Thứ Bảy, 16/09/2017, 16:44 (GMT+7)
.

Chiến thắng Ba Rài, làm phá sản chiến thuật" hạm đội nhỏ trên sông"

Ngày 15-9-1967, trên rạch Ba Rài (nhân dân quen gọi là sông Ba Rài), đoạn tại ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), diễn ra trận chiến đấu của Tiểu đoàn 263 - Quân khu 8, cùng với quân và dân tỉnh Mỹ Tho chống cuộc hành quân của lữ đoàn 2, sư đoàn 9 bộ binh Mỹ. Qua 1 ngày chiến đấu, quân và dân ta đã đánh bại cuộc hành quân Cohart của quân Mỹ, làm phá sản chiến thuật “Lực lượng đột kích đường sông” bằng hạm đội nhỏ, nhằm thọc sâu vào vùng căn cứ “tìm diệt” quân giải phóng.

Tượng đài Chiến thắng Ba Rài.                                                                                              Ảnh: NGUYỄN NGỌC PHAN
Tượng đài Chiến thắng Ba Rài. Ảnh: NGUYỄN NGỌC PHAN

DIỄN TIẾN TRẬN ĐÁNH

Ngày 15-9-1967, quân Mỹ huy động 3 tiểu đoàn bộ binh, xe thiết giáp M.113, tàu chiến, máy bay và pháo binh yểm trợ, chia thành 2 hướng tiến công: Trên bộ, xuất phát từ chi khu Cai Lậy theo lộ Ba Dừa tiến vào phía Đông xã Cẩm Sơn; hướng còn lại, dùng xuồng thiết giáp từ sông Tiền theo rạch Ba Rài tiến vào, phối hợp với lực lượng hướng Đông bao vây khép kín hòng tiêu diệt quân ta.

Khi trời còn chưa sáng, 3 chốt đánh tàu địch bố trí sát mé rạch Ba Rài, cách địa hình chính của Đại đội 2 không xa, đã phát hiện tàu địch và xin lệnh nổ súng. Đồng chí Nguyễn Hoàng Kha (Tư Vọng), Đại đội trưởng Đại đội 2 ra lệnh 3 chốt đợi tàu chạy ngang qua mới nổ súng và đã nổ súng bắn trúng tàu; đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 263 hiện tàu địch vào rạch Ba Rài, ngang đội hình Đại đội 2.

Hơn 6 giờ, một số tàu địch chạy ngang qua đội hình Đại đội 2, cả 3 chốt của Đại đội 2 đồng loạt nổ súng, chiếc đi đầu rà phá mìn trúng đạn, chạy lủi sang bờ Tây rạch Ba Rài và một số chiếc khác cũng bị trúng đạn. Địch bị đánh bất ngờ nên khựng lại, nhưng sau đó cho tăng tốc vượt lên với ý định ra xa các chốt hỏa lực của Đại đội 2, đổ quân lên bờ phía Đông rồi quay trở lại tiêu diệt các chốt hỏa lực của ta, nhưng bị các chốt hỏa lực của Tiểu đoàn 263 bố trí cặp theo bờ phía Đông tiếp tục nổ súng, làm nhiều tàu trúng đạn, quay vòng tròn giữa dòng nước. Tàu rà phá mìn thứ 2 và một số chiếc tàu địch còn lại cố chạy lên hướng Bắc ngang qua đội hình của Trung đội Trinh sát - Đặc công. Tại đây, lực lượng trinh sát, đặc công dùng súng B.40, B.41 bắn tàu rà phá mìn địch chìm và chắn ngang giữa dòng nước, làm các chiếc tàu khác không thể chạy qua. Hầu hết đoàn tàu đều trúng đạn, đội hình chiến đấu của địch tan vỡ và trở thành bia di động cho lực lượng vũ trang ta nhả đạn.

Khoảng 7 giờ, địch chống trả, nhưng do số tàu trúng đạn, hư hỏng và binh lính Mỹ thương vong nhiều nên địch buộc phải rút quân ra khỏi trận địa. Lực lượng vũ trang của ta bắn cháy, chìm và làm hư hơn 10 chiếc tàu địch trên rạch Ba Rài.

Đến 8 giờ, tiểu đoàn 3/47 địch đổ bộ lên khu vực lộ Thầy Thanh (ấp 3, xã Cẩm Sơn), dùng tàu của tiểu đoàn 3/47 tăng cường cho tiểu đoàn 3/60. Đến 9 giờ, đoàn tàu địch tiến vào, lần này có máy bay chỉ huy, trinh sát dẫn đường; máy bay trực thăng chiến đấu quần đảo trên bầu trời chi viện và dùng hỏa lực trên tàu bắn mạnh 2 bên bờ rạch Ba Rài. Các tổ đánh tàu của Tiểu đoàn 263 vẫn giữ bí mật, chờ đoàn tàu đến trong tầm hiệu quả của hỏa lực mới nổ súng. Đến khoảng 9 giờ 20 phút, các tổ đánh tàu tiếp tục nổ súng, làm chìm và cháy thêm 6 chiếc nữa. Để cứu nguy cho đoàn tàu, địch tiếp tục dùng không quân, pháo binh đánh phá ác liệt. Các cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bộ binh 263 vẫn kiên cường trụ tại công sự phía bờ rạch cách mép nước chừng nửa mét để quan sát và sẵn sàng nhận chìm tàu địch khi chúng vào tầm hiệu quả của hỏa lực ĐKZ 57, B40, B41.

