.
"CHÌA KHÓA" VẬN HÀNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Bài cuối: Nguồn nhân lực số

Cập nhật: 08:44, 13/10/2022 (GMT+7)

Bài 1: Nỗ lực cải thiện Chỉ số PCI

BÀI 2: Tăng tốc cải cách hành chính

BÀI 3: Bắt nhịp kinh tế số

Bài 4: "Xốc" vào lĩnh vực

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực chiếm ưu thế với nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, nên việc đào tạo kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực số đang giữ vai trò, vị trí quan trọng trong việc vận hành và tạo đột phá trong công cuộc chuyển đổi số ở tương lai.

Đại diện VNPT Tiền Giang hướng dẫn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua VNPT Money cho Tổ công nghệ số cộng đồng.
Đại diện VNPT Tiền Giang hướng dẫn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua VNPT Money cho Tổ công nghệ số cộng đồng.

Tuy nhiên, nhân lực “số” cho ĐBSCL nói chung, Tiền Giang nói riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là năng suất lao động thấp và thiếu lao động có kỹ năng, kỹ thuật tay nghề cao.

CHƯA ĐÁP ỨNG

Khi bàn về nguồn nhân lực cho ĐBSCL, Trưởng nhóm Quản trị Nhà nước kiêm Cố vấn phát triển số Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam Nguyễn Khánh Cẩm Châu nhận định, thời gian qua, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của chuyển đổi số và kinh tế số, nhưng sự tham gia của các tỉnh, thành ĐBSCL vào nền kinh tế số và thương mại điện tử còn hạn chế, dẫn đến khu vực này còn thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật số. Theo USAID thống kê, với 430.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nguồn nhân lực CNTT khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 5%, tỷ lệ này còn rất thấp so với tiềm năng của các tỉnh trong khu vực, bởi vì lực lượng lao động của khu vực chiếm từ 18% - 19% lực lượng lao động của cả nước.

Tính đến tháng 8-2022, nguồn nhân lực chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang, gồm: 1 Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, với 25 thành viên; 11 Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện, với 175 thành viên; 172 Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số xã, với 2.121 thành viên; 1.022 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 5.954 thành viên; 117 doanh nghiệp kinh doanh CNTT; 2.666 lao động trong các doanh nghiệp kinh doanh CNTT; trong đó, có 5 doanh nghiệp làm việc tại MeKong ITP (Công ty JKA, Sharework, Công ty cổ phần S3, VNPT IT khu vực 3 và Trung tâm CNTT) với 280 Kỹ sư, nhân viên CNTT, nhu cầu tuyển dụng khu MeKong ITP đến năm 2025 là 500 người.

Trong khi đó, nguồn nhân lực có nhu cầu chuyển đổi số ở các trường đại học trong khu vực, tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp hiện có 7/8 trường đại học đào tạo các ngành CNTT, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Điện tử và Tự động hóa, với khoảng 900 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.

Nhìn từ khía cạnh khác, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Dũng cho biết, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hầu hết các chỉ tiêu về nguồn nhân lực của Việt Nam đều đang ở mức thứ hạng thấp. Về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp hạng thứ 70/100, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia.

Nhìn một cách tổng thể hơn, về chỉ số lao động có chuyên môn cao, Việt Nam thuộc nhóm cuối bảng với thứ hạng 81/100, đây là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong việc tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số. Chỉ số về chất lượng đào tạo nghề cũng ở mức thấp với thứ hạng 80/100 và trong khu vực ASEAN cũng chỉ đứng trước vị trí 92 của Campuchia. Ngoài ra, một số chỉ số khác về nguồn nhân lực của Việt Nam đều ở mức thấp và không ổn định.

Theo WEF, chỉ số vốn nhân lực Việt Nam năm 2018 chỉ đạt 0.67 điểm, xếp thứ 48 trên 157 nước tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh tài năng (TCI) của Việt Nam mới đạt 33,41 điểm, xếp thứ 92/125, tuy cao hơn so với điểm trung bình của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng thấp nhất trong số 8 nước Đông Nam Á tham gia xếp hạng. Trong 5 năm, TCI của Việt Nam bị tụt hạng 10 bậc, từ vị trí thứ 82/103 vào năm 2013 xuống vị trí 92/125 vào năm 2018.

