Thứ Ba, 06/05/2014, 07:14 (GMT+7)
.

Chiến trường Mỹ Tho hưởng ứng Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã trải qua gần 8 năm. Lúc này, cục diện chiến trường trên cả nước và toàn Đông Dương chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho quân và dân ta, nhiều bất lợi cho thực dân Pháp.

Bộ Chính trị họp bàn về phương án tác chiến Chiến lược Đông Xuân năm 1953 - 1954, đề ra chủ trương giữ vững quyền chủ động tiến công địch trên cả 2 mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp tác chiến chặt chẽ trên các chiến trường cả nước và toàn Đông Dương.

Trên mặt trận sau lưng địch, trước mắt đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố và phát triển các căn cứ du kích, khu du kích, tăng cường công tác vận động binh lính địch, phá kế hoạch xây dựng ngụy quân và dồn làng tập trung dân của địch.

Tùy theo tình hình mà ta sử dụng một bộ phận chủ lực tiến sâu vào vùng sau lưng địch, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân, du kích làm tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh đấu tranh phá kế hoạch bình định của địch, thu hẹp vùng tạm bị chiếm, mở rộng vùng tự do nhằm căng kéo lực lượng địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng để đối phó.

Tải gạo ra chiến trường Điện Biên Phủ.
Tải gạo ra chiến trường Điện Biên Phủ.

Để phối hợp với chiến trường Bắc bộ có hiệu quả hơn, Phân liên Khu ủy miền Đông phát động phong trào “Thi đua yêu nước, giết giặc lập công” và treo Giải thưởng Hồ Chủ tịch cho các tỉnh trong Phân liên Khu đạt thành tích xuất sắc.

Dựa trên cơ sở chung của chiến trường, Tỉnh ủy Mỹ Tho đề ra chủ trương đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh du kích, đưa lực lượng ta vào vùng địch kiểm soát, uy hiếp mạnh các tiểu khu; phát động các phong trào quần chúng, động viên cao độ các lực lượng kháng chiến phối hợp với đấu tranh vũ trang và địch vận tiến công vào các vùng yếu của địch, giành quyền làm chủ.

Thực hiện chủ chương của Tỉnh ủy Mỹ Tho, ngày 25-6-1953 quân và dân huyện Cái Bè gồm lực lượng của Tiểu đoàn 309, 1 trung đội địa phương huyện Cai Lậy và du kích liên xã ở huyện Cái Bè đã tổ chức trận chống càn tại kinh Bùi giành thắng lợi, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch càn quét quy mô lớn vào căn cứ Đồng Tháp Mười với sự hỗ trợ của hơn 40 xe lội nước, nhiều máy bay và nhiều đơn vị đóng tại Mỹ Tho.

Chiến thắng kinh Bùi mở ra bước phát triển mới về sự kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, khả năng tổ chức những trận đánh kết hợp các thứ quân, các lực lượng chính trị và binh vận để tạo thế áp đảo địch. Chiến thắng kinh Bùi cũng đã mở ra cục diện mới, quyền chủ động trên chiến trường Mỹ Tho đã thuộc về ta.

Từ ngày 14-10-1953, các huyện tiếp tục triển khai chủ trương của Tỉnh ủy, tổ chức tấn công địch liên tiếp và giải phóng một số xã của các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy... Tại huyện Cái Bè, ta tổ chức nhiều cuộc chống càn ở kinh Nguyễn Văn Tiếp, ở ngã Năm Bà Tồn, đánh một loạt đồn ở kinh Xéo, Cầu Cháy, Thầy Triệu, giải phóng lộ 20…

Tổng kết 6 tháng (từ tháng 9-1953 đến tháng 3-1954), trên chiến trường Mỹ Tho, ta đã đánh 631 trận, tiêu diệt 681 tên, trong đó có 25 sĩ quan, 1 phó tỉnh trưởng, bắt sống 508 tên, san bằng 78 bót, bức rút 139 bót khác, đánh chìm 16 tàu, phá hỏng 3 chiếc khác, bắn rơi 1 khu trục, phá hủy 7 xe cơ giới, 1 đại bác 75 ly, thu 631 súng, hàng tấn đạn dược, kêu gọi hàng ngàn binh lính rã ngũ;

Xây dựng được 3 vòng đai bao vây địch rộng 60 km2, đưa 82 xã tạm chiếm lên thế du kích, mở nhiều lõm du kích mạnh sâu trong lòng địch, mở rộng được phạm vi huy động nhân lực, vật lực ở vùng du kích mới mở và vùng tạm chiếm ủng hộ kháng chiến; phá một phần quan trọng âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.

Với thành tích to lớn ấy, tỉnh Mỹ Tho được Đại hội Thi đua tranh Giải Hồ Chủ tịch của Phân liên Khu miền Đông tặng Giải Hồ Chủ tịch - giải thưởng cao quý của Đại hội.

