Thứ Ba, 26/09/2017, 21:49 (GMT+7)
.

Châu Thành trong những ngày Nam bộ kháng chiến

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Sài Gòn, tình hình chiến sự lan nhanh ra vùng xung quanh. Đứng trước tình hình vô cùng khó khăn, thử thách, Đảng bộ Châu Thành đã kịp thời củng cố tổ chức, tăng cường đảng viên những nơi cơ sở đảng còn yếu, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng, đồng thời cải tổ lại chính quyền nhân dân đưa đảng viên vào nắm các chức vụ chủ chốt. Về nhiệm vụ chuẩn bị kháng chiến, tích cực xây dựng lực lượng võ trang và quân dân cách mạng, tiến hành phá hoại giao thông, cản bước tiến quân của địch, canh gác, tuần tra, phòng chống gián điệp, vận động nhân dân sơ tán, thực hiện vườn không nhà trống, sắm sửa vũ khí, dao mác, gậy gộc, sẵn sàng đánh địch.

Công binh xưởng Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến.
Công binh xưởng Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến.

Chỉ trong thời gian ngắn (tháng 9 và tháng 10 -1945) tình hình trong huyện đã có bước tiến đáng kể. Tổ chức Đảng từ Huyện ủy đến chi bộ được củng cố đủ sức mạnh lãnh đạo phong trào, chính quyền các cấp cũng được kiện toàn, đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh được nhanh chóng phát triển, thu hút hàng chục ngàn người tham gia, thanh niên hăng hái nô nức tham gia luyện tập quân sự, canh gác. Trường đào tạo cán bộ quân sự tại xã Vĩnh Kim đã đào tạo được hàng trăm cán bộ quân sự, mỗi xã có từ 1 đến 2 trung đội dân quân cách mạng. Các xã trong hệ Cổ Chi do đồng chí Lê Văn Dê lãnh đạo đã tập hợp hơn 500 du kích luyện tập, thao dượt

. Đồng chí Nguyễn Văn Phấn ở Tân Hiệp cũng tập trung hàng trăm thanh niên ở các xã xung quanh vùng Tân Hiệp tổ chức luyện tập quân sự, canh gác bố phòng. Ở Bình Trưng có phong trào huấn luyện tập dượt dân quân, phát động mỗi nhà sắm 1 cây tầm vông, 1 mõ, không khí chuẩn bị đánh Pháp thật sôi nổi, khẩn trương. Để ngăn cản bước tiến quân của giặc Pháp, nhân dân Châu Thành đã tiến hành bốc ván, phá sập cầu Tân Hương, cầu đúc Long Định và hầu hết các cầu khác trên các trục lộ giao thông; đường xe lửa đã bị bốc nhiều đoạn, hàng trăm người hè nhau lật đường rây, đổ rơm, trấu ra đốt tà vẹt. Đường bộ suốt từ Tân Hương đến Điềm Hy bị đào xới từng đoạn. Trên các đoạn sông ta tổ chức đắp đê cản tàu giặc, thành lập các phòng tuyến như: Cầu đúc Long Định, mặt trận chùa Phật Đá để chặn đánh địch.

Vấn đề cấp bách nhất chuẩn bị cho kháng chiến là vấn đề vũ khí, ngoài một số súng ta thu được trong Cách mạng Tháng Tám, hầu hết lực lượng du kích, dân quân được trang bị vũ khí thô sơ. Vì vậy, một số nơi đã tổ chức giựt súng của bọn Nhật trang bị cho ta. Nhân dân trong huyện cũng đã tích cực đóng góp sắt, đồng cho công binh xưởng của ta sản xuất vũ khí, nhiều chùa chiền cũng hiến đại đồng chung cho cách mạng làm vũ khí như: Chùa Lương Phước, chùa Hội Phước ở xã Bình Trưng hiến 2 đại hồng chung, mỗi cái nặng 70 kg; nhiều gia đình mang lư đồng, mâm thau, chưn đèn đóng góp cho cách mạng để sản xuất vũ khí.