Còn theo kết quả công bố ngày 30-3-2022 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Vấn đề lao động trong chuyển đổi số về thách thức và giải pháp” cho thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện khá dồi dào, đứng thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Một điểm đáng lưu ý là mặc dù có số lượng lớn, nhưng nguồn nhân lực Việt đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017 và thuộc nhóm các nước có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Tỷ lệ lao động có trình độ chỉ chiếm hơn 26% lực lượng lao động và năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Với trình độ hiện tại, nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số.

ĐÀO TẠO KỸ NĂNG SỐ

Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang Võ Ngọc Hà nhận định, chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở giáo dục đại học, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học, từ đó mang lại lợi ích tốt hơn cho người học.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, nhằm chuyển đổi nhận thức trong giáo dục đại học góp phần phát triển nguồn nhân lực số, Trường Đại học Tiền Giang đã phổ biến, quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 cho đội ngũ quản lý, viên chức toàn trường.

Hiện nay, Trường Đại học Tiền Giang sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến sẵn có để triển khai các hoạt động giảng dạy như sử dụng nền tảng ENGO để dạy Tiếng Anh, cùng với chức năng dạy trực tuyến cho hệ thống tích hợp thông tin của trường.

Trường cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn trong cán bộ, giảng viên và sinh viên sử dụng các nền tảng, phần mềm trực tuyến sẵn có như Quickom, Zoom, Google Meet, Microsoft Team. Bên cạnh đó, Trường Đại học Tiền Giang đã giới thiệu cho cán bộ, viên chức cài đặt và sử dụng các ứng dụng tiện ích TienGiangS, TienGiangG; các dịch vụ công trực tuyến được tỉnh cung cấp và các phương thức thanh toán học phí, tiền lương không dùng tiền mặt…

Để hỗ trợ Việt Nam giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số và tìm lời giải cho các thách thức về chất lượng nguồn nhân lực ảnh hưởng đến quá trình phát triển khu vực ĐBSCL, thời gian tới, USAID Việt Nam sẽ liên kết hợp tác với các tổ chức đối tác tại các tỉnh ĐBSCL nhằm phát huy tiềm năng phát triển của vùng và lợi thế của từng tỉnh trong khu vực.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Dũng cho biết, thời gian tới sẽ tích hợp nội dung chuyển đổi số trên các nền tảng học trực tuyến VNPT E-Learning, ViettelStudy, Quickom/Tutorica cho phép người dân truy cập miễn phí để tự học các kỹ năng số. Các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào nội dung, học liệu trên nền tảng để thực hiện giảng dạy, phổ cập kỹ năng số; đồng thời, các doanh nghiệp phát triển nền tảng trực tuyến VNPT E-Learning, ViettelStudy, Quickom/Tutorica sẽ xây dựng kho học liệu số phù hợp với các tiêu chuẩn trên nền tảng.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng sẽ triển khai thực hiện các chương trình đào tạo mang tên “Giảng viên nguồn” nằm trong khuôn khổ hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp”, tài trợ bởi USAID, khóa huấn luyện được Học viện Chuyển đổi số IM Group tổ chức cho đối tượng giảng viên chuyển đổi số nhằm phát triển nguồn nhân lực số cho khu vực ĐBSCL; phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục sáng tạo châu Á tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ Điện toán đám mây AWS Cloud Oractioner và AWS Cloud Solutions Architect cho đội ngũ CNTT và chuyển đổi số trong khu vực ĐBSCL; xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho các tổ chuyển đổi số cộng đồng; đồng thời, phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng TienGiangS, TienGiangG…

Song song đó, Tiền Giang cũng lập kế hoạch thuê tư vấn để xây dựng Đề án “Giáo dục đại học số” tại Trường Đại học Tiền Giang. Theo đó, triển khai mạng lưới hệ thống thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, sau đại học ở các lĩnh vực, ngành, nghề mở thêm chuyên ngành đào tạo hoặc cập nhật, bổ sung nội dung đào tạo về chuyển đổi số; đồng thời, đổi mới chương trình đào tạo và tăng chỉ tiêu đào tạo đối với các ngành công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa các chuyên ngành đào tạo gắn với nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

MINH QUANG - A.P

 

 

 

 

.
.
.