Thứ Hai, 11/05/2015, 15:51 (GMT+7)
.

Nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982

Ngày 10-12-1982, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật biển 1982) được hình thành. Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 16-11-1994. Công ước Luật Biển 1982 là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, là cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước xung quanh Biển Đông.

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX kỳ họp thứ năm đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Là thành viên Công ước Luật biển 1982, Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp này theo các quy định của Công ước.

Công ước Luật biển 1982 quy định toàn bộ các vấn đề liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, cũng như những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương. Những điều khoản quan trọng nhất quy định về việc thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển, trạng thái biển đảo và các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng lòng biển sâu, chính sách khai thác, …

Một số nội dung quan trọng đã được quy định trong Công ước Luật biển 1982 như sau:

- Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền đầy đủ đối với vùng lãnh hải mà họ có quyền thiết lập với chiều rộng không quá 12 hải lý. Tuy vậy, chủ quyền  này không phải là tuyệt đối vì tàu thuyền nước ngoài được phép “đi qua vô hại” trong vùng lãnh hải. Tàu thuyền và máy bay được phép “đi quá cảnh” qua các dải hẹp, eo biển được sử dụng cho hàng hải quốc tế.

- Ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định dựa trên các quy tắc áp dụng cho lãnh thổ đất liền. Quốc gia có biên giới với eo biển có thể điều tiết lưu thông hàng hải và các khía cạnh khác liên quan đến đi lại, lưu thông…

- Quốc gia quần đảo, được tạo thành bởi nhóm hoặc các nhóm đảo liên quan gần gũi và những vùng nước tiếp liền, sẽ có chủ quyền đối với vùng biển nằm trong các đường thẳng được vẽ bởi các điểm xa nhất của các đảo, vùng nước bên trong các đảo được gọi là vùng nước quần đảo, và các quốc gia này có thể thiết lập các đường đi lại cho tầu thuyền và hàng không, trong đó các quốc gia khác có thể được hưởng quyền qua lại các quần đảo bằng các tuyến đường biển đã định.

- Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý, đối với tài nguyên thiên nhiên và một số hoạt động kinh tế, và thực hiện quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không và tự do đặt dây cáp ngầm và đường ống.

 - Quốc gia không có biển hoặc bất lợi về địa lý có quyền tham gia trên cơ sở công bằng trong việc khai thác một phần thích hợp trong số phần dư dôi của các tài nguyên sống trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển trong cùng khu vực hoặc tiểu khu vực; các loài di cư như cá hoặc sinh vật biển được bảo vệ đặc biệt.

 - Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa (khu vực đáy biển của quốc gia) trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa. Thềm lục địa có thể kéo dài ít nhất là 200 hải lý từ bờ biển, và có thể  kéo dài không quá 350 hải lý trong những điều kiện cụ thể. Quốc gia ven biển chia sẻ với cộng đồng quốc tế phần lợi tức thu được do khai thác tài nguyên từ bất cứ khu vực nào trong thềm lục địa của quốc gia đó khi nó kéo dài quá 200 hải lý. Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (được thành lập theo Phụ lục II trong Công ước Luật biển 1982) sẽ có ý kiến đối với quốc gia liên quan về ranh giới ngoài của thềm lục địa khi nó kéo dài quá 200 hải lý.

 - Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do truyền thống về hàng hải, bay qua, nghiên cứu khoa học và đánh cá trên vùng biển quốc tế. Các quốc gia có trách nhiệm hợp tác với nhau trong việc thông qua các biện pháp để quản lý và bảo tồn các tài nguyên sống trên biển.

  - Các quốc gia có chung biên giới với biển kín hoặc nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc quản lý tài nguyên sống, có chính sách và hoạt động về môi trường cũng như nghiên cứu khoa học. Các quốc gia không có biển có quyền tiếp cận với biển và được tự do quá cảnh thông qua nước quá cảnh để ra biển. Các quốc gia phải ngăn chặn và kiểm soát ô nhiểm môi trường biển và phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra do sự vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình để kiềm chế những sự ô nhiễm đó.

 - Tất cả các nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tuy vậy, hầu như trong tất cả mọi trường hợp, quốc gia ven biển có trách nhiệm đồng ý với đề nghị của các quốc gia khác khi việc nghiên cứu được tiến hành vì mục đích hòa bình và đã thực hiện một số yêu cầu chi tiết. Các quốc gia cam kết tăng cường phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển trong những điều kiện “ công bằng và hợp lý” có tính đến đầy đủ những lợi ích hợp pháp.

- Các quốc gia thành viên phải giải quyết bằng biện pháp hoà bình các tranh chấp liên quan đến việc hiểu và áp dụng Công ước. Các tranh chấp cần được trình lên Toà án quốc tế về luật biển (được thành lập theo Công ước), trình lên Tòa án công lý quốc tế hoặc trọng tài. Tòa án có quyền tài phán riêng biệt đối với những tranh chấp liên quan đến khai thác ở đáy biển.

Nguồn Sở Thông tin và Truyền Thông

.
.
.