Thứ Sáu, 19/10/2012, 13:29 (GMT+7)
.

Những mô hình “dân vận khéo” tiêu biểu ở Cai Lậy

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua ở huyện Cai Lậy đã có những mô hình “dân vận khéo” tạo hiệu ứng xã hội tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người dân và cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

1. Khéo thực hiện mô hình “Khu vườn tình thương”

Ông Nguyễn Văn Lình thăm “Khu vườn tình thương” của ông Ngô Văn Trong ở ấp Thanh Hưng.
Ông Nguyễn Văn Lình thăm “Khu vườn tình thương” của ông Ngô Văn Trong ở ấp Thanh Hưng.

Từ năm 2007, xã Thanh Hòa triển khai thực hiện mô hình “Khu vườn tình thương”, hỗ trợ hộ nghèo khá độc đáo từ ý tưởng của ông Nguyễn Văn Lình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, thành viên Ban Xóa đói giảm nghèo xã.

Đối tượng hướng đến là hộ nghèo có người già yếu, neo đơn, bệnh tật, không có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh và ít đất canh tác.

Mỗi “Khu vườn tình thương” được hoàn thành là công sức của cả tập thể. Bắt tay xây dựng “Khu vườn tình thương”, các hội viên Hội Chữ thập đỏ vận động người dân xung quanh hỗ trợ cây giống, với những giống cây trồng có sẵn trong vườn.

Hộ nghèo nào không có khả năng lao động, hội viên trực tiếp làm đất, trồng, chăm sóc để khi vườn cây cho thu hoạch tạo nguồn thu nhập nhất định để gia đình xoay xở sinh hoạt hàng ngày.

Mô hình ý nghĩa này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân thông qua việc đóng góp trực tiếp cây giống hoặc hỗ trợ kinh phí mua cây giống. Từ vườn cây đầu tiên tại hộ bà Nguyễn Thị A (ấp Thanh Hiệp), đến nay xã Thanh Hòa đã vận động trên 1.200 cây giống, xây dựng 56 “Khu vườn tình thương” với tổng diện tích 1,9ha cho hộ nghèo.

2. Khéo vận động nhân dân treo và thờ ảnh Bác

Ông Phan Thanh Liêm, cán bộ hưu trí khu phố 3,  thị trấn Cai Lậy bên bàn thờ Bác Hồ tại gia đình.
Ông Phan Thanh Liêm, cán bộ hưu trí khu phố 3, thị trấn Cai Lậy bên bàn thờ Bác Hồ tại gia đình.

Phát động từ giữa năm 2008, chỉ trong thời gian ngắn đã có 98% hộ dân thị trấn Cai Lậy thực hiện việc treo và thờ ảnh Bác Hồ.

Để tạo phong trào rộng khắp, ngay sau khi phát động, thị trấn Cai Lậy đã tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên làm gương trước dân.

Việc treo ảnh Bác như cách nhắc nhở bản thân học và làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực trong cuộc sống hằng ngày.

Cán bộ các khu phố còn đến từng hộ dân hướng dẫn, giúp người dân treo ảnh Bác ở vị trí trang trọng nhất và tặng ảnh Bác cho những hộ nghèo, gia đình chính sách.

Ông Phan Thanh Liêm, cán bộ hưu trí ở khu phố 3 bộc bạch: “Bác không có gia đình riêng, gia đình của Bác là dân tộc Việt Nam nên khi treo ảnh Bác, tôi luôn nghĩ Bác như một người thân trong gia đình!...”.

“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” - ảnh Bác hiện diện ở vị trí trang trọng trong từng gia đình, cơ quan, công sở ở thị trấn Cai Lậy cũng là cách người dân thị trấn bày tỏ tình cảm kính yêu dành cho vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ngày càng lan tỏa rộng khắp trong cuộc sống đời thường.

3. Khéo huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

Tuyến đường liên ấp Bình Hòa A theo chuẩn nông thôn mới vừa hoàn thành từ đóng góp của người dân.
Tuyến đường liên ấp Bình Hòa A theo chuẩn nông thôn mới vừa hoàn thành từ đóng góp của người dân.

Tuyến đường bê tông thẳng tắp đi qua ấp Bình Hòa A hoàn thành cách đây chưa lâu đánh dấu kết quả “dân vận khéo” của xã Tam Bình trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Thi là người dân trong xã cho biết, được lãnh đạo xã triển khai thực hiện Dự án mở rộng đường liên xóm Bình Hòa A, bà không ngần ngại hiến 300m2 đất vườn để tuyến đường nhanh chóng hoàn thành.  

Năm 2011, Tam Bình được tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới, lãnh đạo xã đã tuyên truyền ra dân ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia này. Trong đó, nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và người dân sẽ trực tiếp hưởng lợi.

Công khai, dân chủ nên khi khởi động xây dựng nông thôn mới bằng việc vận động dân hiến đất mở rộng các tuyến đường đầu tiên, 482 đảng viên và hộ dân đã hiến 30.357m2 đất với trị giá gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn tự nguyện di dời hàng rào, giải phóng mặt bằng để công trình thi công đúng tiến độ.

Kinh tế vườn là nguồn lợi chính của người dân Tam Bình, vì thế mỗi công đất vườn hiện nay có giá trị rất lớn, nhưng bà con đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xã nông thôn mới, sẵn sàng hiến đất làm đường.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình: “Trong các cuộc họp dân, cán bộ các ấp đều giải thích rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới. Về các khoản đóng góp, hiến đất mở rộng đường, lãnh đạo xã phát huy tinh thần tự nguyện, dân chủ nên nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, lãnh đạo xã khích lệ tinh thần thi đua giữa các ấp, ấp nào vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng sớm sẽ được ưu tiên kinh phí thi công các tuyến đường…”.

***

Để thực hiện thành công những mô hình “dân vận khéo”, mỗi ấp, xã có cách vận động khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.

Kinh nghiệm cho thấy, tinh thần tiên phong, gương mẫu và sự kiên trì, gần gũi để lắng nghe ý kiến người dân của cán bộ, đảng viên đã tạo niềm tin, sự đồng thuận cao. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện Cai Lậy có thêm những mô hình “dân vận khéo” đạt hiệu quả cao hơn trong những năm tiếp theo.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.