Thứ Ba, 23/09/2014, 06:45 (GMT+7)
.

Nhân dân Mỹ Tho và Gò Công chuẩn bị cho mùa Thu kháng chiến

Mùa Thu năm 1945 sẽ còn mãi trong trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, với sự kiện trọng đại của dân tộc: Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Từ đây, chính quyền cách mạng về tay nhân dân và nhân dân lao động trở thành người chủ vận mệnh dân tộc mình. Song, chính quyền cách mạng non trẻ đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, tình thế cách mạng mong manh như “trứng để đầu gậy” phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công phát động phong trào vũ trang chiến đấu. Lực lượng vũ trang ban đầu chủ yếu huy động từ các đoàn thể cứu quốc, mà đại bộ phận là thành phần cơ bản trong quần chúng, tập hợp hình thành lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc và tổ chức các đội tự vệ chiến đấu.

Tháng 9-1945, tất cả các xã trong 2 tỉnh đều tổ chức được lực lượng tự vệ, tuy vũ khí trang bị còn thô sơ như tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, súng mút hoặc súng lửa... nhưng lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu rất cao, thu hút nhiều thành phần như trí thức, học sinh... cùng tham gia; trong đó có thanh niên của thị xã Mỹ Tho, tuy phần lớn là trí thức, học sinh nhưng khi được chính quyền thị xã phát động, có trên 200 người tham gia vào đội du kích.

Vùng các xã hệ Cổ Chi (Châu Thành) huy động trên 500 du kích, tổ chức thao dượt trên lộ Đông Dương (Tân Lý Tây - Tân Hiệp) để chuẩn bị đánh quân Pháp tái chiếm.

Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến tháng 9 -1945.
Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến tháng 9 -1945.

Ngày 9-9-1945, Tỉnh ủy Gò Công thành lập lực lượng vũ trang tập trung, lấy tên là Cộng hòa tự vệ, gồm 4 trung đội với hơn 100 người, thành phần gồm những người nông dân yêu nước, người hiểu biết về quân sự được huấn luyện cơ bản và sẵn sàng chiến đấu. Một số lính “khố đỏ”, Cộng hòa vệ binh cũng xung phong gia nhập lực lượng vũ trang và được Tỉnh ủy Gò Công thu nhận.

Ngoài ra, Tỉnh ủy chỉ đạo đưa cán bộ, đảng viên tham gia hướng dẫn hoặc trực tiếp lãnh đạo dân quân tự vệ ở các khu và các xã trong tỉnh; bồi dưỡng thanh niên tích cực trong phong trào để tăng cường cho cơ sở. Ngoài ra, để phục vụ lực lượng vũ trang chiến đấu, Gò Công tổ chức 1 đội nữ cứu thương. Thanh niên thị xã Gò Công tích cực gia nhập lực lượng dân quân vũ trang, đến giữa tháng 9-1945 thị xã có 2 trung đội.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công khẩn trương xây dựng các phòng tuyến chiến đấu ở các điểm xung yếu (1). Để giải quyết khó khăn về vũ khí và trang bị phục cho lực lượng vũ trang, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công phát động nhân dân đóng góp đồng, thau đúc vũ khí.

Nhân dân tiết kiệm gạo, vải, đưa lương thực, quần áo góp vào quỹ nuôi quân. Lực lượng vũ trang đóng ở đâu thì được nhân dân ở đó ủng hộ gạo, thức ăn... Ủy ban Kháng chiến Mỹ Tho, Gò Công thành lập các tổ “vận lương”, “tiếp tế” và phân công cán bộ, đảng viên có năng lực phụ trách.

Ngày 15-10-1945, Xứ ủy Nam bộ phối hợp với Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị mở rộng tại nhà đồng chí Nguyễn Tử Vân (xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo; nay thuộc TP. Mỹ Tho), thành phần tham dự gồm các đồng chí đảng viên của Xứ ủy Tiền Phong, Xứ ủy Giải Phóng và các đảng viên mới từ nhà tù Côn Đảo trở về (2).

Hội nghị quyết định giải thể Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng, thành lập Xứ ủy lâm thời gồm 11 đồng chí (3). Xứ ủy lâm thời ra nghị quyết: Củng cố, thống nhất các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh từ cấp Xứ ủy đến cơ sở; chỉ định một số Bí thư Tỉnh ủy, tăng cường bố trí đảng viên từ Côn Đảo về vào chính quyền và các tổ chức đoàn thể cách mạng.

Ở Gò Công, Tỉnh ủy Gò Công tiến hành củng cố chính quyền, Mặt trận và đồng chí Nguyễn Văn Cương được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Côn phụ trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính (Ủy ban nhân dân đổi thành Ủy ban Hành chính), Ban Trừ gian và các ban khác ở các cấp được thành lập. Ủy ban Hành chính tỉnh quy định chức năng, quyền hạn của các ban, ngành để tiến hành lãnh đạo phong trào cách mạng và trấn áp những phần tử phản cách mạng.

