Thứ Sáu, 13/09/2013, 05:50 (GMT+7)
.

Má Tám Mai Thị Út: Mưu trí, dũng cảm trong thầm lặng

Má Tám Mai Thị Út sinh năm 1912, quê quán xã Mỹ Hạnh Trung (Cai Lậy), trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng. Má Tám hoạt động cách mạng từ năm 1939, tham gia Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, vào Đảng năm 1941. Má là một trong những người dẫn đầu lực lượng giành chính quyền tháng 8-1945 ở Cai Lậy.

Kháng chiến chống Pháp, má Tám làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, tham gia Hội Mẹ chiến sĩ, chăm sóc thương binh, bộ đội, vận động đông đảo thanh niên tòng quân giết giặc và tích cực xây dựng chính quyền.

Trong những năm  1955 - 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố tàn bạo phong trào yêu nước, má Tám cùng chi bộ, các đoàn thể quần chúng xây dựng lực lượng và tổ chức phong trào Đồng khởi, làm chủ nhiều xã. Má Tám vận động xây dựng “đội quân tóc dài” hùng mạnh, đấu tranh trực diện hàng trăm cuộc, quyết liệt chống địch càn quét, bình định, phá tan nhiều ấp chiến lược tại các xã Bắc Cai Lậy.

Đầu năm 1961, má Tám nhận nhiệm vụ mới quan trọng, đầy hiểm nguy: Làm giao liên hợp pháp của tỉnh Mỹ Tho và Khu 8 Nam bộ. Má bắt tay xây dựng đường dây trên địa bàn. Địch bố phòng bộ máy kềm kẹp đồ sộ, dày đặc, tàn bạo, tinh vi... để chống phá cách mạng, đàn áp đồng bào yêu nước.

Trước hoàn cảnh ấy, má Tám vẫn kiên trung, khéo léo vượt qua. Trong nhiều năm làm chiến sĩ giao liên, má Tám đã đưa rước hàng trăm lượt, bảo vệ an toàn cả ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ đi công tác, chiến đấu; chuyển hàng ngàn chỉ thị, công văn, tài liệu, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo.

Trong những năm 1969 - 1972, cuộc chiến diễn biến phức tạp và lượng vũ khí phục vụ chiến đấu trong quân khu bị hạn chế. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, má Tám được giao nhiệm vụ tổ chức vận chuyển vũ khí. Má bí mật đóng chiếc ghe hai đáy, cải trang làm người dân mua bán trên sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười, Bến Tre, Long An dò mở đường và liên hệ nhận hàng.

Trên trời máy bay bầy, trên bộ đồn bót dày đặc, trên sông - kinh - rạch tàu địch như bèo..., má Tám vẫn cảm tử vận chuyển hàng ngàn chuyến vũ khí, thuốc trị bệnh như một huyền thoại.

Đầu năm 1974, má Tám cải trang làm người dân mua bán, chèo xuồng đi dò mở đường mới, bất ngờ bị địch nghi, bắt giữ. Qua hai ngày đêm địch dùng mọi cực hình, nhưng  không khuất phục được má. Đông đảo cô bác kéo đến bao vây bót đấu tranh quyết liệt, buộc địch trả tự do cho má. Về nhà chưa kịp dưỡng thương, má tiếp tục tham gia vận chuyển vũ khí, phục vụ kịp thời cho quân khu trong tình hình mới.

Má đã đi xa, để lại bao niềm thương tiếc, tự hào của nhiều người.

LÊ NGỌC HÂN

.
.
.