Thứ Tư, 02/08/2017, 19:45 (GMT+7)
.

Thành ủy Mỹ Tho ra đời đáp ứng yêu cầu cách mạng

Bia Lưu niệm Căn cứ Thành ủy Mỹ Tho thời kỳ kháng chiến chống Mỹ  tại xã Đạo Thạnh. 					             Ảnh: DUY ANH
Bia Lưu niệm Căn cứ Thành ủy Mỹ Tho thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Đạo Thạnh. Ảnh: DUY ANH

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của Đảng và nhân dân ta, Mỹ Tho là địa bàn chiến lược và là “thủ phủ” của Trung Nam bộ. Với vị trí chiến lược đó trong kháng chiến, Thành ủy Mỹ Tho ra đời đáp ứng yêu cầu cách mạng.

Tháng 6-1967, Hội nghị Khu ủy Khu 8 đã quyết định chọn TX. Mỹ Tho làm chiến trường trọng điểm tấn công trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy. TX. Mỹ Tho bấy giờ là cơ quan đầu não của địch trên địa bàn Khu 8. Khu ủy Khu 8 đã đề xuất và được Trung ương Cục miền Nam chuẩn y cho nâng TX. Mỹ Tho lên thành phố trực thuộc Khu vào ngày 24-8-1967. Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Mỹ Tho được thành lập gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thanh Hà được cử giữ chức vụ Bí thư Thành ủy.

Ngày 27-8-1967, Thành ủy Mỹ Tho họp phiên đầu tiên tại Rạch Đập, xã Thạnh Hưng, huyện Cái Bè. Hội nghị đã quán triệt chủ trương, nghị quyết của trên, bàn về nhiệm vụ công tác của Đảng bộ, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Thành ủy viên và triển khai quyết định thành lập các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy. Hôi nghị cũng nhất trí lấy bí danh của Thành ủy là H10.

Về nhiệm vụ trước mắt, Thành ủy xác định phải tích cực xây dựng lực lượng gồm các cơ quan lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể cấp thành phố, củng cố phát triển Lực lượng vũ trang của Thành đội, phát triển và củng cố tổ chức Đảng. Đối với công tác chiến đấu, Thành ủy đề ra nhiệm vụ phải phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch trong nội ô, hệ thống ấp chiến lược ở các xã vùng ven, tạo thành thế du kích chiến tranh, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, hình thành thế căn cứ ở các xã vùng ven, làm chỗ đứng chân cho cơ quan Thành ủy, các đoàn thể và Lực lượng vũ trang thành phố, tạo thế bao vây và làm bàn đạp cho lực lượng tập kết.

Tháng 11-1967, cơ quan Thành ủy được dời về xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy; sang tháng 12-1967, tiếp tục dời về đóng tại xã Đạo Thạnh để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Về tổ chức Đảng, thời điểm này ở nội ô thành phố có 4 chi bộ của 4 quận, ở các xã vùng ven mỗi xã có 1 chi bộ với từ 25 đến 30 đảng viên hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thành ủy. Cơ quan chỉ huy cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở TP. Mỹ Tho đặt tại xã Đạo Thành và xã Mỹ Phong để kịp thời lãnh đạo và chỉ huy.

Sự ra đời của Thành ủy Mỹ Tho đáp ứng kịp thời cho sự lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vào TP. Mỹ Tho, cũng như phong trào cách mạng của thành phố những năm tiếp theo.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, giặc điên cuồng chống phá, ruồng bắt lực lượng cách mạng. Trước tình thế đó, Thành ủy dời căn cứ về xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo.

Đến giữa năm 1969, Thành ủy tổ chức triển khai học tập đến từng chiến sĩ và đoàn thể để thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo và hành động kịp thời, chủ trương bảo vệ địa bàn đứng chân, củng cố lực lượng, tạo thế vững chắc để đánh địch cả về quân sự và chính trị. Để tiếp tục chỉ huy, xây dựng và củng cố phong trào, Thành ủy dời căn cứ về lại xã Đạo Thạnh và xây dựng cơ sở đứng chân tại ấp 3 và ấp 5.

Cuối năm 1969, do Mỹ dùng chất khai hoang rãi nơi lực lượng cách mạng đóng quân, gây khó khăn cho hoạt động nên Thành ủy tiếp tục dời căn cứ sang xã Quới Sơn, tỉnh Bến Tre đến năm 1972 để bảo toàn lực lượng, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng thành phố.

Trong những năm 1969 đến 1972, phong trào cách mạng ở TP. Mỹ Tho tuy gặp nhiều khó khăn, phải nhiều lần dời căn cứ; song dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quân và dân thành phố vẫn kiên quyết tiến công địch trên 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự và binh vận, giữ vững quyền làm chủ ở ngoại ô và tiến công địch ở nội ô, gây cho chúng nhiều thiệt hại về người và vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng.
Sau Hiệp định Paris, TP. Mỹ Tho được Khu 8 giao về trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Nhiệm vụ của Thành ủy lúc này là lãnh đạo, chỉ đạo các Lực lượng vũ trang đánh địch lấn chiếm, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh xây dựng 3 thứ quân và lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận.

Đầu năm 1975, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Khu ủy Khu 8 quyết định chuyển TP. Mỹ Tho từ trực thuộc tỉnh lên trực thuộc Khu. Ngay sau đó, Thành ủy đã chỉ đạo tăng cường Lực lượng vũ trang ở ngoại và nội ô, đẩy mạnh hoạt động đánh địch, gây cho chúng nhiều thương vong, rệu rã về tổ chức và tinh thần.

19 giờ ngày 30-4-1975, TP. Mỹ Tho cơ bản được giải phóng. Sau giải phóng, Thành ủy Mỹ Tho lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thành phố bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

MAI HÀ

.
.
.