Thứ Sáu, 30/06/2017, 14:58 (GMT+7)
.

Đông Phương tạp chí - tờ báo Đảng công khai đầu tiên ở Mỹ Tho

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, vào thập niên 30 của thế kỷ XX có 2 tờ báo mang tên Đông Phương xuất bản ở Hà Nội, một tờ do A. Lavallée làm Tổng Biên tập và một tờ do Mai Du Lân làm Tổng Biên tập, tồn tại đến năm 1931. Riêng Tạp chí Đông Phương xuất bản ở Mỹ Tho ra đời muộn hơn, song đây là tờ báo Đảng đầu tiên được in ấn, phát hành công khai.

Trụ sở Đông Phương thơ xã.
Trụ sở Đông Phương thơ xã.

Tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho được thành lập đã xuất bản tờ báo đầu tiên mang tên Dân Cày. Lúc này, Báo Giải Phóng của Xứ ủy Nam kỳ cũng được nhân bản và tổ chức phát hành ở Mỹ Tho. Từ tháng 5-1931 đến năm 1932, Mỹ Tho còn có tờ Búa Liềm, Cơ quan tuyên truyền của Liên Tỉnh ủy Mỹ Tho - Bến Tre do Nguyễn Văn Nguyễn làm Chủ nhiệm. Ngoài ra, đến giữa năm 1933 có thêm tờ Nông Dân và Phấn Đấu cũng do Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho xuất bản. Tất cả các báo trên đều được in và phát hành bí mật.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN

Tháng 6-1935, Mặt trận Bình Dân ở Pháp lên nắm quyền, nới lỏng quyền tự do dân chủ cho người dân các xứ thuộc địa. Nhân cơ hội này, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát động phong trào rộng lớn trong dân chúng, đấu tranh công khai, hợp pháp, nêu lên nguyện vọng về tự do, dân chủ và cải thiện đời sống, vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đỉnh cao là phong trào Đông Dương đại hội.

Ở lĩnh vực báo chí, ngày 30-8-1938, thực dân Pháp ra sắc lệnh hủy bỏ quy định các báo Việt ngữ phải xin phép trước khi xuất bản (quy định bởi sắc lệnh ngày 4-10-1927). Tự do ngôn luận được nới lỏng, Đảng Cộng sản Đông Dương vận động lưu hành hợp pháp, bán hợp pháp các tờ báo Dân Chúng, Lao Động, Tranh Đấu... bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Đây là những tờ báo xung kích trong cuộc vận động dân chủ, dân sinh.

Tờ Đông Phương tạp chí ra mắt ngày 1-1-1939, trụ sở đặt tại đường Gallieni (nay là đường Trưng Trắc, Mỹ Tho). Đây là tạp chí xuất bản không định kỳ. Nội dung bao gồm các chuyên mục khảo cứu, tin tức, sưu tầm tài liệu văn chương, lịch sử và khoa học xã hội. Ban trị sự có các ông Phan Văn Chiêu, Nguyễn Văn Phấn và Nguyễn Văn Tây. Báo in với 3 loại khổ 22 x 29 cm, 30 x 44 cm và 15 x 21,5 cm.
Theo Bằng Giang trong Văn học quốc ngữ Nam kỳ, tờ Đông Phương tạp chí của Mỹ Tho do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo. Người chấp hành quyết định là Nguyễn Văn Tây, tức Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Nguyễn Văn Tây quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1926, khi còn đang theo học ở Trường Collège de Cần Thơ, ông đã tham gia các hoạt động yêu nước. Tháng 6-1930, ông được cử làm Bí thư tỉnh Gia Định. Đầu năm 1931, ông giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Cuối tháng 4-1931, ông bị bắt, bị kết án tù chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo. Năm 1936, Mặt trận Bình Dân Pháp thắng thế, chính quyền thực dân Pháp buộc phải thả một số tù chính trị phạm, ông và hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị đày ra Côn Đảo được trả tự do. Trở về đất liền, ông tham gia hoạt động công khai tại Sài Gòn, tổ chức nhà xuất bản Đông Phương thơ xã ở Mỹ Tho và tham gia xuất bản Báo Dân Chúng, tờ báo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ. Nhiều tài liệu cho biết, ông còn là Chủ nhiệm của tờ  Đông Phương tạp chí. 