Ngày 26-10-1945, thực dân Pháp chia làm 2 mũi tấn công thị xã Mỹ Tho, một mũi dùng tàu đổ bộ theo sông Tiền, một mũi đi đường bộ từ Sài Gòn xuống, cánh quân đi đường bộ đã gặp phải chướng ngại vật và do cầu đường bị ta phá hoại nên phải mất 1 ngày chúng mới đến được Mỹ Tho. Do được chuẩn bị từ trước, các lực lượng ta nhanh chóng rút ra vùng xung quanh thị xã, tiến hành vườn không nhà trống và kịp thời bao vây chặn đánh địch không cho chúng lấn ra vùng nông thôn. Lúc này ta tổ chức thành lập bộ đội Thủ Khoa Huân rút từ các chiến sĩ cốt cán ở các đơn vị quân dân cách mạng do đồng chí Dân Tôn Tử chỉ huy. Ngay sau khi thành lập, ngày 7-11-1945, lực lượng bộ đội Thủ Khoa Huân tiến đánh, bao vây, tấn công địch ở Trung Lương, trận đánh diễn ra suốt 1 tuần lễ, giam chân quân Pháp ở đây không cho chúng đánh rộng ra vùng xung quanh, tạo điều kiện cho các địa phương chuẩn bị đánh địch.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Dân Tôn Tử, các xã vùng kinh Xáng Long Định đã tập trung lực lượng thành lập phòng tuyến dựa vào kinh Xáng để chặn đánh địch đánh xuống vùng Nam lộ của huyện Châu Thành và Cai Lậy.  Chiến đấu diễn ra ác liệt nhất là tại cầu đúc Long Định và vàm kinh Xáng; thực dân Pháp cố gắng phá vỡ 2 điểm này để mở đường xuống các huyện Cai Lậy, Cái Bè và các tỉnh miền Tây. Tại Xoài Hột, đồng chí Nguyễn Văn Cảnh chỉ huy một lực lượng phục kích đánh vào chợ diệt một số tên.

Tại Tân Hiệp, lực lượng dân quân du kích đã chặn đánh 2 xe địch, làm hư 1 chiếc, diệt một số tên ở xóm Ao. Đồng thời lực lượng dân quân du kích ở đây còn thường xuyên cướp giựt súng của địch, chặn đánh các đoàn tàu, xe trên đường sắt và quốc lộ, đoạn Tân Hương, Long An đốt các nhà ga làm cho địch hoang mang, lo sợ, hạn chế sự vận chuyển của chúng, tạo điều kiện cho các mặt trận đánh địch lấn chiếm. Tại mặt trận vàm Kinh Xáng gồm lực lượng học sinh quân của Trường Quân sự Vĩnh Kim do đồng chí Võ Tư chỉ huy, 1 phân đội của đồng chí Trần Bá Thọ, 1 phân đội của đồng chí Tiễn chịu trách nhiệm chặn đánh địch ở vùng này nhằm bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh đóng ở Bàn Long, đơn vị đồng chí Thới đã chặn đánh đại đội lính Pháp có bọn Nhật dẫn đầu tại cầu Bình Đức diệt 10 tên, có 3 tên Nhật.

Tại Thạnh Phú, sau khi phục kích tại chợ Xoài Hột diệt một số tên, lực lượng của đồng chí Nhâm đã rút về bến đò Long Hưng để bảo toàn lực lượng.

Tại mặt trận kinh Xáng, lực lượng ta liên tục đánh bại nhiều đợt tấn công của địch; đồng thời tiến hành bố trí lực lượng trên mặt trận chùa Phật Đá, vàm Rạch Chanh để chặn đánh địch tiến vào Đồng Tháp Mười. Mặc dù sau khi địch chiếm được thị xã Mỹ Tho và tổ chức lực lượng liên tục bung ra vùng nông thôn, nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng của các lực lượng võ trang, sau hơn 2 tháng, địch vẫn không vượt được phòng tuyến kinh Xáng, cầu Long Định để đánh về miền Tây, bước đầu ta đã đánh bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch, góp phần tích cực vào công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội. Sau ngày 6-1-1946, khi bầu cử Quốc hội đã hoàn thành, lực lượng của ta trên mặt trận kinh Xáng, cầu Long Định được lệnh rút vào Đồng Tháp Mười để bảo toàn lực lượng. Tại mặt trận chùa Phật Đá, vàm Rạch Chanh, lực lượng ta đã giữ vững được đến ngày 27-1-1946, do địch tập trung lực lượng tấn công ác liệt nên cuối cùng lực lượng ta phải rút về Đồng Tháp Mười để giữ gìn lực lượng.

TẤN ĐỜI

(Theo Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Châu Thành thời kỳ 1927 - 1954).

.
.
.