Ở tỉnh Mỹ Tho, ngay sau khi giành chính quyền, do nóng vội trong việc lựa chọn cán bộ nên Đảng bộ đã cử một số nhân sĩ trí thức tham gia vào bộ máy chính quyền các cấp, một số cán bộ được phân công chẳng những không giúp ích cho cách mạng mà còn có những biểu hiện cấu kết với thực dân Pháp chống đối lại cách mạng, gây cản trở không ít đến việc thực hiện chủ trương của Đảng bộ và chính quyền (4). Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho kịp thời chấn chỉnh lại bộ máy cấp tỉnh và huyện, mạnh dạn đưa những cán bộ không đủ phẩm chất chính trị ra khỏi bộ máy chính quyền các cấp.

Sau khi củng cố về tổ chức, Đảng bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công cử cán bộ của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, chính quyền đi cơ sở để làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào cách mạng.

Các đoàn thể được củng cố, một số tổ chức được thành lập. Tỉnh Mỹ Tho thành lập Liên hiệp Công đoàn, tỉnh Gò Công thành lập Liên đoàn Công chức. Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Học sinh cứu quốc được củng cố và hoạt động có chiều sâu, tương trợ giúp đỡ nhau trong khó khăn, động viên nhau đóng góp cho phong trào cách mạng.

Ở Mỹ Tho, khắp nơi trong tỉnh dấy lên phong trào tham gia kháng chiến mạnh mẽ, thanh niên tự nguyện tòng quân, gia nhập các đội tự vệ; hàng trăm nông dân ngoài 35 tuổi cũng hăng hái tham gia các đội quân dự bị; thợ bạc, thợ hồ, thợ mộc ở thị trấn Cai Lậy tập hợp thành lập lực lượng vũ trang công đoàn; quân số lực lượng vũ trang của tỉnh như Cộng hòa tự vệ, Cộng hòa vệ binh được bổ sung và tổ chức luyện tập ngày đêm bảo đảm ra quân ngay trong trận đầu để chống thực dân Pháp tái chiếm.

Sôi động nhất là thanh niên ở thị xã Mỹ Tho gia nhập vào Chi đội Phan Đình Lân và Chi đội Phan Lương Trực. Hầu hết các xã vận động, thu nhận thanh niên khỏe mạnh, nhiệt tình tăng cường cho lực lượng vũ trang quận, trong đó riêng quận Chợ Gạo đến cuối tháng 10-1945 số tân binh thu nhận được thành lập 3 phân đội, với hơn 100 chiến sĩ.

Thực hiện lệnh tổng động viên và lời kêu gọi nhân dân kháng chiến, giết giặc cứu nước của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công lãnh đạo các ngành, đoàn thể cứu quốc, các chi bộ, đảng bộ cơ sở khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Từ thành thị đến nông thôn, từ cụ già đến em bé, sau khi được tuyên truyền giác ngộ, ai ai cũng ý thức được việc mình cần phải làm.

Hàng ngàn gia đình hưởng ứng dự trữ muối, gạo vừa phục vụ gia đình, vừa ủng hộ kháng chiến lâu dài. Quần chúng ven trục lộ Sài Gòn - Mỹ Tho, Mỹ Tho - Gò Công tham gia hạ cây, đắp mô cản đường tiến quân của địch. Ở thị xã, thị trấn, chính quyền địa phương lập các phòng thông tin để thông báo tin chiến sự hàng ngày. Tất cả các xã, quận, nhất là thị trấn, thị xã tổ chức canh gác đề phòng địch tấn công.

Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Mỹ Tho và Gò Công tổ chức nhiều cuộc họp với các đồng chí phụ trách chỉ huy quân sự các cấp để chỉ đạo xây dựng kế hoạch chiến đấu. Trong đó, Tỉnh ủy nhấn mạnh một số vùng trọng điểm ở các thị xã, thị trấn, các cửa biển, cầu tàu, vàm kinh, các cầu lớn trên các trục lộ... phải xây dựng các phòng tuyến chiến đấu để bảo vệ; đồng thời chỉ đạo tổ chức từng bộ phận các cơ quan và quần chúng tản cư ra khỏi thị xã, thị trấn để bảo toàn lực lượng.

Ở Gò Công, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, các lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh đang chốt giữ điểm trọng yếu tại cầu Nổi (bên bờ sông Vàm Cỏ, cách thị xã Gò Công 13 km), phối hợp cùng với một bộ phận của Cộng hòa Vệ binh Nam bộ được tăng cường, do đồng chí Nguyễn Văn Ty chỉ huy, kết hợp 1 đại đội Cộng hòa Vệ binh Nam bộ do đồng chí Nguyễn Văn Quân chỉ huy, từ Gò Công kéo lên đóng ở rạch Cát (Chợ Lớn), cầu Ông Thìn (Cần Giuộc) để chi viện và chuyên chở lương thực tiếp tế cho mặt trận Sài Gòn.

