Thứ Bảy, 08/04/2017, 19:03 (GMT+7)
.

Chuyện về Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Nghiệp

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đoàn Thị Nghiệp, sinh năm 1925 tại xã Hội Cư, huỵên Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Khi lập gia đình, bà về quê chồng tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chồng bà là ông Bùi Văn Thô, sinh năm 1924, quê Bình Thạnh- Bình Phú -Cai Lậy -Tiền Giang, nguyên là trung tá quân đội nhân dân Việt Nam. Bà có hai người con là Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, cả 2 đều đã hy sinh.

n
Lễ cắt băng khánh thành Tượng đài Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Nghiệp. Ảnh: Việt Ngân

Năm 1946 bà tham gia cách mạng tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, làm công tác phụ nữ, lãnh đạo và vận động chị em tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, như đóng góp lương thực, thực phẩm thuốc men cho bộ đội, đi dân công phục vụ chiến trường,... Sau năm 1954, bà vẫn tiếp tục bám trụ ở địa bàn công tác cũ, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị. Nhờ thành tích trong công tác, bà được bầu làm Huyện ủy viên huyện Cai Lậy.

Trong những năm 1959 - 1960, mặc dù phong trào cách mạng ở địa phương bị địch đánh phá ác liệt, nhưng bà vẫn kiên cường bám chặt địa bàn cơ sở và cùng Huyện ủy ra sức củng cố xây dựng các chi bộ Đảng, phát động phong trào quần chúng và tổ chức lực lượng vũ trang của huyện. Sau đó, do yêu cầu của tổ chức bà được điều sang An Giang công tác.

Ngày 6-4, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Hội phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Thị Nghiệp (huyện Cái Bè) tổ chức Lễ khánh thành tượng đài và kỷ niệm 45 năm ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Nghiệp.

Tượng đài bà Đoàn Thị Nghiệp được xây dựng trên khuôn viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Nghiệp, có chiều cao 1,2m, ngang 1m, bằng chất liệu đá Granite màu xám trắng, với tổng kinh phí xây dựng 144 triệu đồng, do Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè hỗ trợ 80 triệu đồng, phần còn lại do các nhà hảo tâm, phụ huynh học sinh, giáo viên, học sinh của trường đóng góp.

Năm 1967, bà được điều về Mỹ Tho và công tác tại mặt trận vành đai diệt Mỹ Bình Đức. Tại đây, bà đã lập kế hoạch bắt sống được một sĩ quan Mỹ. Đồng thời, bà còn tham gia nhiều trận đánh vào căn cứ Đồng Tâm do sư đoàn 9 Mỹ chiếm đóng.

Năm 1968, bà được phân công phụ trách mảng 4 Cai Lậy Bắc. Thực hiện nghiêm túc và sáng tạo chủ trương “Bám trụ đánh địch” của Tỉnh Đội, bà đã thành lập “Mặt trận chống phá bình định”, mà lực lượng chủ yếu là các cơ quan của Tỉnh Đội và du kích các xã trong khu vực, nhằm kiên quyết bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét của địch, giữ vững địa bàn đứng chân.

Tháng 4 năm 1972, địch huy động hai tiểu đoàn đánh phá ác liệt vào cơ quan Huyện đội Cai Lậy Bắc đóng ở xã Phú Nhuận (Cai Lậy). Lúc này, do các đơn vị điều đi tác chiến ở các chiến trường trong tỉnh, nên tại cơ quan Tỉnh Đội chỉ còn 5 chiến sĩ và 8 du kích xã. Với cương vị là Tỉnh Đội phó, bà đã nhanh chóng tổ chức chỉ huy chiến đấu, ỷ vào quân đông, địch liên tục mở nhiều đợt đột kích, nhưng điều bị quân ta đánh bật ra.

Đến 12 giờ trưa ngày 22-4-1974, địch mới tiến vào vòng ngoài khu căn cứ. Lúc bấy giờ bà bị thương nặng và sa vào tay địch. Biết bà giữ chức vụ quan trọng của Tỉnh Đội Mỹ Tho, địch vừa mua chuộc, dụ dỗ, vừa tra tấn dã man nhằm buộc bà phải đầu hàng nhưng bà đã không chịu khuất phục và anh dũng hy sinh sinh lúc 22 giờ  ngày 22-4-1972 tức nhằm ngày mùng 9-3-1972  âm lịch.

Bà được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương chiến sỹ vẻ vang, ba Huân chương giải phóng hạng I, II, III, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Tên bà được đặt tên trường Trung học cơ sở của xã Bình Phú (huyện Cai Lậy), trường Tiểu học ở xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè), tên đường trung tâm huyện lỵ Cai Lậy và TP. Mỹ Tho.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng LLVTND Đoàn Thị Nghiệp đã được đạo diễn Bùi Đình Thứ khắc họa trong bộ phim Rặng Trâm bầu do Hãng phim Phương Nam, Phát hành phim Quân đội và Đài Phát thanh truyền hình Tiền Giang phối hợp sản xuất.

HOÀNG AN

(Bài viết có tham khảo tư liệu lịch sử của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cai Lậy năm 2006)


 

.
.
.