Thứ Năm, 25/05/2017, 06:32 (GMT+7)
.

Bí thư Tỉnh ủy và sự xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng

Lá cờ đỏ sao vàng là do Tỉnh ủy Mỹ Tho khởi xướng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, mà Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Phan Văn Khỏe

Năm 2005, tại Hội thảo khoa học “Mỹ Tho - từ cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945” do Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Lịch sử Đảng Trung ương phối hợp tổ chức vào tháng 11-2005, ông Trần Giang, trong tham luận “Những cống hiến lớn của nhân dân và Đảng bộ Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”, cho biết:

“Trong các hội nghị của Xứ ủy ở Tân Hương (Mỹ Tho) tháng 7-1940  và Xuân Thới Đông (Gia Định) tháng 9-1940 đã quyết định và phổ biến là sẽ dùng lá cờ đỏ sao vàng là cờ của Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế trong khi lãnh đạo quần chúng nổi dậy…

… Hội đồng biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ đã bàn và thấy rằng, hội nghị Tân Hương họp từ ngày 21 đến ngày 27-7-1940, đồng chí  Nguyễn Hữu Tiến và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên và Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, không dự. Chỉ ba ngày sau hội nghị Tân Hương bế mạc, ngày 30-7-1940, các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến bị bắt ở vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn cùng với nhiều tài liệu quan trọng… Trong số tài liệu đó có nói khi khởi nghĩa, ta dùng cờ Mặt trận, nhưng không nói rõ cờ Mặt trận hình thù, màu sắc ra sao”.

Quốc kỳ Việt Nam -  lá cờ đại diện cho một nước Việt Nam thống nhất.
Quốc kỳ Việt Nam - lá cờ biểu trưng của ý chí độc lập, tinh thần yêu nước. Ảnh:D.S

Trong hội đồng biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ có đồng chí Nguyễn Văn Cung, tức Ba Cung, là cán bộ của Xứ ủy lúc bấy giờ … về vấn đề lá cờ  đỏ sao vàng, đồng chí Nguyễn Văn Cung có ý kiến bằng văn bản như sau:

Tại khám lớn Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Văn Cung bị giam chung với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến… Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đoán biết địch sẽ xử tử đồng chí. Trong mấy tháng cùng bị giam, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến dạy đồng chí Nguyễn Văn Cung về lý luận cách mạng và kể cho nghe nhiều chuyện; nhưng chưa bao giờ, đồng chí nói về việc đồng chí  là người sáng tác vẽ lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí Nguyễn Văn Cung coi đồng chí Nguyễn Hữu Tiến như bậc thầy cách mạng của mình. Nếu đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người sáng tác đầu tiên về lá cờ, chắc chắn đồng chí sẽ kể cho nghe về suy nghĩ  trong khi vẽ ra lá cờ đó như thế nào.

Hội đồng biên soạn Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ đã thảo luận và kết luận thông tin về việc đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đầu tiên vẽ mẫu lá cờ đỏ sao vàng chưa có căn cứ khoa học xác đáng…”.

Tổng luận của Hội thảo khoa học “Mỹ Tho - từ cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945” do Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Lịch sử Đảng Trung ương phối hợp tổ chức vào tháng 11-2005 khẳng định: “Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 7 năm 1940 ở Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có nghị quyết về hình thức của chính quyền, Quốc kỳ, khẩu hiệu, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh”.

Cũng tại hội thảo này, dựa vào Hồi ký của ông Lê Quang Sô, hai tác giả Lê Minh Đức và Bùi Văn Phúc, trong tham luận “Sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng  trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940 ở Mỹ Tho” khẳng định lá cờ đỏ sao vàng là do Tỉnh ủy Mỹ Tho khởi xướng (Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Phan Văn Khỏe) và được Hội nghị Xứ ủy họp ở Tân Hương (Châu Thành, Tiền Giang) vào tháng 7-1940 thông qua, cụ thể:

“Đầu năm 1940, đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, có trao đổi với đồng chí Lê Quang Sô về việc nghiên cứu lá cờ của Mặt trận (tức Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương). Đồng chí Lê Quang Sô đã tham khảo ý kiến với ông Lê Kiến Đức, một nhà Nho học yêu nước, tiến bộ. Ông Đức nói: “Mỗi nước có lá cờ của mình, trong đó chứa đựng nội dung, ý nghĩa của nó, như cờ Pháp, cờ Liên Xô, cờ Nhật,... còn mình lấy cái gì làm nội dung đây”. Ý kiến của đồng chí Sô: lá cờ của Đảng mình là cờ đỏ búa liềm, nay thêm cờ Mặt trận, thêm một cờ đỏ nữa, nền đỏ phải giữ, còn bên trong vẽ cái gì thì phải tính. Nghĩ mãi rồi cũng phải ra, nội dung của lá cờ phải thể hiện tính chất chỉ đường, chỉ hướng và phải làm sao mỗi giai tầng xã hội cảm thấy có mình trong đó.

