Thứ Hai, 20/03/2017, 21:46 (GMT+7)
.

Đấu tranh chống thủ đoạn suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện

Xưa có câu chuyện, đại để là, hai vương quốc láng giềng thù nghịch nhau, nhà vua nước bên này mới hỏi các vị tướng dưới trướng có cách gì làm rối loạn lòng dân nước bên kia. Một vị tướng thật thà tâu nước bên đó cái gì cũng tốt. Vua gặng hỏi: Thế không có người dân nào bị phạt tù hoặc bị đói rét? Vị tướng tâu: Cái đó thì nước nào cũng có ạ. Nghe xong, vua liền phán: Công việc của ngươi là từ việc nhỏ nhặt này mà làm lớn chuyện khiến lòng dân bên đó bất ổn sinh ra chống đối.

Qua câu chuyện trên cho thấy, người xưa đã sớm sử dụng thuật chiến tranh tâm lý, lợi dụng một hiện tượng có thật dù rất nhỏ để suy đoán, thêm thắt, thổi phồng, bịa đặt, dựng chuyện. Thuật chiến tranh tâm lý này lợi dụng tâm lý từ một hiện tượng có thật dù rất nhỏ, tạo ra nghi ngờ “không có lửa làm sao có khói”; một hiện tượng không có thật nhưng nói đi nói lại nhiều lần tưởng là có thật như câu chuyện Tăng Sâm giết người.

Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị thường tiến hành khai thác một số hiện tượng cá biệt rồi suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện, quy kết thành bản chất để đưa lên Internet chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đơn cử, chúng lấy một vụ án tham nhũng cụ thể nào đó rồi lu loa lên tham nhũng hiện nay tràn lan, Đảng và Nhà nước bất lực trong chống tham nhũng. Hoặc từ đời sống người dân ở một số nơi còn khó khăn, bọn chúng lu loa kinh tế Việt Nam bao năm dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn nghèo nàn, lạc hậu, dân chúng khổ sở…

Vì thế, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận ra thủ đoạn thâm độc của bọn chúng, cảnh giác, miễn dịch và tỉnh táo đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc với thông tin loại này của bọn chúng trở thành một yêu cầu cấp bách.

NHƯ NGỌC

.
.
.