Trong suốt 3 giờ liền, quân Mỹ sử dụng bom pháo bắn phá ác liệt, cây cối ngã ngổn ngang trước tiền duyên phòng ngự của ta, cũng là lúc tiểu đoàn 3/47 quân Mỹ từ lộ Thầy Thanh tiến vào hướng phòng ngự của Đại đội 2, đến 13 giờ chúng tiếp tục cho tiểu đoàn 3/60 theo rạch Ba Rài tiến vào. Lúc này, trên hướng lộ Ba Dừa, tiểu đoàn 5/60 địch đi trên xe M.113 đang tiến vào cánh đồng Thanh Bình (Thanh Hòa) và Hòa Nghĩa (Long Khánh) hướng vào trận địa phòng ngự của Đại đội 1. Trước diễn biến trên, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn quyết định tổ chức bộ phận cảnh giới trên hướng rạch Ba Rài, nếu phát hiện địch đổ bộ lên bờ thì xuất kích đánh tiêu diệt, các tổ đánh tàu quay về trận địa phòng ngự đánh xe M.113; đồng thời lệnh cho lực lượng súng cối 82 chuẩn bị đánh địch trước tiền duyên, phòng ngự của Đại đội 1, Đại đội 2. Khoảng 14 giờ, bộ phận quan sát từ xa phát hiện quân Mỹ đổ bộ lên bờ. Trước tiền duyên phòng ngự của Trung đội Trinh sát, trinh sát cùng lực lượng Đoàn bộ vận động xuất kích, ta chiến đấu với địch suốt 2 giờ liền, gây cho chúng nhiều tổn thất. Đến 16 giờ 30 phút, chúng dùng trực thăng thả khói mù nhằm hạn chế tầm nhìn của ta, để bọn này rút xuống tàu.

Trên các hướng khác, từ 15 giờ cũng triển khai đội hình tiến công. Hướng trên rạch Ba Rài, quân Mỹ không còn dám đổ bộ lên bờ, mà triển khai đội hình dọc rạch Ba Rài, đoạn từ vàm rạch Cầu Ván đến vàm rạch Bà Xá (trên hướng Bắc và hướng Tây). Lúc này, từng đợt pháo và máy bay phản lực địch thay nhau trút bom, pháo. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã lệnh cho đại liên, trung liên và cả tiểu liên bắn máy bay, với một lưới lửa dầy đặc đan chéo trên bầu trời mỗi khi chúng lao xuống ném bom. Đến 15 giờ 40 phút, một chiếc F100 bị trúng đạn, bốc cháy, bay đến xã Long An, huyện Châu Thành rơi xuống.

17 giờ, các hướng tiến công của quân Mỹ đều ngừng lại và chuyển sang thế phòng ngự lâm thời. Trời tối, pháo sáng của quân Mỹ bắn liên tục lên bầu trời xã Cẩm Sơn. Lợi dụng lúc không pháo sáng, Tiểu đoàn 263 và các lực lượng vũ trang của huyện Cai Lậy bí mật rút lui về xóm Tre (ấp 7, xã Long Trung) an toàn.

Qua 1 ngày chiến đấu, quân và dân ta bắn chìm, bắn cháy 16 tàu chiến và 9 xe thiết giáp M.113, bắn rơi 1 máy bay F.100, tiêu diệt và làm bị thương hơn 200 tên địch. Đây là trận chiến đấu mà quân giải phóng tiêu diệt được nhiều lính Mỹ nhất, tiêu hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại nhất ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho. Vùng giải phóng của tỉnh vẫn được giữ vững.

THẮNG LỢI CỦA TINH THẦN YÊU NƯỚC

Chiến thắng Ba Rài bước đầu làm thất bại chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” của quân Mỹ, mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của quân Mỹ ở Đồng bằng sông Cửu Long không thể thực hiện. Chiến thắng Ba Rài một lần nữa chứng minh sự quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta. Quân và dân ta luôn bám trụ và phản công địch; đồng thời linh hoạt vận dụng tốt 3 mũi giáp công, phối hợp tác chiến trên các chiến trường nhằm ngăn chặn, căng kéo, phân tán lực lượng địch, hạn chế sức mạnh của chúng. Thất bại trong trận Ba Rài đã làm lung lay niềm tin của quân Mỹ vào “sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ”, bước đầu làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Phát huy chiến thắng Ba Rài, quân và dân tỉnh Mỹ Tho giữ thế chủ động tiến công trên chiến trường, tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch, làm suy yếu khả năng càn quét của chúng. Có thể nói, Chiến thắng Ba Rài tạo ra thế và lực mới để quân và dân tỉnh Mỹ Tho tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris.

Chiến thắng Ba Rài có ý nghĩa không chỉ về mặt quân sự là khẳng định vai trò của Lực lượng vũ trang Quân khu 8 và tỉnh Mỹ Tho, mà còn có vai trò quan trọng và quyết định, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà trực tiếp là Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho đã đề ra chủ trương phù hợp với thực tế chiến trường, chỉ đạo các lực lượng và địa bàn trọng điểm chuẩn bị tốt phương án tác chiến, đánh bại trận càn của quân Mỹ trên rạch Ba Rài.

Thắng lợi trận Ba Rài còn là thắng lợi của thế trận chiến tranh nhân dân, thắng lợi của tinh thần yêu nước của quân và dân ta. Đó là thắng lợi của sự mưu trí, sáng tạo, sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, giữa quân sự với chính trị tác động, gây hoang mang, phân tán lực lượng địch và làm mất lòng tin vào sức mạnh quân sự của quân Mỹ.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.