Đồng chí Lê Quang Sô và đồng chí Hồ Tri Hạ mày mò vẽ các kiểu ngôi sao, vẽ đi, vẽ lại nhiều lần, cuối cùng chọn ngôi sao năm cánh màu vàng vì thấy đẹp. Dần dà suy nghĩ, ngấm mới thấy ý nghĩa: màu vàng của ngôi sao là màu dân tộc, năm cánh thể hiện sự đoàn kết của năm giai tầng xã hội: công, nông, sĩ, thương, binh.

Lá cờ hình chữ nhật, nhưng ngôi sao đặt ở đâu? Ngôi sao được dời đi dời lại khắp mọi chỗ trên lá cờ, cuối cùng được chọn đặt ở vị trí chính giữa lá cờ, vì chỉ có ở vị trí đó mới thể hiện được tính chất trang nghiêm và mới có chỗ để ngôi sao đủ lớn nhằm là rõ năm cánh sao. Đồng chí Phan Văn Khỏe đồng ý với hình mẫu được phác thảo , lúc bấy giờ vào khoảng tháng 4-1940.

Hội nghị Xứ ủy họp vào tháng 7-1940 tại Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ... trong đó khẳng định quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh, nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, năm cánh sao tượng trưng cho tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đoàn kết, màu vàng có ý nghĩa là màu dân tộc. Kích cỡ lá cờ cũng được sơ bộ qui định thống nhất: lá cờ hình chữ nhật, bề dài bằng 1,5 bề ngang , ngôi sao năm cánh bằng 1/3 bề dài lá cờ và đặt ở trung tâm. Riêng cánh sao không qui định cụ thể, hình bầu hay nhọn đều được...

Như vậy, Hội nghị Xứ ủy tháng 7-1940 ở Tân Hương đã chấp nhận phác thảo lá cờ Mặt trận do Tỉnh ủy Mỹ Tho đề nghị làm Quốc kỳ của nước Việt Nam”.

Tác giả Nguyễn Thanh Tâm trong bài “Những đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong phong trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945)” cũng có ý kiến tương tự:

“Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ Tho là sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho trong thực tiễn phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam… Xuất hiện trước tiên ở Mỹ Tho, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của nhân dân Việt Nam. Sức sáng tạo cách mạng đó thuộc về Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho - Gò Công”.

Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập 1 (1927-1954)” cũng cho biết là hội nghị Xứ ủy Nam kỳ họp ở Tân Hương (tháng 7-1940) đã “Chọn lá cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho thông qua làm cờ Mặt trận và cờ Chính phủ”.

Đình Long Hưng, nơi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
Đình Long Hưng, nơi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Ảnh: D.S

Về việc đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, trực tiếp chỉ đạo đồng chí Lê Quang Sô phác thảo lá cờ và việc thiết kế lá cờ đỏ sao vàng, ông Lê Vũ Lang, con trai đồng chí Lê Quang Sô, trong “Tờ khai liên quan đến những người sáng tác lá cờ đỏ sao vàng” (tháng 12-2004),  cho biết: “...Đầu năm 1939, cha tôi là Lê Văn Sô (tức Lê Quang Sô) cùng với ông Hồ Tri Hạ (lớn hơn tôi trên 10 tuổi) loay hoay vẽ thử lá cờ có ngôi sao năm cánh. Lúc đầu vẽ dưới đất, ngôi sao ở góc trên, bên trái.

Khoảng tháng 8-1939, cha tôi có sai tôi đi chợ mua hai tờ giấy hồng đơn màu đỏ và vẽ lên đó ngôi sao bằng bút chì, rồi lấy vôi xoa vào làm ngôi sao trắng, rồi lại bôi đi, thay vị trí ngôi sao, cuối cùng để ở chính giữa. Cuối tháng tám năm đó, đồng chí Thẹo ghé hỏi: Có gì mới không? Cha tôi trả lời chỉ  xong cờ đỏ có ngôi sao, nhưng chưa ưng ý lắm. Đồng chí Thẹo sau này tôi mới biết rõ tên là Phan Văn Khỏe - Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ.

Tháng 4-1940, đồng chí Thẹo ghé nhà kiếm cha tôi vào buổi trưa trời nắng chang chang và ngồi nói chuyện rất lâu, Khoảng 3 giờ sáng, đồng chí Thẹo cùng với cha tôi thức dậy đi đâu không rõ. Khi trở về, cha tôi sai tôi in cho ông các loại truyền đơn có nội dung hiệu triệu các nơi ủng hộ tài chính cho cách mạng. Các tờ truyền đơn này đều có vẽ ngôi sao năm cánh.

