.

Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu

Cập nhật: 17:00, 19/03/2014 (GMT+7)

Chiều 18-3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biển đổi khí hậu (BĐKH). Tham gia buổi làm việc về phía tỉnh, có ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tại buổi làm việc, ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường báo cáo với Đoàn về thực trạng, các giải pháp triển khai và kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống BĐKH. Theo đó, trong thời gian qua, ngoài các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, tỉnh Tiền Giang cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật ứng phó BĐKH phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo báo cáo, ngay những năm đầu của thế kỷ 21, một số biểu hiện bất thường của BĐKH đã được ghi nhận tại Tiền Giang thể hiện qua các thông số khí tượng đo đạc và so sánh như nhiệt độ tăng, số giờ nắng ngày càng nhiều, lượng mưa trung bình hàng năm giảm; tình hình ngập lũ, xâm nhập mặn đi sâu vào nội địa. Tầng số xuất hiện của các biểu hiện bất thường này cũng ngày càng dày hơn, các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra thường xuyên hơn; cường độ và mức độ thiệt hại ngày càng lớn hơn.

Cụ thể, 5 năm qua, điều kiện khí hậu thủy văn diễn biến khá phức tạp so với quy luật, tình hình thiên tai lũ lụt, bão, lốc xoáy xảy ra liên tiếp, tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn khá nghiêm trọng vào mùa nắng tại vùng nhiễm mặn Gò Công và vùng nhiễm phèn Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước. Vùng bị ngập lụt của tỉnh trải rộng trên diện tích 140.000 ha. Nước  mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền cách cửa biển 60-70 km.

Ứng phó với các diễn biến trên, thời gian qua, tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật trong công tác ứng phó BĐKH. Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, bước đầu khởi động góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH; đã đánh giá được những tác động của BĐKH đến môi trường tự nhiên và xã hội, đề ra mục tiêu và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó và giảm thiểu tác động xấu do BĐKH gây ra.

Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát đoạn đê biển xung yếu Gò Công 1 (Gò Công Đông).
Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát đoạn đê biển xung yếu Gò Công 1 (Gò Công Đông).

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên những khó khăn trong quá trình triển khai công tác phòng, chống BĐKH. Qua đó, ông Nguyễn Văn Khang kiến nghị với Quốc hội, Trung ương: Cần có luật về ứng phó với BĐKH; tăng cường nguồn lực đầu tư các công trình ứng phó với BĐKH, đặc biệt là nâng cấp đê biển. Đê biển Tiền Giang đang bị xâm thực rất nhanh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung ương ủng hộ cho tỉnh thực hiện dự án kè mềm, gây bồi trồng rừng phòng hộ chống xói lở bờ biển ở khu vực đê xung yếu.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận các kiến nghị trên của tỉnh.

Trước đó, Đoàn đã đến khảo sát đoạn đê biển xung yếu Gò Công 1 từ thị trấn Vàm Láng đến xã Tân Thành (Gò Công Đông) và các điểm sạt lở ở xã Phú Tân (Tân Phú Đông).

       N.VĂN

.
.
.