Thứ Hai, 20/03/2017, 21:19 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Ngày 26-12-2016, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 10-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 3-2-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định 65- QĐ/TW; thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 7-3-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Đảng văn chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định 65-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước và các cơ quan báo chí trong thông tin tuyên truyền, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng.

Để góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống  tham nhũng, trên cơ sở quán triệt sâu sắc 3 quan điểm của Kết luận 10-KL/TW:

Một là, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Hai là, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Ba là, kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

Các cấp, các ngành, đoàn thể và cơ quan báo, đài cần tập trung một số nội dung sau: Tuyên truyền làm rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Gắn tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí với tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khuyến khích tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện nghiêm túc phương châm: “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tuyên truyền kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chính trị của Đảng và kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giới thiệu, biểu dương gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; đẩy mạnh việc đấu tranh, phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù định, phần tử phản động, cơ hội chính trị về tình hình tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam; âm mưu lợi dụng vấn đề tham nhũng, lãng phí để “bôi nhọ” chế độ, chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính chiến đấu của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền; tích cực, chủ động tham gia phát hiện các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí; thông tin kịp thời, chính xác, trung thực cho các cơ quan chức năng; lên án, đấu tranh không khoan nhượng đối với các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che cho tham nhũng, lãng phí; thực hiện chức năng giám sát, tạo dư luận xã hội để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Việc thông tin cần thực hiện đúng quy định của pháp luật và cơ quan chuyên môn; không suy diễn, chủ quan, thông tin một chiều, sai lệch; đưa tin, bài về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên báo chí theo kiểu giật gân, câu khách, suy diễn, võ đoán, thiếu tính giáo dục, tính định hướng; không lợi dụng cung cấp thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

Chú trọng giới thiệu, biểu dương các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

THANH HIỀN

.
.
.