Đến tháng 7-1940, cha tôi lại sai tôi đi chợ mua giấy hồng đơn màu đỏ và màu vàng. Hồi đó, cả Đạo Thạnh (nay là xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chỉ gia đình tôi là có xe đạp. Tôi đạp xe ra chợ Vĩnh Kim (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mua cho cha ba tờ giấy hồng đơn, hai tờ màu đỏ, một tờ màu vàng. Ông Hồ Tri Hạ đã vẽ hình ngôi sao lên giấy vàng và cắt theo đường chì vẽ, sau đó để lên tờ giấy màu đỏ, xoay tới xoay lui cho cha tôi coi. Cha tôi ưng ý để ngôi sao ở giữa và kêu tôi dán vào. Sau đó, cha tôi đem lá cờ giấy có nền đỏ sao vàng đi đâu không rõ”.

Kết luận

Về phương diện nghiên cứu lịch sử, chúng tôi cho rằng, hồi ký của ông Lê Quang Sô và “Tờ khai liên quan đến những người sáng tác lá cờ đỏ sao vàng” của ông Lê Vũ Lang là có độ tin cậy nhất định.

Trong hoàn cảnh nước ta hồi bấy giờ đang nằm dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp thì tài liệu thành văn đề cập đến các sự kiện và vấn đề lịch sử rất hiếm hoi, nhằm đảm bảo yếu tố bí mật, tránh sự phát hiện, truy lùng của chính quyền thuộc địa. Lúc bấy giờ, ta chưa có điều kiện lưu giữ tài liệu thành văn một cách đầy đủ được. Hơn nữa, trong và sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11-1940), thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng, đàn áp dã man cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Cho nên, tài liệu thành văn bị tiêu hủy, thất tán rất nhiều.

Do đó, ngày nay, muốn nghiên cứu lịch sử cách mạng trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, bên cạnh việc sử dụng tài liệu thành văn thì việc sử dụng tài liệu hồi ký và lời kể của các nhân chứng lịch sử là điều đương nhiên. Theo phát biểu của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Đường, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, tại Hội thảo về Khởi nghĩa Nam kỳ do Hội đồng Biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 14-12-2000, thì “đó là một cách làm tốt”  để dựng lại bức tranh lịch sử thời kỳ cả dân tộc tiến hành công cuộc giải phóng đất nước.

Ở đây, điều quan trọng là phải thẩm định tính chính xác của các loại tài liệu mà chúng tôi vừa nêu. Hồi ký của ông Lê Quang Sô được viết theo chủ trương viết hồi ký của các cán bộ cách mạng lão thành do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương chủ trì. Ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho rằng: “Theo tôi và các đồng chí của mình, hồi ký của đồng chí Lê Quang Sô được viết ở miền Bắc, theo gợi ý của Trung ương thì khó có thể viết sai được”. Theo hai tác giả Lê Minh Đức và Bùi Văn Phúc trong tham luận đã dẫn ở trên thì “Đài phát thanh Hà Nội phát thanh cách đây 2-3 năm và một lần mới đây, vào khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2005 với nội dung những hồi ký của các nhà hoạt động cách mạng được tổ chức viết trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1970 là đáng tin cậy và có thể sử dụng được”.

Như vậy, đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, theo chỉ đạo của Xứ ủy, đã cùng với các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy khởi xướng việc phác thảo lá cờ đỏ sao vàng; và lá cờ đó đã được Hội nghị Xứ ủy họp ở Tân Hương (tháng 7-1940) quyết định chọn làm cờ của Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế nhằm hiệu triệu, động viên nhân dân cả nước đứng lên lật đổ ách thống trị tàn bạo của đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do cho tổ quốc.

TS.NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập 1 (1927-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
2.    Lê Ánh Đào, Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả quốc kỳ, Trang thông tin điện tử Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04/11/2011.
3.    Hồi ký của ông Lê Quang Sô, Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang.
4.    Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Mỹ Tho – từ cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945” do Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Lịch sử Đảng Trung ương phối hợp tổ chức vào ngày 21/11/2005, Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang.
5.    Nhiều tác giả, Long Hưng, đất và người, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Thành, 2001.
6.    Những mẩu chuyện về khởi nghĩa Nam kỳ, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Tiền Giang, 2000.
7.    Bùi Thanh, Nguyễn Hữu Tiến hay Lê Quang Sô?, Báo Tuổi Trẻ, ngày 22/11/2006.
8.    Bùi Thanh, Tác giả quốc kỳ: Vẫn là dấu chấm hỏi, Báo Tuổi Trẻ, ngày 23/11/2006.

.
.
.