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh, vào đầu năm 1938, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ điều đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh và các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Vũ Thiện Tấn vào Nam công tác. Theo tài liệu này, Vũ Văn Hiếu bị bắt đày ra Côn Đảo vào tháng 7-1931 đồng thời bị giam cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Tây và cũng được trở về đất liền vào năm 1936. Sau khi vào Nam, các đồng chí này đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Tây tham gia chỉ đạo tờ Đông Phương tạp chí với danh nghĩa là đặc phái viên. Thông qua đó, truyền đạt nghị quyết của Trung ương Đảng đến các tổ chức hoạt động công khai ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Sài Gòn.

Tham gia cộng tác với Đông Phương tạp chí lúc bấy giờ còn có các nhà báo cộng sản nổi tiếng như Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Nguyễn.

Báo phát hành khá rộng, ở Cai Lậy có đại lý phát hành của ông Đồng Bang tại chợ Cai Lậy và tiệm thuốc Bắc của ông Nguyễn Đức Hiển ở Nhị Quý... Ở Gò Công, đồng chí Nguyễn Văn Côn sau khi mãn hạn tù về vận động phong trào đọc sách báo Mác-xít thông qua các hội Ái hữu. Tiệm hớt tóc của đồng chí Cao Văn Kỳ ở chợ Vĩnh Lợi là đại lý phân phối báo. Các loại báo được lưu hành ở Gò Công trong giai đoạn này là Dân Chúng, Đông Phương tạp chí... Ở các địa phương phía biển đồng chí Dương Văn Trọng được phân công quảng bá và phát hành tờ Đông Phương tạp chí.

SỐ ĐẦU TIÊN ĐĂNG THƠ CỦA CỤ PHAN

Cụ Phan Bội Châu, nhà chí sĩ yêu nước tiêu biểu ở nửa đầu thế kỷ XX. Sau thất bại phong trào Đông Du rồi những năm vào tù ra khám, bị kết án vắng mặt, tháng 6-1925, cụ bị thực dân Pháp bắt xử án tù chung thân. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, cụ bị đưa về an trí tại Huế. Trong 15 năm cuối đời, “ông già Bến Ngự” vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ, nên rất được nhân dân yêu mến.

Theo tài liệu của ông Chương Thâu, khi nghe tin Đông Phương tạp chí ra đời, để mừng tờ báo tiến bộ của đảng viên Đảng Cộng sản ở Mỹ Tho, cụ Phan đã viết một bài thơ Kê ký minh hỉ (gà đã gáy rồi) nhằm tiếp tục thức tỉnh nhân dân. Bài thơ này được đăng trên số đầu tiên của tạp chí, trong đó có đoạn:

“Gáy một tiếng vang ầm ba bốn mặt!
Thôi giục vừng hồng trên quả đất,
Sau tiếng gà gáy bỗng thấy mặt trời lên
Màn mây mù quét sạch, hiện thanh thiên,
Luồng đau khổ đánh tan, trình hỉ khí!
Nào bạn lao nông, nào nhà chính trị,
Nào làng văn sĩ, nào cửa thần quyền,
Thời thế ấy quyết vai liền cánh rập”

Đông Phương thơ xã của Nguyễn Văn Tây, đồng thời cũng là đại lý phát hành sách báo cách mạng và đã xuất bản tác phẩm Tình trong tù của Ngũ Yến - tức Nguyễn Văn Nguyễn.

Mặt trận Bình Dân Pháp sụp đổ, phong trào cách mạng tại địa phương bị đàn áp. Ngày 29-9-1939, Nguyễn Văn Tạo lại bị Pháp bắt giữ ở Mỹ Tho cùng với Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nguyễn và bị kết án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ, đày đi Rạch Giá. Nguyễn Văn Tây chạy về vùng U Minh Thượng lánh nạn và hoạt động bí mật. Đông Phương tạp chí đình bản với số cuối cùng ra ngày 1-9-1939. Cùng lúc, Đông Phương thơ xã cũng bị đóng cửa.

PHAN LÊ

.
.
.