Thứ Tư, 08/04/2015, 16:21 (GMT+7)
.
Cuộc hành trình cho ngày giải phóng, thống nhất đất nước

Bài 1: Khi "Tổ quốc gọi tên mình"

Bài 2: Đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết
Bài 3: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Bài 4: Rưng rưng ngày đại thắng…
Bài cuối: Thắm đượm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"

Trải qua 30 năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta, dân tộc ta đã phải “nếm mật nằm gai, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non…”, từng tấc đất bị bom cày, đạn xới; lớp lớp người đã anh dũng ngã xuống để có được ngày toàn thắng 30-4-1975 lịch sử.

Hòa trong niềm hân hoan mừng ngày giải phóng, thống nhất đất nước có biết bao người mẹ, người vợ, người con… bùi ngùi thương nhớ người thân của mình đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đầy lửa khói, không được hưởng niềm hạnh phúc ngày non sông thống nhất…

Nụ cười chiến thắng.
Nụ cười chiến thắng.

Bài 1: Khi “Tổ quốc gọi tên mình”

Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, Mỹ tìm mọi cách phá hoại Hiệp định, đưa quân xâm chiếm miền Nam nước ta bằng chính sách thực dân mới, gây nhiều tội ác dã man. Trước cảnh “nước mất nhà tan”, các thế hệ nối tiếp nhau lên đường tòng quân. Thế hệ này ngã xuống, thế hệ khác đứng lên tiếp bước cha anh…

TỔ QUỐC LÂM NGUY

Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào.

Nhưng với mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta bằng những chính sách thống trị hết sức tàn khốc.

Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung, khu trù mật. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Vượt thác băng ghềnh Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍCH
Vượt thác băng ghềnh Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍCH

Để thực hiện kế hoạch xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ đã phái đến miền Nam hàng vạn binh sĩ, hàng chục tướng lĩnh, xây dựng nhiều căn cứ quân sự, cảng quân sự với hàng trăm tàu chiến các loại và sân bay với nhiều phi cơ chiến đấu.

Trung bình mỗi tháng, các loại máy bay của Mỹ đã dội xuống miền Nam khoảng 6.500 tấn bom và chất độc hóa học. Từng tấc đất trên khắp miền Nam bị bom cày, đạn xới, làng xóm tiêu điều bởi mưa bom bão đạn của quân Mỹ.

Mỹ - Diệm huy động mọi lực lượng quân sự, an ninh, tình báo, thông tin tuyên truyền và nhiều biện pháp hành chính… thực hiện khủng bố, đàn áp toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý, giáo dục, văn hóa… cực kỳ thâm độc, tàn bạo, gây ra những cuộc thảm sát đẫm máu ở khắp các tỉnh, thành miền Nam.

Theo Tiến sĩ Sử học Lê Văn Tý, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, chính trị, kinh tế ở vùng Trung Nam bộ; là điểm nút giao thông thủy, bộ huyết mạch nối Đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn.

Chính vì thế, trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, đế quốc Mỹ thường dựa vào quân đông, khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, kềm kẹp khống chế quần chúng gắt gao, bao vây phong tỏa lực lượng cách mạng từ mọi phía, hành quân càn quét và bình định “chà đi xát lại” nhiều lần, biến một số vùng ở Gò Công, Mỹ Tho thành vùng trắng.

Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân Mỹ và tay sai thường sử dụng địa bàn tỉnh Mỹ Tho để thử nghiệm các loại chiến thuật và vũ khí mới của chúng.   

Nhiều người dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em đã bị giết hại hết sức dã man, gây bao cảnh đau thương, tan tóc bao phủ miền Nam. Chúng dùng quân đội mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, dài ngày trên khắp miền Nam để tiêu diệt cách mạng, tàn sát những người yêu nước, khủng bố những người kháng chiến cũ mà chúng gọi là cộng sản hoặc phần tử thân cộng sản.

Hàng vạn đồng bào miền Nam yêu nước đã bị Mỹ - Diệm khủng bố, tù đày, tra tấn dã man, nhiều người đã hy sinh hoặc trở nên tàn phế. Hàng triệu người bị nhốt vào các trại tập trung mà chúng gọi là “ấp chiến lược”…   

Theo Tiến sĩ Sử học Lê Văn Tý: Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đưa tên Nguyễn Văn Tâm về Mỹ Tho tiến hành chiến dịch diệt cộng vô cùng tàn bạo; cũng không phải ngẫu nhiên khi quyết định chiến tranh, Mỹ - Diệm đưa sư đoàn 7 (sư đoàn chuẩn bị cho Bắc tiến đang đóng ở vùng vĩ tuyến 17) về Mỹ Tho đánh phá phong trào cách mạng ở đây; và cũng không phải ngẫu nhiên Mỹ đưa sư đoàn 9 bộ binh Mỹ đến Bình Đức, huyện Châu Thành (Mỹ Tho) để thực hiện âm mưu bình định.

Mục đích của chúng là đối phó với các cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ta ở Mỹ Tho. Vì nhân dân Tiền Giang không chỉ có truyền thống cần cù lao động, mà còn có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống áp bức cường quyền, bảo vệ tự do. Vùng đất này gắn liền với chiến công vang dội Rạch Gầm - Xoài Mút của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Sau khi Pháp xâm lược Việt Nam có cuộc kháng chiến của các ông Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều... Đặc biệt, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống chiến đấu quật cường xa xưa được nhân dân Tiền Giang kết tinh, hòa quyện vào máu thịt, tim óc của mọi người. Vì đại nghĩa mọi người sẵn sàng hy sinh bản thân mình.

