Thứ Ba, 23/05/2017, 08:55 (GMT+7)
.
45 năm Mùa hè đỏ lửa:

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước....

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm trong Mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị đã khép lại đúng 45 năm nhưng dư âm khói lửa chiến tranh vẫn còn đọng lại trong lòng bao thế hệ, nhất là đối với những người được sinh ra sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

D
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Đến Quảng Trị, mảnh đất đau thương mà anh dũng, chúng tôi không thể nào quên được những chiến công trong 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) mà thế hệ cha, anh đã xả thân quyết chiến với kẻ thù trong Mùa hè đỏ lửa để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đông đảo người dân đến với Thành cổ Quảng trị.
Đông đảo người dân đến với Thành cổ Quảng Trị.

 45 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến Mùa hè đỏ lửa, trong chúng ta đều bùi ngùi nhớ đến 4 câu thơ trong bài Đò xuôi Thạch Hãn của cựu chiến binh Lê Bá Dương, anh cũng là người có ý tưởng thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ đồng đội nhân ngày 27-7 hàng năm:

“Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Những chứng tích lịch sử còn lại sau Mùa hè đỏ lửa.
Những chứng tích lịch sử còn lại sau Mùa hè đỏ lửa.

Lần giở những trang thư của các liệt sĩ tại chiến trường Thành cổ đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị mới hiểu hết ý nghĩa của ngày chiến thắng. Đó là những bức thư cuối cùng của các chiến sĩ đã viết trước khi bước vào một trận chiến đấu mà ở đó hy sinh đang chực chờ. Mãi đến gần 30 năm sau Mùa hè đỏ lửa, những bức thư của người lính cụ Hồ mới được tìm thấy trong những ngôi mộ chôn tập thể tại Thành cổ Quảng Trị. Có lẽ bấy nhiêu cũng đủ nói lên những điều mà thế hệ sau mãi mãi ghi công.

D
Số liệu chiến thắng của ta và thất bại của địch.

Và đó cũng là cảm xúc của những người đến thăm Thành cổ Quảng Trị hôm nay: “Tôi là con của đất Củ Chi - vùng đất thép thành đồng - đến đây nghe kể về 81 ngày đêm sống, chiến đấu trên vùng đất khô cằn nơi xứ Quảng, tôi rất xúc động và đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ”.

D
Cảm nghĩ của người con đất Củ Chi khi đến Thành cổ Quảng Trị.

Còn với ông Vũ Hữu Tuệ, người Thái Bình viết: “Các anh đã viết lên trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng tôi sẽ đời đời ghi nhớ, tiếp bước noi theo đem lại phồn vinh và hạnh phúc cho dân tộc”.

D
Cảm xúc của ông Vũ Hữu Tuệ.

Khói lửa chiến tranh đã khép lại 45 năm, vùng đất Quảng Trị nay đã hồi sinh, thay đổi từng ngày. Những chồi non đã nảy nở như tiếp nối truyền thống hào hùng mà cha anh đã viết nên trong Mùa hè đỏ lửa năm xưa...

ANH PHƯƠNG

.
.
.