Thứ Năm, 11/04/2013, 09:50 (GMT+7)
.

Pháo đài vây bót của đội du kích xã Anh hùng

Giữa năm 1960, khí thế nổi dậy đồng khởi ở xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo đã làm cho tề xã hoang mang, ban đêm phải “tản cư” ra ngủ ngoài chợ Tịnh Hà, sáng mới dám trở về trụ sở - cũng là đồn dân vệ Phú Hòa, còn gọi là đồn Sư Nghĩa.

Đầu tháng 7-1960, xã phối hợp với lực lượng vũ trang huyện tổ chức đánh đồn Sư Nghĩa, diệt 1 lính thông tin, không lấy được đồn nhưng lính đồn hoang mang tột độ, rã ngũ hết. Liền đó quận trưởng Tân Hiệp chỉ đạo cho đại diện Hội đồng xã Nguyễn Ngọc Phu, là một đảng viên hợp pháp được cài cấm vào bộ máy tề xã của địch năm 1957 - phải gom lính để củng cố lại đồn Sư Nghĩa.

Tức thì lãnh đạo xã Trung Hòa cung cấp danh sách 14 đối tượng là cán bộ nòng cốt, thanh niên quần chúng tốt cho đại diện Phu bắt vào lính; được đưa lên quận huấn luyện 1 tháng, trang bị súng, đưa về chốt đóng đồn Sư Nghĩa cùng với tên trưởng đồn Hai Học ác ôn.

Tối ngày 15-9-1960, mẹ Hai Nguyễn Thị Sa cùng với 2 du kích hóa trang phối hợp với lực lượng bên trong bắn thằng Hai Học, giải phóng đồn, thu 11 súng với hơn 5.000 viên đạn. Dân vào ban đồn trong đêm. Lính đồn Sư Nghĩa quay ra làm du kích. Trung Hòa, xã đầu tiên giải phóng. Chiến công đầu ấy đã tạo ra khí thế tiến công địch không ngừng của quân và dân xã Trung Hòa.

Địch chốt trở lại đồn Sư Nghĩa. Du kích tiếp tục bao vây cô lập đồn. Từ cuối năm 1964, hàng tháng quận Tân Hiệp phải cử 1 đại đội bảo an bung ra án ngữ để cho 1 trung đội bảo an khác xuống trả lương cho lính đồn Sư Nghĩa. Vậy mà cũng không yên, năm 1965 du kích đã 3 lần tổ chức phục kích bọn đi trả lương, diệt hơn 2 trung đội, thu 21 súng, bắt sống 4 tên; gài lựu đạn làm chết và bị thương hơn 20 tên khác.

Trường THCS Tịnh Hà là điểm đến của học sinh các xã: Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Hòa Tịnh và một phần xã Trung Hòa của huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Châu
Trường THCS Tịnh Hà là điểm đến của học sinh các xã: Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Hòa Tịnh và một phần xã Trung Hòa của huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Châu

Cho đến một ngày của tháng giáp tết âm lịch năm 1966, đồng chí Phan Văn Mười Hai, xã đội trưởng họp hết anh em du kích, lúc đó có gần 2 trung đội, đồng chí nói: Mình phải có kế hoạch diệt cho được lính đồn Sư Nghĩa trong lúc này, vì gần tới tết ai cũng nghĩ về gia đình, vợ con; diệt được địch thì sẽ có tác động rất lớn về tâm lý, lính đồn có thể rút chạy.

Sau khi điều nghiên nắm quy luật, đồng chí Mười Hai đã leo lên ngọn dừa nhà ông Năm Lộc, cách đồn 50m đặt khẩu súng phóng lựu tự chế. Sáng ngày 10-1-1966, khi lính tập trung chào cờ ngoài sân, tổ du kích trực vây đồn giật nụ xòe, quả lựu đạn bay thẳng vào giữa đội hình lính làm chết và bị thương 5 tên, trong đó có trưởng đồn. Ngay sau đó, địch điều động 1 tiểu đoàn bảo an, có xe tăng yểm trợ vào giải tỏa, lấy thương.

Thắng lợi nhưng sau tết đồn địch vẫn chưa rút. “Thấy cái đồn như còn gánh nợ”, đồng chí Mười Hai cứ ray rức, nhớ lại trận đặt súng tự chế trên ngọn dừa, đồng chí tự hỏi: Sao không xây dựng một pháo đài thay cho việc trèo lên ngọn dừa? Ý tưởng xây pháo đài được đồng chí đưa ra cấp ủy xã bàn, không ngờ được cấp ủy ủng hộ và còn đưa ra cả chi bộ bàn xây dựng phương án kế hoạch thực hiện.

Những tháng giữa năm 1967, chi bộ lãnh đạo tổ chức dân công, lấy lực lượng vũ trang xã làm nòng cốt đào tuyến đường chiến hào sâu 1,5m, dài hơn 1.500m từ địa hình ấp Trung Chánh lên cách đồn Sư Nghĩa non 100m. Sử dụng hơn 1.000 bao đất xây 2 pháo đài, mỗi pháo đài cao 4m tại khu vực đìa ông Tám Biên. Chỉ hơn 1 tháng dồn sức lao động của hàng ngàn lượt bà con và anh em du kích trong xã thì thế trận chiến mới đã hoàn thành với hàng chục tuyến hầm chông hố chông, lựu đạn và rào rấp bảo vệ.

Bị bao vây siết chặt hơn, lính không còn ra được khỏi đồn. Hàng tháng trời lính đồn chỉ chờ ngày phát lương để tiếp tế lương thực. Khi cả xã mở cuộc vận động nhân dân gài bắt chuột, hàng ngàn con chuột bị đập chết, du kích đột kích vào, ném xác chuột xuống mương hàng rào quanh đồn, nước không còn sử dụng được buộc địch phải tiếp tế đến nước uống, nước nấu ăn cho lính.

Ngày 23-8-1967, một tên lính trong đồn liều mạng mở cửa đồn ra ngoài liền bị du kích từ trên pháo đài bắn chết. Bọn trong đồn mò ra kéo xác vào. Suốt 3 ngày từ 24 tới 26-8, bảo an Tân Hiệp liên tục bị du kích chận đánh không vào được tới đồn để lấy xác.

Sáng ngày 28-8, tiểu khu Định Tường phải đưa 1 tiểu đoàn bảo an tỉnh, có máy bay, pháo binh yểm trợ, chia làm 2 cánh đánh vào pháo đài. Từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều địch tổ chức 5 đợt xung phong, giữa mỗi đợt địch cho máy bay ném bom, hết bom tới pháo, hàng ngàn quả bom pháo phá gần như hủy diệt địa hình nhưng cả 5 đợt xung phong của địch đều đã bị du kích đánh bật ra, diệt và làm bị thương 27 tên. Không phá được 2 pháo đài, địch cho vào lấy xác trong đồn rồi rút lui.

Không thể chịu nổi sức ép vây lấn của du kích, một đêm cuối tháng 10-1967 trời tối đen như mực, lính đồn Sư Nghĩa không dám mở cửa mà cắt rào lội êm ra sông Bảo Định, long dưới sông trốn về Tân Hiệp. Sáng ra du kích leo lên pháo đài quan sát, thấy đồn vắng lặng, du kích liền cho quần chúng nắm tin: Chúng chạy mất hồi nào rồi. Chi bộ lãnh đạo ngay hàng trăm dân công vào ban đồn. Xã Trung Hòa giải phóng lần thứ hai.

Năm 1979, lực lượng vũ trang xã Trung Hòa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.