Thứ Hai, 23/11/2015, 13:37 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 75 NĂM KHỞI NGHĨA NAM KỲ (23-11-1940 - 23-11-2015)

Mỹ Tho - Gò Công trong khởi nghĩa Nam kỳ

Giữa lúc khí thế cách mạng của quần chúng lên cao thì Tỉnh ủy Mỹ Tho nhận được thông báo của Xứ ủy về việc phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra; trong khi đó binh lính ở Nam kỳ sắp bị thực dân Pháp đưa sang mặt trận Xiêm Riệp (Campuchia) đánh nhau với Thái Lan. Tình hình đó càng thúc giục Đảng bộ và nhân dân Mỹ Tho - Gò Công tích cực chuẩn bị và chờ lệnh khởi nghĩa.

Các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa về thăm nhà bà Năm Dẹm - nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày 23-11-1940 (tại xã Tân Hương, quận Châu Thành).
Các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa về thăm nhà bà Năm Dẹm - nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày 23-11-1940 (tại xã Tân Hương, quận Châu Thành).

20 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy tại xã Trung An. Trong Bản mệnh lệnh quy định 0 giờ ngày 23-11 sẽ bắt đầu khởi nghĩa và chỉ rõ: Du kích đánh chiếm các đồn bót, quận, xã, cắt đứt đường giao thông của địch, nhất là lộ Đông Dương (Quốc lộ 1 ngày nay), chặn đứng địch từ miền Tây, miền Trung Nam bộ kéo về ứng cứu Sài Gòn. Sau ngày giải phóng Sài Gòn, quân khởi nghĩa kéo xuống các tỉnh, phối hợp với du kích đánh úp thị xã.

Tuy nhiên, do kế hoạch ở Sài Gòn bị lộ, sáng ngày 22-11 bọn địch ở Sài Gòn tiến hành 50 cuộc vây ráp, bắt bớ. Chúng bắt được hàng chục cán bộ cách mạng, trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng và đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.

Mặc dù bị lộ, bọn địch đã bố phòng, nhưng khi lệnh khởi nghĩa được đưa xuống Mỹ Tho thông qua hệ thống tổ chức từ trước, Tỉnh ủy Mỹ Tho phổ biến nhanh chóng xuống tận cơ sở. Cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho, Gò Công nổ ra đúng kế hoạch, mỗi khu vực có các đồng chí trong Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo.

Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo ở Cai Lậy; đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo trực tiếp ở Châu Thành; đồng chí Lê Quang Sô chịu trách nhiệm tập hợp lực lượng của các làng Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh… sẵn sàng vượt sông Bảo Định “nhập thành” cùng lực lượng tại chỗ và làng Trung An (quận Châu Thành) đánh chiếm tỉnh lỵ Mỹ Tho.

Từ nửa đêm 22 đến rạng sáng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho bắt đầu nổ ra ở một số trung tâm. Từ trung tâm, tiếng trống, mõ dồn dập thay tiếng pháo lệnh làm bùng nổ cuộc khởi nghĩa trên phạm vi cả tỉnh. Hàng chục ngàn quần chúng đủ mọi tầng lớp, không phân biệt già, trẻ với băng cờ, khẩu hiệu, đèn đuốc sáng trời đã tập hợp lại theo từng khu vực của một xã hoặc liên xã. Mỗi khu vực quần chúng được nghe Ủy ban Khởi nghĩa phát động khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Hơn 0 giờ ngày 23-11, hàng ngàn quần chúng của khu vực Long Hưng - Thạnh Phú đã nổi dậy khởi nghĩa. Đây là địa bàn hết sức quan trọng, từ đây lực lượng khởi nghĩa có thể đánh vào Mỹ Tho, cắt đứt con đường huyết mạch nối Sài Gòn và miền Tây Nam bộ. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng pháo tre vang khắp xóm làng. Quần chúng tự vũ trang bằng vũ khí thô sơ, rầm rập kéo đến những địa điểm đã quy ước trước, nghe Ủy ban Khởi nghĩa phát lệnh và kéo đến trụ sở tề xã cướp chính quyền về tay nhân dân…

Đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho đánh mõ truyền thống nhân Lễ Kỷ niệm 39 năm khởi nghĩa Nam kỳ được tổ chức tại Tiền Giang (23-11-1940 - 23-11-1979).
Đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho đánh mõ truyền thống nhân Lễ Kỷ niệm 39 năm khởi nghĩa Nam kỳ được tổ chức tại Tiền Giang (23-11-1940 - 23-11-1979).

Khu vực Đạo Thạnh là trung tâm khởi nghĩa của các xã Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh (quận Chợ Gạo), Trung An (quận Châu Thành) và một phần của các xã Thanh Bình, Lương Hòa Lạc. Đêm
22 rạng sáng ngày 23-11-1940, quần chúng đã đồng loạt nổi dậy và tập trung về Đạo Thạnh gần 4.000 người, được trang bị dao, mác, gậy gộc, xuồng ghe để chuẩn bị “nhập thành” đánh chiếm tỉnh lỵ.

