Thứ Sáu, 13/03/2015, 09:31 (GMT+7)
.

Chiến thắng Ngã Sáu-Bằng Lăng có ý nghĩa to lớn, mang tính bước ngoặt

 Tượng đài Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng.                                          Ảnh:TUẤN LÂM
Tượng đài Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng. Ảnh:Tuấn Lâm

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân tỉnh Mỹ Tho cùng các lực lượng chủ lực Quân khu 8 làm nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Một trong những chiến công đó là chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, từ ngày 11 đến ngày 14-3-1975.

Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng có ý nghĩa to lớn, mang tính bước ngoặt, làm thay đổi tình thế chiến trường ở Quân khu 8.

Chiến thắng này mở ra một bước ngoặt quan trọng, đưa phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho phát triển mạnh mẽ, tạo thế và lực mới cho quân và dân tỉnh Mỹ Tho tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh nhà và góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vào đợt 2, Khu 8 cùng toàn Miền đồng loạt tiến công địch trên tất cả các mặt trận. Lúc này, Bộ Tư lệnh Quân khu có sự thay đổi nhân sự. Đồng chí Lê Quốc Sản từ Hà Nội trở về, làm Tư lệnh Quân khu, thay đồng chí Đồng Văn Cống rút về Miền.

Sau khi nghiên cứu tình hình chiến trường, kế hoạch tác chiến của đợt 2, Quân Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu nhất trí đề nghị Thường vụ Khu ủy cho chuyển hướng tiến công ra phía Bắc huyện Cái Bè.

Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định ngày “N” của đợt 2 là ngày 11-3-1975, trọng điểm là yếu khu Ngã Sáu, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, sau đó mở rộng vùng hoạt động chủ lực Quân khu xuống Nam Bắc đường 4 tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Kiến Tường.

Bắc Cái Bè là địa bàn có vị trí rất quan trọng, tiếp giáp 3 tỉnh: Mỹ Tho, Kiến Phong và Kiến Tường; một vùng liên hoàn từ lộ 4 đến kinh Nguyễn Văn Tiếp A (tỉnh Kiến Phong và Kiến Tường); từ lộ 20 đến Rạch Ruộng, Kiến Văn (tỉnh Kiến Phong) có địa hình thuận lợi để cách mạng triển khai lực lượng với quy mô tương đối lớn.

Ở đây có cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang mạnh, làm chủ được nhiều lõm căn cứ, là đầu mối giao thông từ Bắc Cái Bè đến kinh An Long, lên biên giới Campuchia. Vì vậy địch tập trung lực lượng và phương tiện xây dựng Ngã Sáu thành cứ điểm quân sự để khống chế khu vực này. Chúng đóng đồn bót trên một số kinh rạch, có lực lượng bảo an yểm trợ. Tại khu vực Ngã Sáu, địch có tiểu đoàn bảo an 453 đóng giữ và 2 khẩu pháo 105 li chi viện cho cả vùng.

Chuyển hướng tấn công ra phía Bắc Cái Bè là sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Khu ủy. Đây là quyết định mang tính lịch sử trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Khu ủy Quân khu 8 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong nghệ thuật quân sự, thông thường khi tiến hành một chiến dịch hay một trận tiến công, người chỉ huy thực hiện điểm then chốt nhằm vào mắt xích yếu nhất trong hệ thống phòng thủ của đối phương, nghĩa là phải “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”.

Tuy nhiên, trong điều kiện đặc biệt, có thể tiến công vào điểm mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ của địch để giành thắng lợi quyết định. Trận tiến công yếu khu Ngã Sáu ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè của Trung đoàn bộ binh 24 là trường hợp như thế.

Tháng 3-1975, trên chiến trường Khu 8, các lực lượng vũ trang bước vào đợt 2 chiến dịch tiến công tổng hợp. Nhiệm vụ đợt 2 được Khu ủy và Quân khu ủy đề ra là: Giải phóng hoàn toàn vùng trung tâm Đồng Tháp Mười, làm chủ tuyến kinh Dương Văn Dương và vùng 4 Kiến Tường, tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp nối liền mảng 4 Cai Lậy Bắc và Bắc Cái Bè.

Ở Mỹ Tho, thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Tỉnh đội xác định: “Động viên sự nỗ lực cao nhất của các lực lượng vũ trang địa phương thực hành xuất sắc vai trò nòng cốt cho cao trào nổi dậy của quần chúng giải phóng cơ bản Nam - Bắc lộ 4, giải phóng cơ bản huyện Chợ Gạo, mở nhiều tuyến hành lang qua lại lộ 4.

Chuyển thế làm chủ đến các ấp ven sát thị trấn, làm chủ nhiều lõm trong nội ô, tạo điều kiện diệt bức 1 - 2 chi khu, tiến lên giải phóng cơ bản Mỹ Tho”. Ban Cán sự đề ra nhiệm vụ, chỉ tiêu và yêu cầu cho từng huyện, từng khu vực.

