Chủ Nhật, 21/12/2014, 07:07 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944 – 22-12-2014):

Lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập ngày 22-12-1944 theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Một đơn vị giải phóng quân làm lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên (ngày 16-8-1945).
Hình ảnh tại lễ ra mắt Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Ngày 15-5-1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội.
Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội.

Trong giai đoạn từ năm 1945 - 1954 là thời kỳ phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn, từ khi đất nước giành được độc lập đến tháng 11-1945, Giải phóng quân đã phát triển từ một đội quân nhỏ trở thành Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội.

Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng thời gian này, các đại đoàn chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7-5-1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” phấp phới tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ Cáttơri.
Cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” phấp phới tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ Cáttơri.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc.

Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Xe tăng của Quân đoàn 2 Quân giải phóng miền Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập.
Xe tăng của Quân đoàn 2 Quân giải phóng miền Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vừa mới kết thúc thì chế độ diệt chủng do Pônpốt cầm đầu ở Cămpuchia đã kích động hận thù dân tộc, tiến hành chiến tranh xâm lấn ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ với nhân dân Việt Nam sống dọc biên giới, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Cămpuchia.

Đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, tháng 12-1978 Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công của quân đội Pônpốt. Sau đó, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Campuchia, đánh tan 21 sư đoàn quân Pôn pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo.

Chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam năm 1978.
Chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam năm 1978.

Bước vào thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh biên chế, tổ chức, cắt giảm gần hai phần ba quân số. Các thế hệ sĩ quan, chiến sĩ quân đội vẫn kế tiếp nhau phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác, một đội quân sản xuất, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đó là: Trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam XHCN, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng; gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí; đoàn kết nội bộ, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động; kỷ luật tự giác, nghiêm minh; độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công; lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan; luôn luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ, nhạy cảm, tinh tế trong cuộc sống; đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.

10 lời thề danh dự của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Chúng tôi đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sỹ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Xin thề:
1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.
2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sỹ tiên phong giết giặc cứu nước.
5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.
7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.
8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng, hay rơi vào tay quân thù.
9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.
10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và Quốc thể của Việt Nam.
 

 

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.