Kết quả bước đầu thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, “tiêu thổ kháng chiến” ở một số vùng trọng điểm, đến giữa tháng 10-1945 các thị xã trong tỉnh Mỹ Tho và Gò Công còn rất ít người. Lương thực, thực phẩm được nhân dân mang đi hoặc chôn cất, có nơi còn tổ chức phá các trụ sở, đốt nhà đèn, quyết không cho quân Pháp chiếm đóng hoặc sử dụng.

Một số nơi, nhân dân thông báo cho lực lượng vũ trang biết những nơi quân Pháp tấn công để tránh tổn thất hoặc tổ chức đánh ngăn chặn. Một số nơi như Tân Hương, Tân Hiệp (Châu Thành), du kích tổ chức giật súng của quân Nhật, tự trang bị cho mình.

Quần chúng ở xã Tân Hương (Châu Thành) phối hợp lực lượng vũ trang tổ chức đào những hố sâu, rộng trên lộ 4 và phá cầu ngăn giặc tiến công. Không khí kháng chiến thực sự nằm trong ý thức của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.

Chỉ sau 2 tháng từ ngày giành được chính quyền, Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn và thử thách nghiêm trọng, giữ vững được chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng được các lực lượng vũ trang và phát động nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.

Với thắng lợi trong việc củng cố chính quyền của Đảng bộ và nhân dân, những điều kiện để ổn định tình hình và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài đã sẵn sàng. Điều đó nói lên khả năng giành và giữ chính quyền của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, nòng cốt là giai cấp công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong là đúng đắn, kịp thời, đưa đến thắng lợi bước đầu, góp phần làm nên thắng lợi chung của Nam bộ trong những ngày đầu chống thực dân Pháp trở lại xâm lược và cùng cả nước giữ vững chính quyền cách mạng, chủ động đối phó với khả năng chiến tranh xảy ra trong cả nước.

Quân và dân Nam bộ nói chung, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nói riêng tuy chịu nhiều tổn thất, hy sinh nhưng đã cầm chân quân Pháp, khiến chúng không thể nhanh chóng đưa quân ra chiếm miền Bắc. Cuộc kháng chiến Nam bộ đã tạo được thời gian hơn 1 năm cực kỳ quý báu cho cả nước chuẩn bị Toàn quốc kháng chiến, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại năm 1954 và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no, tự do và văn minh.

Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng, nhất là nhân dân Mỹ Tho và Gò Công rất thiết tha với độc lập, tự do; đoàn kết, kiên quyết chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sự chuẩn bị chu đáo của Đảng bộ về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Thắng lợi đó nói nên ý nghĩa lịch sử to lớn và sâu sắc, tạo niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng để nhân dân Mỹ Tho và Gò Công bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ.

LÊ VĂN TÝ

1.  Ở Cầu Nổi, Pháo Đài, Rạch Bùn, cầu Sơn Quy (tỉnh Gò Công); Rạch Tràm - Quơn Long, bắc Chợ Gạo, cầu Hòa Bình - Bình Ninh - vàm Kỳ Hôn (quận Chợ Gạo); vàm Kinh Xáng La-com, chùa Phật Đá, Tân Hương (quận Châu Thành); lộ Tam Bình, rạch Ba Rài (Cai Lậy); thị trấn Cái Bè, ngã tư Văn Cang, ngã tư Chợ Giồng (quận Cái Bè). Nhân dân tham gia phá cầu, như gỡ ván cầu Tân Hương, phá sập cầu Bình Đức, Long Định (Châu Thành); cầu Ông Văn, Thuận Hòa, Gò Cát (Chợ Gạo); làm chướng ngại trên lộ Đông Dương, đoạn từ Sài Gòn - Mỹ Tho, lộ 24 đoạn Mỹ Tho - Gò Công, lộ 28 (tỉnh lộ 868) Mỹ Tho - Cai Lậy. Nhân dân quận Cai Lậy còn lấy 7 ghe chài, 1 sà lan, 95 cây giá tỵ của Nhật đem nhấn chìm trên rạch Ba Rài để chống địch tấn công bằng tàu.

2. Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Thập, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh...

3. Thành viên Xứ ủy lâm thời gồm các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ (Võ Sĩ), Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Thị Thập.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh và quận có một số cán bộ không đủ tư cách như: Đỗ Văn Khánh (Ủy viên Quân sự tỉnh) có quan hệ với thực dân Pháp; Phạm Duy Cường (người của Việt Nam Quốc dân Đảng), Chủ tịch Ủy ban cách mạng quận Cai Lậy.

.
.
.