Lực lượng khởi nghĩa đã chiếm trụ sở địch ở xã Đạo Thạnh, sau đó kéo quân về ấp 1, ấp 2 ém quân chờ lệnh “nhập thành”. Đến chiều ngày 23-11, không thấy lệnh “nhập thành”, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Lê Quang Sô đã chỉ đạo cho các xã giải tán, chờ lệnh mới.

Ở quận Chợ Gạo, dưới dự chỉ đạo của Quận ủy, ngày 23-11 Ủy ban khởi nghĩa đã huy động hàng ngàn người từ các xã Quơn Long, Đăng Hưng Phước, Bình Phục Nhất, Tân Thuận Bình, Long Bình Điền, Song Bình… xuống đường đánh trống, mõ, bao vây bức hàng đồn bót tề.

Tên chủ quận Chợ Gạo hạ lệnh cho lính đến đàn áp nhưng trước khí thế của quần chúng, bọn lính hoảng sợ bỏ chạy. Thừa thế, lực lượng khởi  nghĩa trở về đánh chiếm, đốt tất cả các trụ sở xã, giành chính quyền, làm chủ các xã trên. Sau đó, ban ngày lực lượng khởi nghĩa giải tán, ban đêm tổ chức mít tinh, diễn thuyết, diễn văn nghệ… nhân dân hoàn toàn làm chủ xã, ấp mình…

Ở quận Cái Bè, nhân dân xã Đông Hòa Hiệp hưởng ứng cuộc khởi nghĩa bằng nhiều hình thức treo cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ, rải truyền đơn kêu gọi toàn dân vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Các xã Mỹ Thiện, An Thái Trung, Mỹ Lương, Thanh Hưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quần chúng đã kéo đi khui kho lúa của các tên Cả Kiệt, Huyện Thanh, Phủ Mầu, Sư Sanh… chia cho dân nghèo.

Ở thị xã Mỹ Tho, do kế hoạch bị lộ, tại thị xã địch đã tổ chức bố trí canh phòng rất cẩn mật. Chúng huy động lính tập, mã tà, khố xanh, mật thám chốt giữ các trọng điểm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát gắt gao và ban hành lệnh giới nghiêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng.

Tuy thị xã Mỹ Tho không tổ chức khởi nghĩa nhưng đã tổ chức hưởng ứng khởi nghĩa với các hình thức như: Lực lượng tự vệ ở hãng xưởng cùng với công nhân được tổ chức sẵn sàng phối hợp với lực lượng khởi nghĩa nổi dậy khi có thời cơ, tham gia bí mật sản xuất vũ khí để gửi ra căn cứ ủng hộ khởi nghĩa.

Tại Gò Công, nhân dân ấp Ninh Đồng B (xã Đồng Sơn) nổi lên khởi nghĩa cùng với xã Quơn Long, quận Chợ Gạo; một số làng, xã dọc lộ 24 như Bình Phú Tây, Vĩnh Thạnh, Long Chánh đã chuẩn bị phá lộ, cưa cây khi có lệnh khởi nghĩa, nhưng chưa làm vì lệnh khởi nghĩa đến chậm. Khi nghe tiếng trống mõ khắp nơi vọng đến, một số xã tiến hành rải truyền đơn như xã Tân Hòa, Tân Thành, Tân Niên Tây, Vĩnh Hựu và rải cả vào dinh tỉnh trưởng Gò Công.

Tính chung, từ ngày 23-11 đến ngày 30-11-1940, toàn tỉnh Mỹ Tho - Gò Công có 75/124 làng (xã) đã giành được quyền làm chủ, bao gồm: Quận Cái Bè (2 xã), quận Cai Lậy (23 xã), quận Châu Thành (30 xã), quận Chợ Gạo (19 xã), Gò Công (1 xã). Trong đó có những xã nhân dân tham gia rất đông như: Long Hưng (quận Châu Thành) có 100% số hộ tham gia, xã Mỹ Hạnh Đông (quận Cai Lậy) có 96,8% số hộ tham gia…

Từ ngày 21 đến 27-7-1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập cuộc họp Hội nghị toàn Xứ tại nhà bà Lê Thị Lợi (Năm Dẹm) tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

Tham dự hội nghị có 24 đại biểu thuộc 19 tỉnh trong số 21 tỉnh, thành của Nam kỳ. Đại biểu tỉnh Mỹ Tho có 2 đồng chí đó là: Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự.

Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và đã tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người dự tại đình Long Hưng. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng, trước đình Long Hưng và trước cổng trụ sở (trước cổng đình) một băng rôn được treo với dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”.

Chỉ hơn 1 tháng làm chủ, nhân dân Mỹ Tho tự mình thực hiện quyền tự do, bình đẳng, đoàn kết và hành động dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng. Những việc tự mình làm và những thành tựu đạt được đã để lại dấu ấn sâu đậm, hào hùng về một chính quyền dân chủ, chủ trương khoan dung, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tiền Giang nói riêng, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nói chung nổ ra trong điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ... Cuộc khởi nghĩa tuy chưa thành công, nhưng đã làm lung lay nền thống trị mà thực dân Pháp áp đặt gần 80 năm; đồng thời thức tỉnh tinh thần yêu nước, động viên mọi người tham gia đấu tranh, tiến lên làm chủ vận mệnh của mình, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

HỒNG LÊ

.
.
.