Thứ Ba, 14/08/2012, 08:05 (GMT+7)
.

Thực hiện NQTW4: Đề xuất giải pháp thực hiện tự phê bình và phê bình

Trong những năm gần đây, nhất là từ khi nước ta mở cửa, hội nhập, còn một ít chi, đảng bộ cơ sở lơi lỏng sinh hoạt tự phê bình và phê bình - một trong ba nội dung sinh hoạt Đảng (sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập và sinh hoạt phê bình, tự phê bình).

Sinh hoạt phê bình, tự phê bình dường như thường được ghép vào sinh hoạt lãnh đạo, với những nhận xét chung chung về chất lượng cán bộ, đảng viên hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và bình xét phân loại đảng viên cuối năm; cho nên sinh hoạt tự phê bình và phê bình chưa phát huy tốt trong Đảng.

Một số tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên có sai lầm, khuyết điểm nhưng không được phê bình, nhắc nhở kịp thời, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng; hoặc tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc, biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi “vuốt ve”, “ca tụng” lẫn nhau hoặc “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Ban chấp hành TƯ. Người nói về vấn đề mở rộng tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng (Hà Nội ngày 12 - 3 - 1955).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương. Người nói về vấn đề mở rộng tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng (Hà Nội ngày 12-3 -1955).

Để Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đi vào cuộc sống, từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xin đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng như sau:

1. Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng: Là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”.

Do đó, để thực sự trong sạch, vững mạnh, Đảng ta yêu cầu mọi tổ chức cơ sở Đảng, mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình; trong đó đặc biệt chú ý đến tự phê bình và phê bình từ trên xuống dưới, cán bộ lãnh đạo phải làm gương cho cấp dưới, phải thể hiện đúng bản lĩnh của người cán bộ cách mạng. Có như vậy cán bộ, đảng viên, nhân viên cấp dưới của mình mới “tâm phục, khẩu phục”.

2. Phải có tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau: Tự phê bình và phê bình vừa mang tính cách mạng và khoa học, vừa mang tính nhân văn, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện. Do đó, tự phê bình và phê bình đòi hỏi tính Đảng, tính nguyên tắc cao, phải khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, công khai, có lý, có tình; cần tránh hiện tượng thổi phồng hoặc bóp méo sự thật và đặc biệt là cần tránh thành kiến, định kiến, thái độ ghen ghét, ganh tỵ với cá nhân nào đó để rồi luôn chú tâm đến những khuyết điểm của họ, cho dù đó chỉ là một khuyết điểm nhỏ cũng đem ra cuộc họp chi bộ để phê bình; còn những việc làm tốt, cách làm hay thì chẳng để ý, chẳng khen ngợi, chẳng quan tâm học hỏi.

3. Phải tự đặt mình vào vị trí của người khác để phê bình: Theo lẽ thường tình thì ai cũng muốn được khen, không muốn bị phê bình, muốn người khác nói tốt về mình và muốn nói về những cái tốt của mình hơn là nói về những điều chưa tốt, những thiếu sót của mình. Đây là một hạn chế, một trở lực, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thành khẩn, phải biết lắng nghe, phải không ngừng học hỏi và rèn luyện đạo đức cách mạng. Nếu cán bộ, đảng viên không tự xem xét, không tự phê bình mình thì không bao giờ tiến bộ được.

4. Phải thực sự khách quan, công tâm, đánh giá cán bộ phải thể hiện quan điểm toàn diện trên từng mặt ưu điểm và khuyết điểm: Bản thân người phê bình không nên quên trách nhiệm: Phê bình xây dựng, phê bình để người ta nhận ra những ưu điểm, những kết quả tốt đẹp và đồng thời nhận ra sai sót, khuyết điểm chứ đừng làm người ta mặc cảm.

Trước khi phê bình, cần phải kiểm điểm lại bản thân mình có nóng giận, có thành kiến cá nhân không? Vì rằng, tất cả những điều này sẽ bộc lộ rõ trong thái độ, lời nói, đối tượng và những người trong cuộc họp sẽ nhận ra ngay. Khi phê bình cần nắm vững thực chất của vấn đề, xác định rõ mức độ, yêu cầu của việc phê bình, lựa chọn phương pháp, cách thức, lời lẽ thích hợp, tránh gây “phản cảm” cho người bị phê bình.

Ngược lại, nếu phê bình không có phương pháp, không có tinh thần đồng chí, tinh thần xây dựng thì chẳng những phản tác dụng mà còn làm cho người bị phê bình cảm thấy khó chịu, khó tiếp thu, dễ sinh ra tự ái, từ đó dẫn đến nhụt chí, không muốn phát huy năng lực.

Việc phê bình không đúng phương pháp sẽ trở thành hành động có tính chất trù dập, thậm chí là hại người chứ không phải mong muốn đối tượng bị phê bình ngày càng tiến bộ theo đúng nghĩa của nó và chính bản thân người phê bình cũng đã tự làm mình trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, tầm thường.

5. Mở rộng dân chủ trong Ðảng, dân chủ một cách thật sự: Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy cần nêu gương, khuyến khích cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình, mạnh dạn nhận khuyết điểm, yếu kém của mình để sửa chữa. Trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, các cấp ủy đảng thực hiện nền nếp, chất lượng việc chất vấn, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và nêu cao tính chiến đấu nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng.

Trong công việc hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên hãy tự giác học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không đao to, búa lớn, nhưng cũng không được làm qua loa, chiếu lệ mà phải coi tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên, hằng ngày.

Muốn làm tốt các nhiệm vụ trên, phải xây dựng cơ chế quy định cụ thể chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng, nhất là ở chi bộ, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh Đảng; khẳng định hiệu quả của chế độ tự phê bình và phê bình phần lớn phụ thuộc vào cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Mỗi tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên cần xem việc tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng là “luật”, là “quy luật”, là “vũ khí sắc bén” làm cho Đảng trong sạch vững mạnh thì mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đưa Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đi vào cuộc sống.

PHẠM DŨNG
(Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

.
.
.