LÊN ĐƯỜNG TÒNG QUÂN

Trước tình thế Tổ quốc lâm nguy, đại bộ phận đồng bào miền Nam nói chung, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nói riêng vẫn một lòng một dạ theo cách mạng, người này ngã xuống thì người khác đứng lên, tiếp tục cuộc đấu tranh bất khuất chống lại cường quyền, áp bức và khủng bố tàn khốc của địch để giành lấy nền hòa bình cho dân tộc. Không khí lên đường tòng quân nhộn nhịp khắp nơi, người người đăng ký ra tiền tuyến để đối mặt với kẻ thù với tâm thế “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Chú Nguyễn Hấn (Tám Hớ), xã Tân Hội, TX. Cai Lậy nhớ lại: Không đợi đến tuổi trưởng thành, nhiều thiếu niên 14 - 15 tuổi đã tham gia du kích mật (đi thơ, báo cáo tình hình địch…), mong muốn chung vai, góp sức cùng với cha anh bảo vệ Tổ quốc. Lớn hơn một chút, chừng 16 - 17 tuổi là có thể cầm súng trực tiếp chiến đấu. Trong gia đình chú, anh trai thứ Hai tham gia du kích ở xã trước, rồi đến người anh trai thứ Năm, sau đó đến chú và người em út lần lượt lên đường tòng quân.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hồi ức về cái ngày lên đường tham gia cách mạng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng (Sáu Lưỡng), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9. Chú Sáu bồi hồi nhớ lại:

Lúc ấy (năm 1962) mới 13 tuổi, chú Hai Mung, Bí thư Chi bộ xã Thanh Hòa (huyện Cai Lậy) đến nhà xin ba của chú cho chú tham gia cách mạng. Ba của chú Sáu hỏi: “Con có muốn đi không?”. Chú Sáu bảo từ lâu chú đã muốn đi theo các anh, các chú du kích. Khi ấy, chú Sáu phải nâng lên thêm 3 tuổi để đủ tiêu chuẩn vào biên chế quân ngũ.

Đại tá Lê Dũng cho biết: Cha của chú là bộ đội, năm 1962 người chị thứ hai của chú (Anh hùng LLVT Lê Thị Lệ Chi) cũng thoát ly, tham gia cách mạng; sang năm 1963 thì người anh thứ ba của chú cũng thoát ly tham gia kháng chiến. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1965 chú tham gia Đội biệt động Thành đội Mỹ Tho. Lúc ấy chú mới bước sang tuổi 17, đang là học sinh. Nhiều bạn bè học cùng lớp, cùng khóa với chú cũng tham gia hoạt động bí mật.

Người cựu tù kháng chiến Nguyễn Minh Tâm (Trưởng Ban liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh) cũng nhớ như in cái ngày mình thoát ly, tham gia cách mạng. Năm 1967, chú Tâm đang đi học trên Sài Gòn thì được tin cha hy sinh. Chú Tâm về quê ở Phước Trung (Gò Công) chịu tang cha. Được các chú là bạn của cha dìu dắt, chú Tâm quyết định thoát ly.

Cậu học trò Nguyễn Minh Tâm lúc ấy chưa đầy 16 tuổi, lên đường tòng quân, hành trang mang theo là ý chí quyết tâm phải trả thù cho cha. Chú Tâm nhớ lại: Gia đình chú có truyền thống cách mạng, cha, anh và chị đều tham gia cách mạng nên mới 13 tuổi chú đã biết căm thù giặc, biết yêu nước và mong muốn được tiếp nối truyền thống của gia đình đi chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hậu (ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) nhớ lại, tiếp nối truyền thống gia đình, người con gái đầu và người con trai thứ hai của mẹ thoát ly tham gia cách mạng khi mới 16 và 13 tuổi.

Còn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thơm (ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) chỉ có 2 con trai, nhưng cả 2 đều nối bước theo cha tham gia cách mạng. Mẹ Nguyễn Thị Thơm bùi ngùi nhớ lại: Cả 2 anh tham gia cách mạng khi mới ngoài 20 tuổi.  

Dù đã 47 năm trôi qua, nhưng dòng ký ức về ngày đăng ký lên đường tòng quân giết giặc vẫn tươi nguyên trong ký ức người cựu chiến binh Nguyễn Thành Đô (xã Tân Hội, TX. Cai Lậy) như mới hôm qua. Thượng tá Nguyễn Thành Đô bồi hồi kể: Một đêm tháng 4-1968, đoàn văn công về xã biểu diễn văn nghệ. Với cây đàn Mandolin, giọng anh văn công cất lên hào hùng: “Trên đời gì đẹp cho bằng, xin vào lực lượng vũ trang, quyết ra trận đánh tan quân thù…”.

Tiếng hát vừa dứt, thanh niên ào ào kéo lên sân khấu đăng ký đi tòng quân giết giặc. Thượng tá Nguyễn Thành Đô cũng tham gia đăng ký đi tòng quân trong đêm ấy…

NGUYÊN CHƯƠNG

(còn tiếp)

.
.
.