trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên việc thực hiện các chỉ tiêu CCHC có nhiều khả quan, nhiều chỉ tiêu đạt trên 50% và có khả năng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác CCHC vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề vướng mắc, khó thực hiện.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Tiền Giang, một trong những điểm khó là chỉ tiêu giảm 2% số đơn vị sự nghiệp công lập khó đạt theo kế hoạch đề ra do Bộ, ngành Trung ương chậm ban hành các hướng dẫn. Đồng thời, chỉ tiêu có 11% đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên cũng khó đạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập bị giảm sút nhiều…

Về những khó khăn, vướng mắc đối với từng lĩnh vực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương cho biết, nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai đối với người dân và doanh nghiệp ngày càng cao dẫn đến khối lượng công việc của ngành TN-MT cũng tăng theo, trong khi điều kiện biên chế ngày càng giảm.

Tiền Giang đang nỗ lực tạo bước chuyển mới trong CCHC.
Tiền Giang đang nỗ lực tạo bước chuyển mới trong CCHC.

Vấn đề hồ sơ tồn đọng một phần là do cơ quan Thuế giải quyết quá hạn. Theo thống kê hồ sơ giải quyết quá hạn trên phần mềm Một cửa điện tử đến ngày 31-7-2022, tổng số hồ sơ trễ hạn tại cơ quan Thuế là 4.440 hồ sơ. Trong đó, nhiều nhất là tại Chi cục Thuế TP. Mỹ Tho với 4.100 hồ sơ, Chi cục Thuế TX. Gò Công 156 hồ sơ và Chi cục Thuế huyện Châu Thành 83 hồ sơ.

Về giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai ở mức độ 4, đây là phương thức cải cách TTHC công, tạo sự thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu đăng ký về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, phương thức nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc cơ quan đăng ký kiểm tra tính xác thực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất. Để khắc phục vướng mắc, Sở TN-MT đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo tại bộ phận Một cửa của UBND cấp huyện, xã.

Liên quan đến các khó khăn của ngành Thuế, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tiền Giang Nguyễn Quốc Sơn cho biết, trong thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã không ngừng nỗ lực phối hợp với Sở TN-MT, cũng như hiện đại hóa trong công tác quản lý thu thuế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, công tác giải quyết hồ sơ đất đai còn thực hiện trì trệ, tồn đọng rất nhiều hồ sơ, dù đã được triển khai quyết liệt đến các Chi cục Thuế để góp phần cho công tác của Sở TN-MT diễn ra thuận lợi.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2022, còn tồn đọng và trễ hạn là 6.350 hồ sơ. Thực tế, lượng hồ sơ chuyển đến cho các Chi cục Thuế rất nhiều, ước lượng 1 ngày có khoảng 80 - 100 hồ sơ liên quan đất đai được chuyển đến mỗi Chi cục Thuế, nhưng qua rà soát thì định mức để giải quyết hồ sơ với thông tin đầy đủ, chính xác và nhân tố con người thành thục thao tác xử lý thì chỉ hoàn thành khoảng 18 hồ sơ. Mặc dù thời gian qua, ngành Thuế tỉnh đã sắp xếp bố trí nhân sự tập trung thực hiện giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực đất đai, nhưng vẫn chưa có kết quả chuyển biến tích cực.

Liên quan đến tình hình thực tế ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Bảy đánh giá tình hình giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện vẫn còn hồ sơ trễ hạn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của huyện tiếp nhận 1.813 hồ sơ và đã giải quyết 1.709 hồ sơ, trong đó trước hạn và đúng hạn 1.477 hồ sơ, đạt tỷ lệ hơn 86%, còn 104 hồ sơ chờ giải quyết.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai là cơ chế phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với các đơn vị liên quan chưa tốt, việc tìm kiếm hồ sơ gốc gặp nhiều khó khăn; tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, một số viên chức chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng.

Mặt khác, nguyên nhân chủ quan về việc quản lý, theo dõi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thực hiện chưa nghiêm, không kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp chỉ đạo kịp thời hoặc xin ý kiến các cơ quan liên quan giải quyết và chưa có sự đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm đối với viên chức chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ. Đồng thời, tình trạng thiếu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật chưa đồng bộ, thường xuyên lỗi kết nối trong hệ thống, hệ thống dữ liệu về đất đai có độ chính xác không cao và chưa được chuẩn hóa.

QUYẾT LIỆT KHẮC PHỤC

Để khắc phục những hạn chế và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, trong thời gian tới, UBND huyện Châu Thành đã đề ra phương hướng tập trung chú trọng thực hiện có hiệu quả phần mềm Một cửa điện tử, đặc biệt là ở Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Chi cục Thuế để nhanh chóng giải quyết xong các hồ sơ còn tồn đọng thuộc lĩnh vực đất đai.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Vì thế, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và địa phương cần phải quyết tâm khắc phục những hạn chế, khó khăn và nâng cao hiệu quả các chỉ số CCHC; cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra công vụ, để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; củng cố lại và phát huy chuyên đề thi đua về CCHC. Tiếp tục duy trì và củng cố công tác thông tin tuyên truyền về cải cách TTHC và nâng chất nội dung thông tin tuyên truyền trên các trang cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương rà soát lại việc triển khai nghị quyết về CCHC, từ đó tham mưu, đề xuất cho cấp ủy thực hiện và cùng với đó là xây dựng chương trình hành động của cấp ủy để thực hiện nghị quyết đến từng địa phương.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các sở, ngành, chính quyền địa phương đang gặp phải, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị chấn chỉnh công tác đo đạc đất đai nhằm đảm bảo công tác này được triển khai hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ và gắn kết trách nhiệm, triển khai thao tác thẩm tra, thẩm định kết quả hồ sơ đo đạc, để khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đảm bảo tính chính xác. Về vấn đề liên quan đến các hồ sơ trễ hạn giữa Sở TN-MT và Cục Thuế tỉnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ của 2 ngành, tiến hành rà soát các hồ sơ, lên phương án cho các quy trình, thủ tục để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc là nguyên nhân dẫn đến hồ sơ trễ hạn.

LÊ MINH - A.P

.
.
.