Thứ Sáu, 23/06/2017, 09:14 (GMT+7)
.

Nghĩ về lòng trung thành của cán bộ, đảng viên

Sách Đại Việt sử kí toàn thư đã viết về câu chuyện Yết Kiêu cứu Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn) thoát chết như sau: Khi Hưng Đạo Vương thua trận, định theo đường núi để rút lui (đường này rất nguy hiểm vì kỵ binh giặc rất giỏi). Dã Tượng cam đoan Yết Kiêu vẫn đợi ở bến thuyền. Quả nhiên, khi Hưng Đạo Vương đến thì thấy Yết Kiêu đang một mình cắm thuyền chờ. Hưng Đạo Vương vui mừng mà nói rằng: “Ôi! Chim hồng, chim hộc sở dĩ có thể bay cao, bay xa là nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu như không có sáu trụ xương cánh ấy thì chim hồng, chim hộc cũng chỉ như chim thường thôi”.

Bác Hồ dạy về lòng trung thành của cán bộ, đảng viên (mở rộng ra đến công chức, viên chức) như sau: Đó là lòng trung thành với Tổ quốc, với giai cấp, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác-Lênin. Lòng trung thành là thước đo thái độ, bản chất của từng con người đối với sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc, của đất nước. Có trung thành mới dám xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Có trung thành mới biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Bác Hồ từng dạy cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả. Mục 1, Điều 2, Nhiệm vụ của đảng viên trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu đảng viên phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng. Mục 1, Điều 8 Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong Luật Cán bộ, công chức yêu cầu cán bộ, công chức phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn khẳng định lòng trung thành tuyệt đối của mình với Tổ quốc, với giai cấp, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó “mới dám xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân”, mới “trung với nước, hiếu với dân”, mới không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

NHƯ NGỌC

.
.
.