Thứ Sáu, 29/11/2013, 09:07 (GMT+7)
.

Đại biểu Trần Văn Tấn: Đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Buổi chiều ngày 22-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) đóng góp những nội dung cụ thể sau:

I. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

Một là, tại Khoản 16 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Theo đại biểu Trần Văn Tấn, ý nghĩa pháp lý của chứng thư này nếu chỉ dừng lại ở việc để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chưa thật đầy đủ, vì tại Khoản 6, Điều 166 về quyền chung của người sử dụng đất có quy định: “Được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến QSDĐ hợp pháp của mình”.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, thể hiện lại nội dung quy định tại Khoản 16 như sau:“Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và thực hiện quyền bảo hộ đối với người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan”.

Hai là, tại Khoản 24 quy định: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất”, giải thích như vậy là chưa cụ thể, rõ ràng, chưa có sự phân định cụ thể giữa “tranh chấp đất đai” và “tranh chấp QSDĐ”,  vì:

Thứ nhất, tại Điều 5 dự thảo luật quy định: Người sử dụng đất (bao gồm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tổ chức Nhà nước có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, nhận chuyển nhượng QSDĐ. Còn các đối tượng đang sử dụng đất nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ đất thì không được xem là người sử dụng đất và không có các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Thứ hai, Điều 203 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sau khi hòa giải không thành thì lại quy định: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận và tranh chấp đất đai không có giấy chứng nhận”.
Do vậy, để quy định được thống nhất, đề nghị nội dung giải thích “tranh chấp đất đai” được thể hiện cụ thể như sau: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của một trong các bên là người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, nhận chuyển nhượng QSDĐ đối với phần đất đang tranh chấp”.

Ba là, tại Khoản 29 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có QSDĐ chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế QSDĐ”.

Với nội dung quy định như dự thảo ở khoản này, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể hơn về hộ gia đình như giải thích từ ngữ vừa nêu và có đầy đủ nghĩa vụ theo Điều 167 của dự thảo luật. Nếu trong hộ có thành viên qua đời thì QSDĐ của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật (Điểm d Khoản 1, Điều 179).

Tuy nhiên, việc thừa nhận để lại thừa kế QSDĐ của thành viên hộ gia đình trong thực tế gặp nhiều khó khăn, như đơn cử trường hợp: Một người con đã lập gia đình và tách hộ khẩu thì còn được xem là thành viên của hộ gia đình không? Và người con đó có quyền lập di chúc để lại thừa kế phần đất của mình cho một người xa lạ khác không?

Thực tế, câu hỏi này đã khiến nhiều cơ quan chức năng thực thi pháp luật lúng túng, kể cả cơ quan tòa án trong xét xử các vụ án dân sự. Nếu theo tiêu chí hộ khẩu thì câu trả lời là không. Nếu theo căn cứ huyết thống thì kết quả là có. Còn nếu căn cứ vào Bộ luật Dân sự (BLDS) làm gốc thì hộ gia đình trong Luật Dân sự là chủ thể của Luật Đất đai hay hộ gia đình trong Luật Đất đai là chủ thể của Luật Dân sự?

Vì vậy, để những vấn đề diễn ra trong thực tế được pháp luật điều chỉnh, đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể cá nhân của người có QSDĐ trong hộ gia đình ở độ tuổi nào? (từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) hay có tên trong hộ gia đình ngay thời điểm Nhà nước giao đất là phải ghi vào giấy chứng nhận QSDĐ và quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tách hộ.

Bốn là, đề nghị bổ sung vào điều này nội dung giải thích khái niệm “hiến đất”. Vì hiện nay trên cả nước có nhiều người tự nguyện hiến đất thuộc quyền sử dụng của họ để xây dựng trường học, xây dựng các công trình giao thông, các công trình khác vì mục đích công cộng…, đó là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Do vậy dự án luật cần bổ sung điều, khoản quy định đối với trường hợp người dân hiến đất để tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, hiệu quả trong cả nước, hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

II. Về bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 77)

Hiện nay, Việt Nam với 3.000 Km bờ biển và diện tích đất bãi bồi ven sông rất lớn, diện tích đất bồi và mặt nước có thể sử dụng để mưu sinh, phát triển kinh tế ở nước ta vô cùng lớn nên việc lấn biển, bãi bồi ven sông của người dân để sinh sống trong thời gian qua diễn ra thường xuyên và trên diện rộng; một cái bờ bao có thể đắp đi, đắp lại hàng chục lần, rồi còn kè, còn cống lấy nước, cống bơm nước, phải xây lều trong đầm… với khoản đầu tư lớn (từ nguồn vốn tự có hoặc vốn vay ngân hàng).

Vì vậy, đề nghị bổ sung Điểm d Khoản 1 Điều 77 nội dung quy định: “Đối với đất khai hoang, lấn biển, đất bãi bồi ven sông thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” thì người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức đang thực hiện yên tâm tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế.

III. Về những hành vi bị cấm (Điều 12)

Thứ nhất, đề nghị xem xét và thể hiện lại các nội dung quy định tại các Khoản 3, 4, 7, 9 của điều này. Vì nếu quy định “cấm không được thực hiện” nghĩa là tổ chức, cá nhân có quyền thực hiện, như vậy “cấm là không cấm”. Với ý nghĩa đó, tôi đề nghị thể hiện các khoản này như sau:

"3. Vi phạm mục đích sử dụng đất được giao.

4. Vi phạm các quy định của pháp luật khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

7. Vi phạm các quy định về nghĩa vụ tài chính.

9. Vi phạm các quy định cung cấp thông tin về đất đai.”

Thứ hai, đề nghị bổ sung vào cuối quy định của điều này với nội dung quy định “Chính phủ quy định cụ thể điều này” để Chính phủ có cơ sở quy định trong quá trình tổ chức thực hiện luật.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.