Thứ Bảy, 05/08/2017, 10:31 (GMT+7)
.

45 năm sau "Nụ cười chiến thắng"

Thành cổ Quảng Trị nằm cạnh dòng sông Thạch Hãn (thuộc tỉnh Quảng Trị) đã chứng kiến cảnh “mưa bơm lửa đạn”, mà đỉnh điểm là “81 ngày đêm rung chuyển” từ ngày 28-6 đến 16-9 năm 1972. “81 ngày đêm rung chuyển” ở Thành cổ Quảng Trị đã hằn sâu trong ký ức của nhiều người.

Trước khi đến với Quảng Trị lần đầu tiên, chúng tôi biết về Thành cổ Quảng Trị qua bài thơ Đò xuôi Thạch Hãn của người cựu chiến binh Lê Bá Dương và bức ảnh Nụ cười chiến thắng của Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính.

Bức ảnh Nụ cười chiến thắng của Đoàn Công Tính.
Bức ảnh Nụ cười chiến thắng của Đoàn Công Tính.

Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính, một phóng viên chiến trường, từng có mặt tại Thành cổ trong 81 ngày đêm nóng bỏng vào năm 1972, trong một chuyến về thăm lại Quảng Trị đã kể lại rằng: “Thành cổ ngày 16-8-1972 không viên gạch nào còn nguyên vẹn, chỉ có nụ cười các chiến sĩ là vẫn vẹn nguyên, rạng rỡ. Các chiến sĩ nói mỗi khi tôi giơ máy ảnh lên: Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng Thành cổ sẽ sống mãi...”. Bức ảnh Nụ cười chiến thắng đã ra đời trong khoảnh khắc như vậy và đã hằn sâu vào ký ức của bao thế hệ. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử oai hùng của dân tộc.

Chúng tôi có dịp viếng thăm Thành cổ Quảng Trị sau hơn 40 năm sự kiện lịch sử “81 ngày đêm rung chuyển”. Những ngày hè, Quảng Trị nắng rát da. Thành cổ giờ chỉ còn lại một ít dấu tích của các bờ thành, do đã bị tàn phá sau những trận ném bom của Mỹ. Gần trung tâm trong khuôn viên Thành cổ, thế hệ hôm nay đã xây Đài Tưởng niệm để thắp hương chung cho tất cả những liệt sĩ đã hy sinh.

Dưới chân Đài tưởng niệm, nơi trang trọng và dễ nhìn thấy nhất dành để trưng bày một đôi giày, chiếc mũ, cây súng và bộ quần áo của các chiến sĩ đã từng chiến đấu ở mặt trận này. Thành cổ Quảng Trị

“Đất tâm linh”

Ban đầu Thành được đắp bằng đất, đến năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000 m, cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài.

Từ 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao ở đây. Thành trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc.

Sau chiến dịch Thành cổ "mùa hè đỏ lửa” năm 1972 toàn bộ Thành cổ gần như bị san phẳng, chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.

“81 ngày đêm rung chuyển” ở Thành cổ ta đã tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên; đánh thiệt hại 19 tiểu đoàn, phá hủy 349 xe quân sự, trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.

Ngay trung tâm Thành cổ giờ đây được xây một Đài Tưởng niệm ghi dấu ấn 81 ngày đêm năm 1972. Góc phía Tây Nam dựng lên một ngôi nhà hiện đại làm Bảo tàng. Thành cổ được người dân trong vùng xem là “Đất tâm linh” vì nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng có bom đạn và máu xương các chiến sĩ.

hằng ngày đón trên hàng trăm lượt người đến thắp hương cho những chiến sĩ đã hy sinh và cả những gia đình đến để tìm người thân, dù sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh.

Có lẽ một điều hiển nhiên là khi nhắc lại những ngày tháng hào hùng của “81 ngày đêm rung chuyển” ở Thành cổ Quảng Trị, nhiều người không thể quên 4 câu thơ trong bài Đò xuôi Thạch Hãn của người cựu chiến binh Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Bến sông Thạch Hãn cạnh Thành cổ, nơi xuất quân tiếp viện cũng bị bom đạn của địch tàn phá, cướp sinh mạng của bao chiến sĩ, để những ngày sau khi hòa bình lập lại có người cựu chiến binh về thăm, thắp hương cho đồng đội và đã để lại 4 câu thơ mà thế hệ sau nhiều người biết đến. Sau ngày kết thúc chiến tranh, cựu chiến binh Lê Bá Dương và một số đồng đội hằng năm đều về Quảng Trị ít nhất một lần để tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh.

Dành dụm được ít tiền, người cựu chiến binh này mua hoa tươi lặng lẽ ra bờ sông thả cho đồng đội. Ông sợ tiếng chèo khua mạnh sẽ động tới giấc thiên thu của những người lính trận năm xưa. Nỗi sợ của ông là rất thật bởi dường như còn rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh đang nằm đâu, đang ở đâu trong đất đai, sông nước Thành cổ. Từ đó, những năm gần đây, hằng năm cứ vào ngày 27-7, chính quyền tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm những người đã nằm lại tại Thành cổ trong 81 ngày đêm cách đây 45 năm.

Thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn nhân ngày 27-7 hàng năm.
Thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn nhân ngày 27-7 hằng năm. Ảnh: TL.

Ở thế hệ chúng tôi, những người được sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, càng khắc ghi sâu sắc những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước cho đất nước được độc lập hôm nay. Và có lẽ, bài thơ của cựu binh Lê Bá Dương sẽ là lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ hôm nay về lịch sử hào hùng của dân tộc. Thế hệ trẻ biết được bức ảnh của Đoàn Công Tính chụp ngay trên mảnh đất Thành cổ những ngày chiến đấu ác liệt mới có thể hiểu được rằng, để có được nụ cười chiến thắng ngày hôm nay, chúng ta đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu của chiến sĩ cách mạng. Nụ cười chiến thắng của Đoàn Công Tính 45 năm trước, nay đã trở thành biểu trưng cho tinh thần lạc quan, yêu nước của cả dân tộc.

ANH PHƯƠNG

.
.
.