.
KỶ NIỆM 232 NĂM CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT (20-1-1785 - 20-1-2017)

Tự hào về những chiến công hiển hách của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn

Cập nhật: 18:25, 18/01/2017 (GMT+7)

Trong lần tháp tùng Đoàn thể thao tỉnh tham dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam 2016 tại TP. Quy Nhơn, chúng tôi có dịp đến tham quan Bảo tàng Quang Trung ở thị trấn Phú Phong - mảnh đất quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Bảo tàng được khánh thành năm 1978, đường nét cổ kính, trang nghiêm, hài hòa với cảnh quan. Đây là một trong những bảo tàng danh nhân thu hút nhiều lượng khách đến tham quan ở Việt Nam. Bảo tàng trưng bày khoảng 11.000 hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và vị Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây còn có điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, thờ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các văn thần, võ tướng của nhà Tây Sơn.

Toàn cảnh Bảo tàng Quang Trung.
Toàn cảnh Bảo tàng Quang Trung.

Hằng ngày, bảo tàng luôn có du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đông nhất là vào ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm - Ngày kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Du khách đến tham quan, thắp hương Hoàng đế Quang Trung các văn thần, võ tướng của nhà Tây Sơn.

Bảo tàng có 9 phòng trưng bày những di vật quan trọng liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Nằm trong quần thể Bảo tàng Quang Trung là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và các danh tướng thời Tây Sơn. Điện được xây dựng trên chính nền nhà cũ của 3 anh em nhà Tây Sơn. Điện được nhân dân góp công xây dựng vào năm 1958 và hoàn thành vào năm 1960, với tổng diện tích 2.325 m². Trong bảo tàng có 3 nhóm nhà chính, gợi ra 3 hướng tỏa vào sân tượng, cùng với đường vào từ phía cổng bảo tàng, tạo nên bố cục sân tượng tròn và cân đối, mở ra 4 hướng, lại tụ vào 1 điểm, là nơi đặt tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhìn bề ngoài, kiến trúc Bảo tàng Quang Trung mang đường nét cổ, với những hàng cột được nhắc lại có nhịp điệu và những lớp mái cong khỏe khoắn nhưng vẫn lãng mạn, hài hòa.

Trước sân rộng có cổng tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ viết bằng chữ quốc ngữ. Chính điện gồm 3 gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính; gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc và gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. 2 đầu hồi là ban thờ các văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ…

Hiện trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại 2 di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ). Cây me cổ thụ nằm bên trái điện Tây Sơn, cành lá sum suê che mát cả một góc vườn. Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9 m, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc, trước đây xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ. Sau này dân làng vét sâu thêm và xây thành giếng cao hơn mặt đất 0,8 m để làm giếng chung cho cả làng.

Đến với Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ được nghe thuyết minh, giới thiệu về những chiến tích lẫy lừng và chiêm ngưỡng những hiện vật quan trọng in đậm chiến công hiển hách của các vị Anh hùng áo vải Tây Sơn như: Trống trận, cồng chiêng, ấn tín, 18 loại binh khí thô sơ… giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh bại 5 vạn quân Xiêm đến Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh. Trên các bức tường còn khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các quan văn, quan võ dưới triều đại Tây Sơn. Ngoài ra, du khách còn được ngắm sắc phục đã được lưu giữ hàng trăm năm qua của các vị quan này.

Đến Bảo tàng Quang Trung, du khách như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất để giữ gìn quê hương, đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

NGUYỄN HỮU

.
.
.