Thứ Hai, 22/12/2014, 05:46 (GMT+7)
.

70 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam

TS. LÊ HỒNG QUANG
Phó Bí thư Tỉnh ủy

Ngay từ khi ra đời ngày 3-2-1930, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lênin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản. Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng.

Trong Chính cương vắn tắt của Đảng tháng 2-1930 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã đề cập đến việc “tổ chức ra quân đội công nông”. Luận cương chính trị của Đảng tháng 10-1930 cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Vũ trang cho công nông”, “lập quân đội công nông” và “tổ chức ra đội tự vệ công nông”. Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô  Viết - Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công - nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là nền móng đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.

Ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang.
Ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang.

Từ tháng 9-1939, trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các cuộc khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích đã diễn ra trên nhiều địa phương. Hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Du kích Nam kỳ năm 1940, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Tiền Giang với tên gọi Ủy ban Quân sự tỉnh tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày 12-8-1940)…

Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Ngày 22-12-1944, theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”; “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bấy giờ gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước (hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam giải phóng quân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, năm 1946 đổi thành Quân đội quốc gia Việt Nam, đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 17-10-1989, theo nguyện vọng của nhân dân cả nước,  Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22-12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22-12 thực sự trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng - toàn quân - toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Trải qua 70 mươi năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đùm bọc và nuôi dưỡng của nhân dân, sự đoàn kết giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kế thừa và phát huy truyền thống quân sự của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển, đi từ nhỏ đến lớn, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn.

Cùng thời gian ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, Quân đội Tiền Giang đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, bất cứ nhiệm vụ gì cả trong chiến đấu, trong xây dựng, lao động sản xuất hay trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, lực lượng nêu trên vẫn luôn là hình ảnh tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là sản phẩm kết tinh của lòng yêu nước, ý chí đạp bằng mọi hiểm nguy, góp phần tô điểm truyền thống anh hùng của mảnh đất và con người Tiền Giang nói riêng, đất nước và dân tộc Việt Nam nói chung.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014), các cấp, các ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả cao, gắn kết xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng, an ninh qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đi cùng với sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương đạt được kết quả khá toàn diện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tỉnh và huyện đã có đề án quy hoạch cụ thể trong xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; bước đầu thiết lập thế trận, hình thành các khu vực, mục tiêu then chốt, tạo ra tiềm lực trong thời bình. Hoạt động của Ban Chỉ huy Quân sự cơ quan, tổ chức đạt hiệu quả, đủ khả năng tự bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Công tác hậu phương quân đội được chú trọng, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị hậu cần được đầu tư đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, nhằm khơi dậy và động viên đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Công tác huấn luyện bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, yêu cầu “nhanh, mạnh, chính xác” và “chuyên sâu, đồng bộ”; huấn luyện kết hợp với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, rèn luyện kỷ luật và xây dựng chính quy, tạo sự chuyển biến toàn diện, tỷ lệ đạt từ 98,9% trở lên.

Diễn tập quân sự đúng với kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng khu vực phòng thủ. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,21% so dân số; phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ đạt 21,02%; 100% xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự. Xây dựng lực lượng dự bị động viên đạt yêu cầu theo quy định; huy động tập trung kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng động viên và huấn luyện đạt 100% quân số.

Công tác Đảng, công tác chính trị được triển khai toàn diện; việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng các cấp được quan tâm cả về nội dung, phương pháp, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương được thể hiện trong lời nói, việc làm, chủ động vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò của đoàn viên, hội viên trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội, phong trào xây dựng “nhà tình đồng đội”, “nhà tình nghĩa” đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên giao; các hoạt động liên tịch, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các mặt hoạt động công tác dân vận ở các cơ quan, đơn vị được tiến hành thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố tình đoàn kết quân dân “cá nước”, khắc sâu phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với quyết tâm cao. Công tác hậu cần kỹ thuật được Đảng ủy Quân sự tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ thường xuyên và yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Công tác tăng gia sản xuất đã phát triển mạnh trong toàn lực lượng, bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ.

Thành tích và kết quả đạt được của quân sự tỉnh Tiền Giang thời gian qua, ngoài sự quyết tâm, sự đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ và những giải pháp mới có tính năng động, sáng tạo, đột phá thì nhân tố quan trọng có tính quyết định chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9, của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, của các đồng chí cán bộ cao niên, lão thành cách mạng cùng với sự thương yêu đùm bọc hết lòng của nhân dân. Sức mạnh tổng hợp nêu trên đã tạo động lực to lớn giúp quân đội tỉnh Tiền Giang hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

L.H.Q

.
.
.