Tin thắng lợi từ Chiến dịch Điện Biên Phủ bay về, Tỉnh ủy Mỹ Tho khẩn trương chỉ đạo phải đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh du kích; phát động phong trào địch vận đều khắp và quy mô hơn, đưa lực lượng chủ lực thọc sâu vào vùng bị địch tạm chiếm để tiêu diệt địch; củng cố vững chắc cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng trong vùng bị địch tạm chiếm để kịp thời đối phó với âm mưu mới và các kế hoạch mới của địch.

Từ tháng 2-1954, Ủy ban Kháng chiến huyện Gò Công đã quyết định phá tề. Đến tháng 3-1954, các cơ quan, ban, ngành và bộ đội Gò Công đã giải tán xong hội tề xã và hội đồng hương chính trong huyện, chuyển từ thế bất lợi sang thế thừa thắng. Tháng 3-1954, Gò Công vinh dự đón rước ảnh Hồ Chủ tịch do Trung ương trao tặng.

Cuối tháng 2-1954, các xã Tân Phước, Bình Xuân, Bình Thành, Vĩnh Trị ở Gò Công lần lượt giải phóng. Tháng 3-1954, hàng trăm binh sĩ địch, đặc biệt là lính Cao Đài đã tự rã ngũ. Tháng 4-1954, lực lượng vũ trang diệt gọn tiểu đoàn Ba Gà Mổ, xóa phiên hiệu tiểu đoàn này và thu toàn bộ vũ khí.

Tháng 5-1954, lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với Tiểu đoàn 309 đánh đoàn xe từ Đồng Sơn đi Gò Công, tiêu diệt hơn 100 tên địch; tên Tỉnh trưởng Kiên thoát chết chạy lên TX. Gò Công.

Lực lượng địa phương huyện Châu Thành thực hiện kế hoạch của Huyện ủy và Huyện đội đánh phá một loạt lô cốt ở Bàn Long, ngã ba Chim Chim, Nhị Bình, Đông Hòa, dọc lộ Đông Dương; một loạt bót ở Điềm Hy, Hữu Đạo, Long An...; chống càn ở xã Bàn Long và Tân Phú tiêu diệt và bắt sống 2 đại đội địch. Cuối tháng 4-1954, gần 2/3 số xã trong huyện Châu Thành đã được giải phóng.

Tại Chợ Gạo, tháng 3-1954 ta nhấn chìm 10 tàu và ghe của địch trên kinh Chợ Gạo; tháng 4 ta lại nhấn chìm 21 tàu của địch; tháng 5-1954 diệt hàng trăm tên địch trong các trận chống càn ở An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Thanh Bình…

Huyện Cái Bè tổ chức nhiều trận đánh lấy hàng chục đồn bót trong huyện, tháng 4-1954 đánh trận Cái Lân, tháng 5 làm rã hàng trăm tên lính Cao Đài, Hòa Hảo, mở rộng nhanh vùng căn cứ và vùng giải phóng.

Ngày 4-5-1954, bên kinh Dương Văn Dương, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc hội nghị mở rộng, phổ biến chủ trương của Trung ương Cục về Chiến trường Điện Biên Phủ và Chiến trường Nam bộ. Hội nghị đã đề ra chủ trương: Ổn định tổ chức, phát triển nhanh lực lượng vũ trang, đẩy mạnh các phong trào của quần chúng, kết hợp các lực lượng để tấn công địch, giải phóng nông thôn.

Tháng 5-1954, huyện Gò Công chủ trương tiếp tục mở đợt tấn công lần thứ 2. Toàn huyện đồng loạt nổi dậy đánh chiếm 24 đồn bót và cứ điểm của địch, bắt sống trên 400 tên, cắt nhiều đoạn đường, giải phóng thêm một số xã.

Ở nhiều nơi khác trong tỉnh, lực lượng chính trị, binh vận kết hợp với lực lượng vũ trang đã bức hàng, bức rút thêm hàng chục đồn bót, vận động hàng ngàn lính ngụy bỏ ngũ, giải phóng phần lớn đất đai ở vùng nông thôn.

Sau ngày 7-5-1954, tin Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng bay về Mỹ Tho, báo chí địch không giấu được nỗi lo sợ, binh lính địch rất hoang mang.

Ngày 20-7-1954, Hội nghị Genève được ký kết, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của quân và dân cả nước ta đã kết thúc thắng lợi. Nhân dân Mỹ Tho dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ Mỹ Tho cùng với nhân dân cả nước suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ đã giành được thắng lợi.

Trong bước ngoặt mới của lịch sử cách mạng này, nhân dân Mỹ Tho lại tiếp tục thực hiện những chủ trương mới của Đảng bộ, ra sức chuẩn bị những điều kiện để tiến tới đấu tranh thống nhất nước nhà.

ANH ĐẬU

(Tổng hợp từ nguồn Lịch sử Đảng bộ tỉnh)

.
.
.