Thứ Ba, 18/07/2017, 10:24 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP THÀNH PHỐ MỸ THO (24-8-1967 - 24-8-2017)

Mỹ Tho - những năm tháng hào hùng

Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết nhưng đế quốc Mỹ ngang nhiên phá hoại hiệp định, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống bù nhìn, dựng nên cái gọi là Quốc gia độc lập giả tạo nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt, mở đầu bằng kế hoạch Xtalây-Taylo bình định nông thôn, lập ấp chiến lược nhằm đánh phá phong trào cách mạng của ta nhưng đã bị nhân dân miền Nam vùng lên Đồng khởi phá lỏng, phá rã, phá banh, phá sạch. Thất bại thảm hại trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ buộc phải đưa quân vào miền Nam tham chiến, tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ.

Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết nhưng đế quốc Mỹ ngang nhiên phá hoại hiệp định
Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết nhưng đế quốc Mỹ ngang nhiên phá hoại hiệp định

Tại Mỹ Tho, đế quốc Mỹ đưa Sư đoàn 9 sang lập căn cứ Đồng Tâm, trung tâm đầu não quân sự của Mỹ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để tiến hành xây dựng căn cứ, chúng đưa chiếc tàu Jamaicabay là một chiếc xáng lớn vào loại nhất, nhì nước Mỹ, sang đào sâu đáy sông Tiền thổi đất, cát lên lấp bằng 400 ha ruộng, vườn để xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ. Ngoài ra, chiếc xáng còn là nơi vui chơi của hàng trăm tên Mỹ sau những cuộc càn quét, bắn giết. Thân tàu rộng 75 m, dài 210 m, cao 3 tầng, có cả sân bay trực thăng túc trực thường xuyên 3 chiếc và một giàn pháo 18 khẩu từ 105 mm đến 155 mm. Tàu được canh phòng nghiêm ngặt, 12 tiểu hạm luôn luôn tuần tra canh gác cùng với 1 tiểu đoàn bộ binh Mỹ bảo vệ trên bờ.

Quyết không để chúng ngang nhiên xây dựng căn cứ, Biệt động thị xã Mỹ Tho phối hợp với Đặc công Khu 8 đã đánh chìm chiếc tàu này trên sông Tiền vào ngày 10-1-1967. Chiếc tàu Jamaicabay bị nhấn chìm cùng với hơn 200 tên nhân viên kỹ thuật, sĩ quan, công binh Mỹ và các tiểu hạm xung quanh đã làm cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vô cùng phấn khởi, tạo khí thế tiến công hào hùng, đánh phủ đầu ngay khi những tên lính viễn chinh Mỹ vừa mới đặt chân đến vùng đất Mỹ Tho giàu truyền thống yêu nước.
Sau trận đánh này, thị xã Mỹ Tho được Trung ương Cục miền Nam nâng lên thành thành phố Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho) trực thuộc Khu 8 và được chọn làm chiến trường trọng điểm của khu Trung Nam bộ. Vừa mới thành lập, Thành ủy Mỹ Tho đã lãnh đạo quân và dân thành phố tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh thẳng vào hang ổ, sào huyệt của kẻ thù.

Khí thế cuộc Tổng tấn công thật hào hùng, sôi động, hầu như cả thành phố đón giao thừa trong tiếng súng công đồn thay cho những tràng pháo đón chào xuân mới. Mặc dù chưa giải phóng được thành phố, nhưng cuộc tiến công và nổi dậy đã để lại một dấu ấn lịch sử không phai mờ trong những năm tháng hào hùng của quân và dân TP. Mỹ Tho.
Sau Tết Mậu Thân, địch tăng cường phản kích dữ dội nhưng quân và dân TP. Mỹ Tho vẫn kiên cường bám trụ. Điển hình là trận chống càn dài ngày của lực lượng vũ trang Thành đội phối hợp với du kích xã Đạo Thạnh đã dũng cảm, kiên cường đương đầu với 1 tiểu đoàn của Lữ đoàn 3, Sư đoàn 9 Mỹ có máy bay, pháo binh và xe M.113 yểm trợ.

