Thứ Tư, 31/05/2017, 15:02 (GMT+7)
.

Bài học sâu sắc không chỉ riêng ai

Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần lượt ký 2 quyết định kỷ luật ông Lê Minh Tùng với hình thức khai trừ Đảng và cách chức Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy do vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được làm. Cụ thể là, lợi dụng danh nghĩa Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian qua, ông Tùng đã vay nợ của nhiều người với số tiền lớn, không có khả năng chi trả. Vi phạm này gây ảnh hưởng không tốt, làm mất uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh và cá nhân ông Tùng.

Việc kỷ luật ông Tùng chứng tỏ Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Qua sự việc này đã để lại bài học sâu sắc trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên đối với cơ quan, chi bộ nơi cán bộ, đảng viên sinh hoạt và công tác; bài học về thường xuyên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và bài học về kịp thời phát hiện vi phạm của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, qua sự việc này, chúng ta suy nghĩ nhiều về hiệu quả của chế độ tự phê bình và phê bình, về thực hiện quy định đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra, giám sát... trong thực tế có nơi còn hạn chế, hình thức, nhiều  biện pháp như  vậy mà còn để “lọt lưới” cán bộ, đảng viên vi phạm.

Sai phạm này trước hết thuộc về cá nhân ông Tùng đã không tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được làm. Việc này đã hủy hoại cả quá trình cống hiến của bản thân ông Tùng trước đó với bao khát vọng tốt đẹp. Sự việc cho thấy, từ lâu bản thân ông Tùng đã vi phạm khuyết điểm nhưng đã không mạnh dạn khắc phục sửa chữa, không kịp thời báo cáo cơ quan, chi bộ nơi mình công tác, sinh hoạt, để đến khi nghiêm trọng thì không còn kịp nữa.

Sai phạm của ông Tùng diễn ra trong nhiều năm, có liên quan đến nhiều người, mà lãnh đạo cơ quan, chi bộ nơi ông Tùng công tác và sinh hoạt, chi bộ nơi ông Tùng cư trú không hề hay biết, đến khi ông Tùng báo cáo với lãnh đạo cơ quan và người bị hại gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng mới biết thì đã muộn. Sự việc cho thấy, nhiều biện pháp từ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đến công tác kiểm tra, giám sát tại cơ quan, chi bộ, nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên nhưng đã không kịp thời phát hiện và ngăn ngừa được vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Lỗ hổng trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên này đang là điều trăn trở của các cấp, các ngành, các chi bộ, cơ quan, đơn vị và biện pháp bít lỗ hổng này trong thực tế còn gặp lúng túng. Để lấp lỗ hổng này, người viết xin đề xuất một biện pháp nữa là: Cơ quan, chi bộ nơi quản lý cán bộ, đảng viên phải có biện pháp quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên không chỉ trong giờ làm việc, nắm chắc diễn biến  tư tưởng, tâm trạng xã hội của cán bộ, đảng viên và lắng nghe dư luận xã hội nói về cán bộ, đảng viên...

Vi phạm của ông Tùng nhưng là bài học sâu sắc đối với chúng ta.

NHƯ NGỌC

.
.
.