Thứ Tư, 20/11/2013, 08:17 (GMT+7)
.

Kết quả và giải pháp tiếp tục thực hiện NQ 01 của BCT (khóa VII)

Nhìn lại 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” ở Tiền Giang, đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về tầm quan trọng của công tác lý luận, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, sau khi Bộ Chính trị (khóa VII) ban hành Nghị quyết 01-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ; ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp ủy đảng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, vận dụng lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa -
xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác nghiên cứu, làm rõ giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài ra đời đã góp phần làm sáng tỏ hơn một số nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời qua đó củng cố lập trường chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động; vận dụng vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc xây dựng các chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Những vấn đề về thời đại, về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được Tỉnh ủy chỉ đạo nghiên cứu tổng kết; đã tổ chức đánh giá kết quả 20 năm đổi mới (1986 - 2006) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991-2011). Qua đó, tỉnh đã vận dụng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trên các lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng và chính quyền từng bước khắc phục những nhận thức chưa đầy đủ về CNXH.

Về xây dựng hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; cơ cấu tổ chức bộ máy được tinh gọn hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; tính chủ động, năng động, tự chịu trách nhiệm của mỗi cơ quan, đoàn thể các cấp được tăng cường.

Từ năm 2006 đến nay, thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan rộng, đi vào chiều sâu, trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.

Các cấp ủy đảng đã triển khai, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa, đạo đức, con người, trọng tâm là việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Về quốc phòng, an ninh, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, công tác quốc phòng và quân sự địa phương trên địa bàn tỉnh luôn được tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai sâu rộng và đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Về lĩnh vực đối ngoại, trong những năm qua tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo đi học tập kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia, các tập đoàn kinh tế trên thế giới nhằm thu hút nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà, góp phần vào việc thực hiện công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, trong 20 năm qua, song song với việc xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng, tăng cường cả về chất và lượng. Tính đến năm 2012, tỉnh ta có trên 22.000 trí thức, trong đó có 48 nghiên cứu sinh (26 người đã bảo vệ luận án tiến sĩ) và 584 học viên cao học (85 người đã bảo vệ luận văn thạc sĩ); nhiều người đã và đang công tác trên lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy lý luận, tập trung ở các ban Đảng, Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Tiền Giang. Cùng với phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất cho các hoạt động nghiên cứu và quản lý công tác lý luận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị còn một số mặt hạn chế như: Công tác nghiên cứu lý luận, vận dụng, tổng kết thực tiễn chưa bao quát hết các vấn đề thực tiễn đặt ra; công tác nghiên cứu phản bác, đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch chưa kịp thời và hiệu quả; còn có biểu hiện xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị, học tập nghị quyết; công tác giáo dục lý luận chính trị có mặt còn bất cập, chưa có chiều sâu, chưa tập trung đổi mới phương pháp truyền đạt; một số giảng viên, báo cáo viên khả năng phân tích, lý giải những vấn đề lý luận còn hạn chế, chưa gắn lý luận với thực tiễn, nặng về truyền đạt lý luận một chiều.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao Nghị quyết về công tác lý luận, Tỉnh ủy đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong định hướng công tác nghiên cứu lý luận; tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin cho đội ngũ cán bộ, đảng viên;

Chú trọng các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đảng, đoàn thể. Đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở; gắn việc quán triệt nghị quyết của Đảng với việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giảng viên chính trị kiêm chức và lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên; tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, báo cáo; gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa học với hành; thường xuyên cung cấp thông tin, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục lý luận chính trị, đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập trong từng giai đoạn, cho từng đối tượng.

NGUYỄN ÚT
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

.
.
.