Chỉ tính riêng trong 2 ngày 21 và 22-6-1969, bằng lối đánh du kích linh hoạt, sáng tạo, sử dụng mìn và lựu đạn, ta đã bẻ gãy nhiều đợt phản công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên, buộc chúng phải bỏ dở trận càn. Không chỉ kiên cường bám trụ chống càn, quân và dân TP. Mỹ Tho còn chủ động tấn công vào nội ô làm cho địch thất điên bát đảo. Tiêu biểu như tháng 7-1969, lực lượng Biệt động thành phố kết hợp với nội tuyến đưa mìn vào đặt tại Văn phòng Bộ Chỉ huy Trung tâm Tình báo Mỹ vùng 4 chiến thuật, diệt 1 thiếu tá, 1 đại úy, 1 trung úy Nam Triều Tiên, gây một tiếng vang lớn bởi ngay trong sào huyệt, trung tâm tình báo vẫn không được an toàn.

Khí thế hào hùng, tinh thần chủ động tấn công địch của quân và dân TP. Mỹ Tho luôn trên đà phát triển. Chỉ tính riêng trong năm 1970, Biệt động Thành đoàn đã đánh 6 trận vào các quán bar, nơi bọn cố vấn và sĩ quan thường vui chơi đã diệt và làm bị thương 66 tên, trong đó có 22 tên cố vấn Mỹ. Nổi bật nhất là đêm 30-4-1970, Đại đội 1 Thành đội phối hợp với một bộ phận của Tiểu đoàn 267B Đặc công đã tập kích vào sân bay Hùng Vương, loại khỏi vòng chiến đấu 45 tên, phá hủy 2 máy bay và 5 xe quân sự. Riêng Đại đội 4 Đặc công thủy Thành đội đánh nhiều trận, đánh chìm 11 tàu, trong đó có 1 chiến hạm trên vàm Kỳ Hôn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.

Bước vào chiến dịch mùa khô năm 1972, hòa chung với khí thế tiến công địch trên các chiến trường, ngày 16-2-1972, lực lượng Đại đội 1, Thành đội Mỹ Tho phối hợp với Đặc công Khu 8 đã đột kích đánh phá kho đạn Cao Thắng đóng trên địa bàn xã Trung An. Đây là kho vũ khí lớn nhất của vùng 4 chiến thuật, chứa khoảng gần 400.000 tấn bom, đạn các loại. Bằng lối đánh táo bạo, quả cảm, 2 giờ 45 phút sáng, quả mìn đầu tiên nổ, tiếp sau đó là hàng loạt các quả mìn khác phát hỏa làm cho các kho chứa bom, đạn phát nổ, bốc cháy dữ dội cho đến tận chiều tối, phá hủy hoàn toàn kho đạn cùng với hàng chục tên địch bị tiêu diệt.

Thất bại thảm hại trên các chiến trường, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và Hiệp định Paris về việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, kẻ thù ngang nhiên phá hoại hiệp định, tiến hành xua quân lấn chiếm, giành dân, lấn đất. Trước tình hình đó, với khí thế hào hùng trên đà chiến thắng, Thành ủy đã chỉ đạo quân và dân TP. Mỹ Tho tiếp tục tấn công nhằm trừng trị hành vi lấn chiếm, vi phạm Hiệp định Paris của địch. Nhiều trận đánh đã xảy ra với thế chủ động tấn công, các đồn bót địch đóng trên địa bàn liên tục bị quân và dân TP. Mỹ Tho bức rút, bức hàng, bức diệt. Khí thế hào hùng lan rộng cùng với Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày 30-4-1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì quân và dân TP. Mỹ Tho đã cùng với một số lực lượng của Khu 8 tiến thẳng vào giải phóng hoàn toàn thành phố.

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, từ khi được hình thành với tên gọi Mỹ Tho đại phố, người dân TP. Mỹ Tho đã mang trong mình truyền thống yêu nước nồng nàn. Vì vậy, mỗi lần đất nước bị lâm nguy là người dân Mỹ Tho lại vùng lên quật khởi. Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, khí thế hào hùng, tinh thần quật khởi lại vùng lên mạnh mẽ, xứng đáng là thành phố vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.