Chiến trường tỉnh Mỹ Tho được chia làm 3 khu vực chỉ đạo: Khu vực 1: Toàn huyện Chợ Gạo, là khu vực trọng điểm của tỉnh; khu vực 2: 4 huyện Châu Thành Nam, Châu Thành Bắc, Cai Lậy Nam, Cai Lậy Bắc, là khu vực trung tâm chỉ đạo và khu vực 3: Toàn huyện Cái Bè, là khu vực quan trọng.

Huyện Cái Bè xác định trọng điểm là khu vực Nam lộ 4, diện quan trọng của huyện là trục lộ 20 và lộ 30. Ý định tiếp tục mở ra vùng yếu, giải phóng cơ bản Nam lộ 4, uy hiếp chi khu Cái Bè và An Hữu. Khu vực trọng điểm thành lập Ban Chỉ huy gồm 3 đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng chí Huyện đội trưởng và 1 đồng chí Tỉnh ủy viên tăng cường.

Thực hiện kế hoạch tiến công đợt 2 của Quân khu, ngày 11-3-1975 Trung đoàn 24 - Sư đoàn 8 nổ súng tiến công tiêu diệt căn cứ Ngã Sáu, diệt 1 tiểu đoàn bảo an. Ngã Sáu được giải phóng lần thứ nhất. Cùng ngày, Trung đoàn 320 đánh viện tại kinh Bằng Lăng trên cánh đồng giáp Hậu Mỹ - Mỹ Thiện, diệt gọn tiểu đoàn 2 (trung đoàn 10, sư đoàn 7 ngụy). Ngày 13-3-1975, tiểu đoàn 3 (trung đoàn 10) chiếm căn cứ Ngã Sáu.

Trung đoàn 207 Quân  khu 8 đánh trận thứ 2, làm thiệt hại nặng tiểu đoàn 3 (trung đoàn 10), thu nhiều vũ khí. Đây là trận then chốt của đợt 2 Chiến dịch tiến công tổng hợp mùa khô năm 1975 ở Quân khu 8, mở rộng hành lang chiến lược để lực lượng chủ lực tiến xuống áp sát lộ 4 và  thành phố Mỹ Tho.

Vào đợt 2, ở Cái Bè, lực lượng địa phương tiến công và bao vây đồn bót, phối hợp tốt với lực lượng chủ lực tiến công Ngã Sáu. Bộ đội địa phương huyện kết hợp 3 mũi bức rút 5 đồn, đánh thiệt hại nặng phân chi khu Mỹ Đức Đông và 1 đại đội bảo an. Trên lộ 20 và kinh 28 sát đường 4, lực lượng 3 mũi cũng tiến công liên tục, thường xuyên bao vây trên 40 đồn. 

Trên các tuyến giao thông, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp lực lượng chủ lực cắt đứt, phá lộ 4 đoạn Đường Lớn với nhiều hình thức đắp mô, đánh sập cầu, huy động nhiều dân công đào phá lộ 20; đánh bức 3 đoạn lộ 30 và bao vây đồn Rạch Giồng, Cái Lâm, Rạch Ruộng, đứng lại đánh địch giải tỏa. Khi trung đoàn 24 tiến công yếu khu Ngã Sáu, nhân dân địa phương huy động xuồng ghe đưa bộ đội sang sông và hàng trăm dân công cùng bộ đội thu dọn chiến trường.

Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho cấp ủy và chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Khu ủy và Quân Khu ủy. Chiến thắng Ngã Sáu cho thấy, việc chỉ đạo, chỉ huy, chuẩn bị chiến trường, công tác huấn luyện bộ đội, đưa cán bộ chủ chốt bám sát chiến trường… là những yếu tố bảo đảm thắng lợi cho trận đánh.

Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng không chỉ tác động đến khu vực trọng điểm của Khu 8, mà còn tác động mạnh đến các chiến trường xung quanh. Đối với chiến trường tỉnh Mỹ Tho, sau chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng ta tiếp tục mở ra một số hướng tiến công mới ở vùng sâu, vùng yếu, hình thành nhiều mảng giải phóng. Đưa vùng sâu, vùng yếu phát triển thành vùng giải phóng.

Tại trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ mở mảng vùng Chợ Gạo, tạo hành lang an toàn cho việc chuyển quân, vũ khí theo yêu cầu, nhiệm vụ chiến dịch của toàn Miền.

Ngã Sáu là trận mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Mỹ Tho và Khu 8. Nó không chỉ là trận mở màn chiến dịch tổng hợp của Khu 8 trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn là trận có ảnh hưởng rất lớn đến Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trên toàn Miền.

Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng có tác dụng làm “đòn xeo” tích cực trên toàn chiến trường, liên tục tiến công tiêu diệt địch, bức rút, bức hàng, mở rộng vùng giải phóng, làm suy sụp tinh thần của binh sĩ địch, là sự khởi đầu hoàn hảo, phối hợp với toàn Miền để Khu 8 hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng là tiền đề để nhân dân Mỹ Tho vững bước tiến vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Mỹ Tho theo phương châm: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong mùa Xuân năm 1975.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.